11/10/2018 07:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Mùa giải 2018 bắt đầu bằng tin cực buồn khi trọng tài Dương Ngọc Tân qua đời trong một đợt kiểm tra sức khỏe trước khi bắt đầu nhận nhiệm vụ. Và có lẽ xuất phát từ đây, hàng loạt rối rắm liên quan đến cái gọi là vấn nạn trọng tài lại hoành hành trên sân cỏ Việt.
“Mùa giải này có đủ ba trọng tài ở ba hạng đấu “đi” rồi anh ạ. Sau anh Tân “Yên Bái” hạng Nhất đến Đát “Hải Phòng” hạng Nhì rồi Khoa “Bình Dương” bắt V-League, không biết nói gì hơn về cái nghề này”, một trọng tài trẻ “tổng kết” lại mùa giải 2018 họ đã trải qua.
Bi
V-League 2018 đến ngay sau hiệu ứng thành công của U23 Việt Nam đã có tác động tích cực cho giải đấu quốc nội. Theo thống kê từ BTC, có đến hơn 1 triệu người đến sân xem trực tiếp các trận đấu. Và điều không thể phủ nhận các trận đấu đã “sạch” hơn trước nhiều khi các trận đấu được nhận định “có mùi” hay “3 đi 3 về” không còn như đồn đoán. Bên cạnh đó, ngoài cái tên Sầm Ngọc Đức, bóng đá bạo lực cũng giảm thiểu đáng kể sau những án phạt rất nặng từ nhà điều hành.
Tuy nhiên, hạt sạn lớn nhất khiến giới chuyên môn phải nhắc đến đầu tiên chính là vấn nạn trọng tài. Một mùa giải mà quẩn quanh những “vua của vua áo đen” như Nguyễn Văn Mùi, Dương Văn Hiền, Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Văn Kiên hay Trần Văn Lập được nhắc đến liên hồi. Dư luận thắc mắc tại sao những cái tên “dính phốt” vẫn cứ đều đặn xuất hiện trên mặt báo mùa này qua mùa khác (?). Và như lời cám cảnh của một trọng tài trẻ vào nghề được vài năm, nghề trọng tài nguy hiểm đến độ phải đánh đổi cả tính mạng, nhưng lực hấp dẫn của nó tỷ lệ nghịch với suy nghĩ xấu hổ đến độ treo còi.
Đỉnh điểm cho những chuyện cười ra nước mắt ở mùa giải qua chính là việc Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng phải từ chức. Ông Hùng không thể giữ được cái đầu lạnh trong buổi họp với các “vua áo đen” và cuộn băng ghi âm được phát tán rộng rãi từ nội bộ đã phơi bày cho cả dư luận sự nhiễu nhương của bóng đá Việt. Ông Hùng mất uy tín phải ra đi nhưng câu hỏi cũ về bộ sậu trọng tài với những cái tên “muôn năm cũ” vẫn cứ sừng sững.
Để rồi gần cuối mùa giải, sự cố trọng tài với sự phối hợp của những cái tên như Trần Văn Lập và Nguyễn Trọng Thư lại tiếp diễn trên sân Bình Dương. Nhưng có vẻ theo thời gian, tất cả lại chìm vào dĩ vãng.
Hài
V-League 2018 chứng kiến sự ra đi không hẹn ngày trở lại của hai cái tên Nguyễn Văn Kiên và Trần Văn Lập. Họ lần lượt hoặc thổi 11m tưởng tượng khiến HAGL mất điểm đau đớn ở Khánh Hòa, hoặc làm B.Bình Dương tưởng chừng đã thắng 2-1 lại hòa chung cuộc 1-1 trước Than Quảng Ninh. Ông Kiên và ông Lập bị Ban điều hành giải đề nghị Ban trọng tài “cất” hai cái tên vừa nhắc, một biện pháp để dư luận hạ hỏa.
Trong một mùa bóng mà Hà Nội tỏ ra quá vượt trội dẫn đến các cuộc ganh đua bị giảm thiểu đáng kể, VPF đã tiết kiệm được đáng kể số tiền để chi cho đội ngũ trọng tài ngoại. So với nhiều mùa giải trước, VPF phải cất công thuê trọng tài Nhật Bản, Malaysia hay Thái Lan về điều hành các trận cầu then chốt của V-League. Còn V-League 2018 chỉ chứng kiến duy nhất trận đấu vòng cuối giữa XSKT Cần Thơ và Nam Định có tổ trọng tài Malaysia về “cầm cân nẩy mực”. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tiếng thở phào của VPF.
Mời người ngoài để mang công bằng về cho giải đấu, sự cẩn trọng của VPF có thể sẽ là nỗi đau của các trọng tài nội khi họ đã bị “mặc định” tâm lý không tin tưởng từ người nhà. Khi các CLB còn không tin nhau thì khó đòi hỏi họ tin trọng tài, tuyên bố đại ý của Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi có thể đại ý cho thứ “bóng đá nào, trọng tài nấy”. V-League tuổi 18 cũng như tuổi lên 3, ý thức chuyên nghiệp của các CLB nhiều khi là điều xa xỉ. Thế nên chuyện bi hài trên sân cỏ Việt dễ hiểu vì sao vẫn cứ nối dài theo thời gian và hằn trên những gương mặt cũ.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất