23/05/2021 06:37 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Được viết ra trong cảm giác chán nản tột cùng, quá trình thu âm nặng tính thương mại nhưng Help! vẫn nằm trong số ít ca khúc của The Bealtes mà John Lennon rất tự hào khi nhắc lại. Lý do hóa ra rất đơn giản: Bởi ở Help!, Lennon được sống thật với bản thân nhất.
Ngày nay, John Lennon được nhớ tới không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là người phát ngôn của một thế hệ. Thế nhưng, trong những năm tuổi trẻ, Lennon đã phải kìm nén rất nhiều trong sáng tác. Tức nước vỡ bờ, Help! là tiếng kêu cứu từ sâu trong nức nở tâm hồn của chàng trai trẻ 24 tuổi.
Đây mới thật là John Lennon
Với những Beatlemania (người hâm mộ The Beatles) kỳ cựu, họ có thể nhìn thấy sự trưởng thành của John Lennon và Paul McCartney ngay trước mắt, thông qua âm nhạc. Những biểu hiện thấy rõ nhất là khi 2 nhạc sĩ dấn sâu vào các chủ đề phức tạp (như If I Fell) hay cách họ kể chuyện (No Reply). Lấy cảm hứng từ Bob Dylan, như một chất xúc tác, họ thậm chí bắt đầu chạm vào những trải nghiệm rất cá nhân như I’m A Loser hay I Don’t Want To Spoil The Party.
Dù vậy, khi nói tới chuyện viết hit, các ca khúc gây tác động lớn và chạm tới nhiều người, họ đặc biệt chọn lối chơi an toàn, trở lại với những tiêu chuẩn pop kinh điển về các mối quan hệ. Do đó, vào đầu năm 1965, dân tình nói chung vẫn được The Beatles chiêu đãi kiểu ca từ như “cô ấy phải lòng tôi và tôi thấy tuyệt” hay “tôi chẳng có gì khác ngoài tình yêu, em ơi, 8 ngày 1 tuần”.
Nhưng ngay trong nửa sau năm đó, giai đoạn mà các nhà phê bình gọi là “thời kỳ giữa” của The Beatles, ca từ đậm chất cá nhân cùng giai điệu tràn trề cảm xúc trở thành chuẩn mực mới chứ không còn là những ngoại lệ. Ví dụ, Lennon hiểu rất rõ rằng khi anh và McCartney được yêu cầu viết ca khúc chủ đề cho album phim điện ảnh thứ 2 mang tên Help!, nó cần là hit No.1 như A Hard Day’s Night của bộ phim năm trước đó.
Được đưa trước tựa đề để viết nhạc quanh chủ đề đó, không lạ nếu cặp đôi tiếp tục viết những bản pop trong sáng, đúng tiêu chuẩn mà họ có thể bật ra vào bất cứ lúc nào. Nhưng thay vào đó, Lennon chọn viết theo cách cá nhân, nội tâm nhất mà anh từng làm. Với sự trợ giúp của McCartney, anh đã cho thế giới biết John Lennon của The Beatles thật sự là như thế nào!
John Lennon có thể dễ dàng lờ đi nhiều ca khúc từng viết cho The Bealtes, nhưng Help! là một trong những tác phẩm anh thật sự tự hào.
“Những ca khúc đích thực tôi từng viết là Help! và Strawberry Fields” - anh nói vào năm 1970. “Chúng là những ca khúc tôi thật sự viết từ trải nghiệm mà không phải tự đặt mình vào một tình huống và viết ra một câu chuyện đẹp, điều tôi luôn thấy giả tạo. Ca từ giờ nghe vẫn ngon lành như lúc đó. Nó khiến tôi cảm thấy yên tâm khi biết rằng tôi từng nhạy cảm, nhận thức được về bản thân. Không chua chát, không hư vô”.
Thú vị, Help! được manh nha trước cả khi bộ phim cùng tên xuất hiện, trái với quan điểm của nhiều người. “Chúng tôi viết nó ở nhà tôi (Kenwood)” - Lennon chia sẻ sau khi ca khúc ra mắt. “Tôi có một khúc nhạc nhỏ vẫn đang viết chơi chơi, tên như là Keep Your Hands Off My Babe. Tuy nhiên, nó cứ trôi nổi một thời gian dài cho tới khi Paul tới và chúng tôi quyết định điều chỉnh nó. Chúng tôi viết Help! sau khi được thông báo về tiêu đề phim. Chúng tôi không định viết để phù hợp với câu chuyện trong phim nhưng cái này có vẻ hợp thật”.
Đạo diễn Help!, Richard Lester, nhớ lại rằng bộ phim ban đầu có tên Bealtles Two nhưng biên kịch và ông muốn gọi nó là “Help.”. Không may, đã có người đăng ký bản quyền tên đó. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, họ đã tìm được một giải pháp đơn giản: Thay dấu chấm (.) thành dấu chấm than (!).
Mượn cây dương cầm của phòng thu, Lennon và McCartney đã hoàn thành Help! trong một chiều. Sáng hôm sau, họ biểu diễn cho mọi người nghe và thu âm ngay vào đêm sau đó. Lennon từng nói Help! vô cùng cá nhân, cảm xúc, nhờ dấu chấm than đó!
Cứu tôi với
Vậy câu chuyện cá nhân khiến Lennon, ở tuổi 24 tràn trề sức trẻ, phải gào lên một tiếng “cứu” với dấu chấm than đằng sau đó là gì? “Cứu, tôi cần ai đó/…/ Khi tôi còn trẻ, trẻ hơn hiện giờ nhiều/ Tôi chẳng bao giờ cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai theo bất kỳ cách nào/ Nhưng những ngày ấy đã qua rồi, tôi không còn tự tin nữa/ Giờ đây, tôi thấy mình đã thay đổi suy nghĩ và cởi mở lòng mình/ Hãy cứu tôi nếu có thể, tôi đang suy sụp đây”.
Nhìn lại, quả thật, có quá nhiều vấn đề cùng lúc ập tới với Lennon vào lúc đó.
Beatlemania bắt đầu ở Anh năm 1963 và nhanh chóng “xâm chiếm” toàn thế giới khi The Beatles bắt đầu lưu diễn vòng quanh thế giới vào năm 1964. Đây là thay đổi quá lớn với một nhóm chỉ hay đi diễn ở Hamburg và các câu lạc bộ tại quê nhà Liverpool và đó là điều mà Lennon cảm thấy khó mà đảm đương. Choáng ngợp trước làn sóng Beatlemania, Lennon đã, như anh miêu tả, ăn “như lợn”, uống quá nhiều và “hút cần sa thay bữa sáng”.
Mới ngoài đôi mươi, anh đã bày tỏ nỗi nhớ về tuổi trẻ. Còn như McCartney nói, Lennon đang “bị hạn chế bởi những chuyện về The Bealtes” và rõ ràng là vật lộn sau cơn hứng cảm.
Theo Bob Spitz, người viết tiểu sử ban nhạc, John Lennon khi đó còn đang thấp thỏm, vật lộn với cuộc hôn nhân cũng như nhiều vấn đề bất an khác. “Thành công mang tới nỗi bất an. Sự nổi tiếng của The Beatles càng tăng thì Lennon càng thấy bị đe dọa và lo lắng hơn, không chỉ bởi vai trò của anh trong quả bóng tuyết thương mại mà còn về ngoại hình và chuyện viết nhạc nữa”.
Cưới Cynthia Powell ngay khi Beatlemania bắt đầu cất cánh ở Anh, Lennon phải giữ bí mật về chuyện kết hôn. Nên vợ nên chồng cũng chỉ vì bạn gái có thai, Lennon đi diễn vào ngay tối ngày đám cưới và tiếp tục như vậy trong những ngày sau đó. Cuộc hôn nhân đã lung lay ngay từ khi bắt đầu.
Thị lực cũng là vấn đề lớn. Nó khiến Lennon chán nản hết sức. Chính George Harrison kể rằng Lennon có lần đi hộp đêm mà không mang kính vì bị “hoang tưởng” về chứng cận thị của mình.
Bị dồn nén bốn bề, Lennon luôn phải chiến đấu chống lại khát khao “nhảy ra ngoài cửa sổ”. Tất nhiên, có lẽ anh chỉ miêu tả theo nghĩa bóng bởi những người thân quen chưa bao giờ thấy anh có bất kỳ xu hướng tự tử nào. Từ việc không hài lòng với hướng đi của The Beatles, với vẻ ngoài và cuộc hôn nhân chán nản, anh tuyệt vọng luôn trong sáng tác.
Và chính lúc đó, Help! đã tới như một sự giải phóng. “John chưa bao giờ nói anh ấy viết ca khúc này. Anh nói là mình hồi tưởng. Đó là cảm giác thật của anh. Anh bụ bẫm và đeo kính cận. Anh thấy không ổn. Anh trông giống Michael Caine với cặp kính gọng sừng” - Harrison hồi tưởng.
“Tôi thật sự có ý đó. Đó là sự thật! Tôi thật lòng khi hát Help!... Khi Help! ra đời là khi tôi gào lên kêu cứu” - bản thân Lennon chia sẻ. “Hầu hết mọi người chỉ nghĩ đó là một bài rock ‘n’ roll nhanh. Lúc đó tôi cũng không nhận ra. Tôi chỉ viết ra lúc đó vì tôi được giao nhiệm vụ viết nhạc phim. Nhưng sau đó, tôi biết là tôi đang thật sự kêu cứu. Đó là thời kỳ Elvis béo của tôi. Mọi người thấy trên phim đó, anh ta - tôi - rất béo, rất bất an và hoàn toàn đánh mất chính mình. Tôi hát về thời trẻ hơn rất nhiều và hồi đó mọi thứ đều dễ dàng. Tôi béo và tôi đang gào lên kêu cứu”.
Về bản thu, Lennon không thích nó lắm: “Chúng tôi làm nhanh quá, để thử và vì thương mại”. Nhưng sau tất cả, Help! vẫn thành hit và thật sự cứu rỗi được John Lennon.
“Help!” – ca khúc giải tỏa bao nỗi lòng của John Lennon:
No.1 ở nhiều nước Help! trở thành ca khúc chủ đề cho bộ phim cùng tên năm 1965 và album nhạc phim. Phát hành dưới dạng đĩa đơn vào tháng 7/1965, dù không nhằm mục tiêu thứ hạng nhưng Help! vẫn là No.1 ở nhiều nước, trong đó có quê nhà Anh và Mỹ. Nó đứng thứ 29 trên BXH 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất