Hoài Lâm, Quốc Trung: Hoang mang sáng tạo hay bắt chước

10/06/2014 08:31 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Mấy hôm nay bà chủ bứt rứt, tâm trạng không thoải mái, cứ phân vân thế nào ấy. Chả là sau những Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, bà chủ đang dồn sự chú tâm vào Gương mặt thân quen Giai điệu tự hào trên ti vi. Mà chuyện tranh cãi cũng chỉ xoay quanh hai từ: bắt chước hay sáng tạo. Không dứt ra được.

Cũng như nhiều khán giả, ông bà chủ bật cười vì màn hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu nhộm răng đen, bỏm bẻm nhau trầu, chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân và… giả vờ kéo nhị của ca sĩ Hoài Lâm.

Người ta khen râm ran, bình phẩm ầm ầm. Nhưng bà là người mê mẩn cụ Cầu từ lâu nên bà biết, hát xẩm ngoài giọng còn có cái thần ở tiếng nhị. Tiếng tơ chạy trước, đuổi sau, khi đệm, lúc nhại, lúc véo von thổn thức, lúc ai vãn lắt lay như than khóc cho thân phận kẻ ngồi chiếu xẩm. Như thế cả cái hồn, cả cái thần và cả cuộc sống người hát mới dồn được cả vào câu xẩm.


Hoài Lâm hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Thế nên trên ti vi, khi Hoài Lâm cất giọng: Công cha ngãi mẹ sinh thành/ Mang thai chín tháng khai sinh một ngày/Trong lòng chẳng ngại tanh dơ/ Nuôi con từ thủa tanh dơ như là… không mảy may một chút ưu tư mà chỉ thấy vỗ tay rầm rầm, cười nói ngả nghiêng từ khán giả đến BGK. Chẳng thấy ai xúc động thổn thức với ơn nghĩa sinh thành mà lời Thập ân gửi gắm.

Nhưng bà chủ tuyệt nhiên chẳng thấy ai “ném đá” cả, có lẽ khán giả như bà thấy vui, thấy thỏa mãn tò mò vì sự bắt chước đó hơn là sống với bài hát. Hay truyền hình thực tế chỉ cần vui vẻ với nhau thôi.

2. Nhưng ở Giai điệu tự hào khi nhạc sĩ Quốc Trung sáng tạo để thoát ra khỏi khuôn mẫu lối mòn, đầu tư tử tế để khỏi bắt chước, người ta lại phán rằng anh “thoát ly khỏi giai điệu” đến “phá nát” nhạc phẩm.

Nhạc sĩ nói trên báo rằng: Anh hướng phần phối mới này đến những người trẻ tuổi; rằng anh lại muốn kể một câu chuyện khác. Nhân vật kể chuyện và cách kể cũng khác. Chính vì vậy mà sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên, thích thú cũng có mà phản ứng cũng có. Đó là điều bình thường.

Bà chủ chỉ có một ý nghĩ rằng bài hát đã sống cùng năm tháng, kể câu chuyện của những đứa trẻ cùng cái thời mũ rơm đi học sẽ không thể kể lại bằng giọng của người khác. Nó phải là lời kể trong trẻo của trẻ em. Như cách bà phản đối các ca sĩ cứ vô tư đổi anh thành em, em thành anh trong các bài hát tình yêu. Nam ca sĩ hát “Anh phải về thôi” nữ thì lại “Em phải về thôi”. Mà trong tình yêu, sắc thái tình cảm của nam nữ khác nhau lắm chứ.

Bắt chước, sáng tạo, hay, dở… cứ rối cả lên. Lúc này bà chủ cần tiếng nói của một chuyên gia âm nhạc lắm, dù sao thì bà cũng chỉ là một khán giả bình dân. Bà chủ muốn có người nói cho mình cái hay cái dở của bản nhạc này, cứ nghe người nói hay, kẻ chê dở thế này bà hoang mang quá… Hay cái hay cái dở chỉ phụ thuộc vào tâm thế đón nhận của khán giả như bà.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm