Máy bay mất tích còn mới và thường xuyên hoạt động

29/12/2014 10:30 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Chiếc máy bay của hãng AirAsia vừa mất tích hôm Chủ Nhật (28/12) vẫn còn mới theo tiêu chuẩn máy bay thương mại. 

Chiếc Airbus A320-200 đi vào hoạt động từ năm 2008. Tính đến thời điểm này, nó đã trải qua 23.000 giờ bay, trên 13.600 chuyến bay, nhà sản xuất Airbus cho biết trong một tuyên bố gửi tới báo chí. Thông tin này cho thấy chiếc máy bay mới được 6 tuổi, đang còn rất "trẻ" so với vòng đời tiêu chuẩn của một chiếc máy bay phản lực chở khách là 25 năm. Chiếc Airbus thực hiện trung bình hơn 6 chuyến bay/ngày kể từ khi đi vào hoạt động. AirAsia cho biết máy bay được bảo trì định kỳ lần cuối vào ngày 16/11.

Động cơ máy bay do tập đoàn liên doanh Pháp-Mỹ là CFM International chế tạo. AirAsia có sử dụng dịch vụ bảo trì do hãng General Electric (GE) cung cấp, giúp giám sát hoạt động theo thời gian thực và kiểm tra chất lượng của động cơ. Nhưng hệ thống này chủ yếu được sử dụng trên các chuyến bay đường dài. Nó có thể cung cấp manh mối cho các hãng hàng không và các nhà điều tra khi có sự cố xảy ra. Một phát ngôn viên của GE nói với Reuters rằng "chiếc máy bay này (QZ8501) không sử dụng dịch vụ giám sát từ xa hoạt động của động cơ".

Hiện có hơn 6.000 chiếc A320-200 đang hoạt động. Chúng được thiết kế để được sử dụng với tần suất cao trong các tuyến bay ngắn và cạnh tranh trực tiếp với mẫu Boeing 737.

Trước đó, trong tháng 12, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) đã yêu cầu thay đổi quy trình công nghệ đối với tất cả các máy bay loại A320, sau khi máy tính trên máy bay của một chiếc A321 báo máy bay chuẩn bị rơi (stall) vì mất lực nâng và tự động chúc mũi xuống dưới (để tăng tốc và tránh rơi máy bay). Việc này diễn ra ngay khi phi công vừa tìm cách cân bằng máy bay, sau khi đã đạt độ cao hành trình.


Lộ trình dự định của máy bay QZ8501

Vụ việc xảy ra do một số cảm biến của máy bay bị đóng băng do thời tiết xấu. Đây là trường hợp gặp sự cố duy nhất, do những chiếc A320 đã đi vào phục vụ kể từ năm 1988. Sự kiện đã được thông báo cho Airbus và hãng đã bị EASA yêu cầu sửa lỗi trên toàn bộ các mẫu máy bay. EASA nói rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, các phi công sẽ không thể ngăn chặn được phản ứng tự động của hệ thống máy tính, dẫn tới việc mất quyền kiểm soát máy bay. 

Cho đến nay, không có dấu hiệu gì giúp lý giải nguyên nhân làm chiếc máy bay của AirAsia mất tích. Theo các thống kê, hầu hết các vụ tai nạn đều diễn ra do nhiều yếu tố, hiếm có vụ nào chỉ do một nguyên nhân duy nhất. 

Dữ liệu theo dõi hoạt động của máy bay thương mại cho biết có khả năng máy bay mang số hiệu QZ8501 đã bay hành trình được một thời gian, chứ không phải đang bay lên độ cao hành trình, trước khi biến mất khỏi rađa. Cơ quan điều tra tai nạn BEA của Pháp chuyên hỗ trợ điều tra các vụ tai nạn hàng không, cho biết đã cử 2 quan chức cùng 2 chuyên gia từ Airbus đến Jakarta, Indonesia.

Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cũng cho biết họ đang theo dõi việc tìm kiếm chiếc máy bay và đã sẵn sàng để hỗ trợ Indonesia nếu cần thiết.

Máy bay của hãng hàng không AirAsia Indonesia mang số hiệu QZ8501 là một chiếc Airbus 320-200, đang chở 162 người trên máy bay khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ở Jakarta vào lúc 6 giờ 17 phút, giờ địa phương (2317 GMT). Máy bay mất tích khi chỉ vừa cất cánh từ sân bay Surabaya, Indonesia để tới Singapore. Trước khi mất tích, các phi công đã yêu cầu thay đổi tuyến đường để tránh thời tiết xấu.

Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm