02/02/2015 19:45 GMT+7 | Phim
Năm 2010, The Milk Of Sorrow (Claudia Llosa) của Peru giành Gấu vàng. Năm 2013, Harmony Lesson (Emir Baigazin), bộ phim Kazakhstan từ một ê-kíp trẻ măng, giành Gấu bạc. Berlinale (LHP Berlin) có nhiều câu chuyện về sự thành công của những nền điện ảnh “lạ” như thế. Hy vọng một Gấu vàng cho đại diện Việt Nam, tại sao không?
“Điện ảnh đã chết”, đạo diễn Quentin Tarantino tuyên bố như vậy trước buổi chiếu Pulp Fiction ở LHP Cannes 2014 - nhằm chỉ trích việc rạp chiếu và các nhà làm phim chuyển sang dùng phim kỹ thuật số, quay lưng với phim nhựa. Đây không phải lần đầu công chúng nghe nhắc đến cái chết của điện ảnh bởi hơn 60 năm qua, các đạo diễn, các nhà phê bình đã nhiều lần dự báo giờ cáo chung của bộ môn nghệ thuật này. Thủ phạm bao gồm đủ nhân tố từ truyền hình, hiệu ứng đặc biệt, mạng Internet cho đến những giới hạn của chính điện ảnh...
Nếu chỉ nhìn vào lượt người xem tại rạp suy giảm và chất lượng phim bom tấn hàng năm, ta chắc hẳn không khỏi cảm thấy bi quan. Mặt khác, kỹ thuật hiện đại nhen nhóm hy vọng tạo nên các phương thức phân phối phim chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhận định tương lai điện ảnh u ám hay tươi sáng tất nhiên khó tránh khỏi ảnh hưởng từ góc nhìn cá nhân. Tuy nhiên, hàng năm vào tháng 2 ở Berlin, tháng 5 ở Cannes, tháng 9 ở Venice và Toronto cùng nhiều nơi khác, vẫn luôn có chừng hai tuần để giới làm phim và công chúng được sống trong không khí nhộn nhịp như thể “điện ảnh vẫn sống” theo nghĩa truyền thống, và sống khỏe.
Ở Berlin, nhiều năm LHP rơi vào những ngày đông lạnh giá nhưng các ngôi sao vẫn tươi cười dạo thảm đỏ; báo giới tất tả xuôi ngược giữa các điểm chiếu; công chúng vẫn hồ hởi tụ tập xếp hàng mua vé, lấp đầy những khán phòng rộng thênh thang có khi hơn 1.500 chỗ ngồi. Khác với LHP như Cannes chỉ dành cho khách mời, LHP Berlin là LHP mở cho công chúng có quy mô và thành công nhất với ước lượng 300.000 vé bán ra hàng năm cùng 500.000 lượt người tham dự.
Từ góc độ cởi mở với người xem, đoán chừng BTC cũng cởi mở hơn với các nhà làm phim, có thể cảm nhận phần nào một điểm khác nữa so với Cannes: tính khai phá. Nhìn danh sách phim tranh giải chính thức những năm gần đây của Cannes, tôi - người tuy có quan tâm đến phim arthouse nhưng không thực sự tiếp xúc nhiều với giới làm phim - có thể nhận ra ngay phần lớn tên tuổi đạo diễn tham dự vì hầu hết họ đã nổi danh trước đó. Thế nhưng nhìn vào danh sách phim tranh giải ở LHP Berlin, luôn luôn có quá nửa số đạo diễn tôi chưa từng nghe tên, đó là còn chưa kể đến các mục khác như Panorama, Forum… Tham dự LHP Berlin như vậy trở thành một cuộc dạo chơi thư giãn nhưng không kém phần kỳ thú, nơi mỗi xuất chiếu phim của một đạo diễn ít danh tiếng có thể bất ngờ hé lộ một tuyệt phẩm, nơi óc phê bình cá nhân thực sự được mài giũa khi không có tên tuổi tác giả với phong cách đã thiết lập, chỉ đường.
Hoài Anh (từ Munich, Đức)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất