30/08/2014 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Tuần này chầu cà phê của chúng tôi là “cà phê vỉa hè”, để “chém gió” về chủ đề “bóng đá phủi”. Khách mời tuần này là nhà báo Hoàng Lâm đến từ báo Lao Động.
*Theo anh, tại sao lại là “phủi”?
-Thật ra tôi cũng không rõ từ “phủi” gắn bó với bóng đá đường phố, bóng đá phong trào từ bao giờ. Phủi, như người ta hay nói phủi tay hay phủi bụi. Trong một số trường hợp, người ta dùng từ “bụi”, còn bóng đá thì dùng từ “phủi”. Từ này khá hay, dễ nhớ và có một nghĩa bóng thú vị là là khi nhắc tới “phủi” người ta ám chỉ những người sống thiếu quy tắc, thậm chí không cần chuẩn mực gì cả, bất cần đời, nghĩ cái gì cũng như đám bụi, cứ… phủi là xong. Vì thế người phủi không giữ gìn mà cứ sống sao cho thỏa ý thích, thỏa đam mê và đạt được mục đích ăn chơi…
Phải chăng bóng đá “phủi” phần nào có ý nghĩa tương tự? Tôi thì nghĩ rằng bản thân từ “phủi” khi gắn với bóng đá đã tự nó cho thấy sự tự do, phóng khoáng và… bụi bặm rồi.
*Tự do một cách tự phát?
-Hiển nhiên là tự phát. Này nhé, anh có một số người bạn cùng đam mê chơi bóng, hay môn thể thao nào đó. Một ngày đẹp trời các anh quyết định lập thành một nhóm, lúc đầu chia đôi, sau thách đấu và cao hơn nữa là tìm một giải nào đó để thi đấu. Vậy là chúng ta đã có một đội bóng phủi, một trận đấu phủi và một giải phủi.
Thế nhưng cũng phải thừa nhận là cái tự phát này dẫn đến bóng đá phủi là một sân chơi thiếu luật và thiếu cả an ninh. Nhà tôi ở Văn Quán (Hà Đông- Hà Nội) hồi cách đây mấy năm có chuyện kinh dị thế này: Một nhóm thanh niên mang bóng đến đá ở sân chung cư, khi bị bảo vệ khu nhà nhắc nhở, mấy cầu thủ “phủi” này đã dùng dao, mã tấu tấn công một cửa hàng. Hai người bị thương trong sự hoảng loạn của đám đông. Vì chuyện này mà bóng đá phủi chỗ tôi từng có thời gian bị nhìn với con mắt không mấy thiện cảm kiểu như là “chỗ chơi của mấy ông giang hồ”.
Tất nhiên, chuyện như thế cũng là cá biệt, còn thường xuyên hơn đó là chuyện ở những trận đấu phủi, đánh, cãi, chửi nhau như cơm bữa.
*Nhưng chuyện ấy xưa rồi, bây giờ là phủi…có tổ chức và thực tế là người ta tìm thấy ở sân chơi phủi những giá trị riêng.
-Bây giờ chất lượng đời sống gắn liền với việc anh có được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao thường xuyên hay không. Tất cả những gì tồn tại đều có lý của nó. Không ai thống kê được số lượng sân bóng mini ở Hà Nội vì nó quá nhiều. Nghĩa là nhu cầu được chơi bóng của người dân ngày càng cao.
Thật ra cái chữ “phủi” thì hay nhưng tôi vẫn cho rằng nên dùng khái niệm “bóng đá phong trào” thì có thể đúng bản chất hơn. Nó là thứ bóng đá cho tất cả mọi người, tất nhiên là những người yêu thích và đủ thể lực chơi bóng. Cùng với sự bùng nổ ấy bóng đá phong trào đã bắt đầu đi vào tổ chức. Không chỉ là giải của địa phương, ngành hay do một đơn vị tài trợ nào đứng ra tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu. Mới đây, một giải phủi đã có hẳn một cái tên khá sang trọng “giải bóng đá ngoại hạng Hà Nội”. Phải chăng các nhà tổ chức muốn so sánh với…Ngoại hạng Anh?
Tôi thì cho rằng họ không tham vọng đến như thế nhưng đúng là giải “ngoại hạng” ấy đã hút một lượng khách lớn đến xem tới mức BTC phải chuyển từ sân không có khán đài sang sân đấu có khán đài nhưng vẫn không ngăn được hàng ngàn người tới xem. Điều ngạc nhiên là cách đó không xa, ở sân chơi chuyên nghiệp, nơi có đội Hà Nội T&T thi đấu thì lượng khách rất vắng.
*Anh thử lý giải thế nào về chuyện sân phủi đang thắng thế nếu nói về tinh thần thi đấu và tinh thần cổ vũ- tóm lại là “tinh thần thể thao”?
-Theo tôi bóng đá có hai chức năng và giải quyết hai nhu cầu của người hâm mộ. Một là nhu cầu giải trí, hai là nhu cầu được tham gia luyện tập bóng đá. Sân chơi chuyên nghiệp chưa làm được điều này. Hơn nữa, những vụ việc vừa qua khiến khán giả nghi ngờ và có phần tẩy chay V.League.
Trong khi đó, ở một số giải “phủi” tôi biết, công tác tổ chức, đặc biệt là công tác truyền thông rất tốt. Điều này khiến khán giả lúc đầu tò mò, sau rồi bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của bóng đá phủi- đó là sân chơi mà các cầu thủ thi đấu hết mình, ít toan tính. Người xem cảm nhận được sự gần gũi và nhìn thấy “có cả phần của mình” trong đó. Nghĩa là người ta tới sân phủi để tìm niềm vui, và họ tìm thấy và được rèn luyện sức khỏe.
Theo tôi chính yếu tố “được chơi” mới là yếu tố thu hút khán giả. Tôi nghĩ 90% khán giả tới sân xem giải phủi, trừ phụ nữ và trẻ em thì hầu như họ đã hoặc đang sinh hoạt trong một đội bóng phủi nào đó. Hơn nữa, cũng có một yếu tố đáng bàn đến là các giải phủi hiện nay hầu hết…miễn phí vé nên khái niệm “được chơi” càng rõ ràng hơn.
Đôi khi tôi nghĩ thế này, những giải bóng đá như Ngoại hạng Anh chẳng hạn là buffet với những món Âu đắt tiền, ngon đấy nhưng hà hít là chủ yếu. V.League là món ăn thuần Việt nhưng hiện nay ở tình trạng…mất vệ sinh còn sân phủi như…cơm bình dân, phù hợp và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, vì thế được yêu thích.
*Như vậy là chúng ta có thể nghĩ đến một quy trình ngược, rằng có thể những nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp giờ đây phải quay lại “học hỏi” giải phủi về việc thu hút khán giả tới sân?
-Tôi không nghĩ thế nhưng sự sôi động của những giải “phủi” đang bắt buộc những nhà tổ chức phải suy nghĩ. Chẳng hạn trong câu chuyện thu hút khán giả đến sân, việc đầu tiên là phải nghĩ ngay: Sẽ mang được gì cho khán giả? Nên nhớ hầu hết khán giả vào sân V.League vẫn phải mua vé và trách nhiệm của nhà tổ chức là làm sao để khán giả không cảm thấy…tiếc tiền.
Thứ hai, bóng đá hay thế thao đỉnh cao thì cái đích cuối cùng vẫn là phục vụ con người, trong đó có nhu cầu về việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Nếu không làm được điều ấy thì chính những người ăn lương hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu hiện nay đang “phủi” hóa bóng đá chuyên nghiệp trong khi chính bóng đá phủi, với những nét tươi sáng đang tự hoàn thiện và dần đi vào quy củ.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất