Hiệp hội cầu thủ Việt Nam: Tránh cảnh 'đục nước, béo cò'

08/11/2015 11:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Cùng với sự cấp thiết cần phải cho ra đời Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thì bóng đá Việt Nam cũng đang thiếu cơ quan hay cơ chế quản lý những nhà môi giới, đại diện cầu thủ, khiến nhiều năm qua thị trường chuyển nhượng rất nhiễu nhương và việc "thổi giá, đi đêm" diễn ra như cơm bữa.

Tất nhiên, điều này không mới, nhưng đã đến lúc chúng ta phải quy hoạch lại để đạt đến quy chuẩn và để người làm thuê trong địa hạt bóng đá (HLV và cầu thủ) không phải chịu quá nhiều thiệt thòi.

1. Hiệp hội cầu thủ là chỗ dựa không chỉ về mặt pháp lý cho cầu thủ chuyên nghiệp (bên cạnh luật sư, người đại diện) khi tranh chấp xảy ra, mà còn có thể chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho những hội viên khi có biến cố. Vì là Hiệp hội, nên có thể được thành lập và hoạt động độc lập với các tổ chức bóng đá, cũng như BTC các giải đấu. Tại sao không nhỉ?!

Về mặt chức năng và ở góc độ nào đó, nó cũng không khác gì việc con em chúng ta thành lập quỹ lớp, để giúp đỡ các bạn khó khăn. Bóng đá Việt Nam không hề thiếu các trường hợp cựu cầu thủ neo đơn, nghèo khó cần được giúp đỡ. Hiện tại, chỉ TP.HCM là cho ra đời được Chi hội Cựu tuyển thủ, để thực hiện một phần chức năng này. Họ cũng đâu cần Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) thông qua?

Tất nhiên, Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp, nơi có đủ các ban bệ, thành phần, sẽ đa năng hơn nhiều. Và như đã nhắc, khi cầu thủ còn chưa ý thức việc tìm người đại diện pháp lý, để thương thảo các bản hợp đồng và xử lý khi tranh chấp xảy ra, Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp há chẳng phải cái phao? Dám chắc khi trưng cầu ý kiến, 10 cầu thủ có ít nhất 9 người ủng hộ.

2. Trước đây và cả bây giờ, do thiếu cơ chế quản lý đại diện cầu thủ (phần lớn là giới cò chui, hoạt động lậu mà không có chứng chỉ hành nghề của FIFA cấp, gọi là FIFA Agent), nên USD bị thất thoát, chảy ra nước ngoài rất nhiều. Phần vì nền bóng đá không kiểm soát và tuân thủ giá trị thật của cầu thủ trên sàn chuyển nhượng (transfer market), song phần khác, chúng ta gần như thoả hiệp với tồn tại. Tại sao thế?!

Với một trường hợp cầu thủ khi chuyển nhượng hoặc ký mới hợp đồng, người đầu tiên họ liên lạc không hẳn là HLV hay BLĐ đội bóng, mà là trung gian (cò). Đội ngũ này sẽ có nhiệm vụ làm giá và tất nhiên, khi hợp đồng được ký kết, đôi ba bên sẽ cùng hưởng lợi, từ tiền khấu hao vào hợp đồng của cầu thủ hoặc giá khống. Như vậy, há chẳng phải người lao động phải chịu thiệt.

Thời kỳ bóng đá kim tiền lên ngôi (giai đoạn 2008 - 2012), cầu thủ vô hình chung cũng được hưởng lợi, từ giá khống mà trung gian nâng lên. Nhưng hiện tại, khi nền bóng đá gần như đã chạm đáy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng, phí chuyển nhượng không "sẵn" như trước. Mặc dù vậy, tiền chuyển nhượng vẫn phải chia năm xẻ bảy cho nhiều khâu. 10 phần, bị xà xẻo hết 3, thậm chí hết 5.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm