Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D

07/05/2024 13:56 GMT+7 | Văn hoá

Trên chuyến bay vào dự Giải Cánh diều năm 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam, tôi ngồi cạnh NSND Hà Bắc và nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc. Phúc nói: "Bích Hồng khai thác "anh này" (NSND Hà Bắc) cho công trình sách về điện ảnh đi! Đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng đấy". Hành trình bay vào Nha Trang gần hơn khi tôi được nghe đồng hương gốc Huế "bật mí" về phim hoạt hình 3D Quyết định lịch sử... 

1. NSND Hà Bắc cho biết đây là phim hoạt hình 3D đầu tiên anh đạo diễn và cũng là bộ phim đầu tiên Hãng phim Giải phóng phối hợp, cộng tác với HIPT (một công ty tin học hàng đầu) sản xuất hoàn thành năm 2011 nhân kỷ niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (1911 - 2011). Phim có độ dài 20 phút (thuyết minh tiếng Việt và tiếng Pháp), được NSND Hà Bắc và ê-kíp thực hiện trong 2 năm với nhiều cuộc khảo sát thực địa, vẽ bối cảnh, tạo hình các nhân vật...

Quyết định lịch sử đã khắc họa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đêm 25/1/1954 với những trăn trở, nghĩ suy nung nấu để đưa ra một "quyết định lịch sử" làm thay đổi vận mệnh dân tộc một cách sáng suốt và nhân văn.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D - Ảnh 1.

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim “Quyết định lịch sử”

Làm phim về nhân vật lịch sử hoặc phim chiến tranh không dễ, lại càng khó hơn, nếu không nói là còn quá "mạo hiểm" khi thể hiện bằng phim hoạt hình. Như anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi làm phim về người thật, sự kiện thật, lãnh tụ. Khi viết kịch bản, tôi đã lo không biết họa sĩ có đáp ứng được hay không...". Vì lẽ đó, đạo diễn không thể ôm đồm, đưa vào phim nhiều sự kiện như phim tài liệu, thật như phim truyện, mà chỉ chọn một lát cắt nào đó trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Việc chọn chi tiết Đại tướng đưa ra quyết định then chốt, khó khăn là kéo pháo ra khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng, chuyển từ phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" là một chi tiết quan trọng và cũng được coi là một "quyết định lịch sử" của đạo diễn. Với thời lượng vỏn vẹn 20 phút, đạo diễn phải giải một bài toán khó là vừa phải tinh chọn, đưa vào phim những chi tiết ước lệ nhất, tiêu biểu nhất, vừa phải khéo léo vận dụng thủ pháp hoạt hình kỹ xảo 3D kết hợp với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng... để làm nổi bật chủ đề.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D - Ảnh 2.

Phim dựa trên nhiều nguồn tài liệu lịch sử như hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Điện Biên, chụp lại từng chi tiết nơi làm việc của Đại tướng, hầm chứa pháo, hầm của De Castries...

Với sự chuẩn bị kỹ càng, NSND Hà Bắc bám sát sự kiện lịch sử, các nhân vật có thật để bắt tay viết kịch bản và đạo diễn. Đạo diễn cùng ê-kíp thực hiện các phân cảnh trong phim một cách sinh động, ấn tượng như cảnh đoàn dân công gùi hàng, bộ đội kéo pháo, xung trận, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót…. Các chi tiết áo trấn thủ, đôi dép cao su, băng đạn, khẩu pháo, xe cút-kít (thời điểm đầu chiến dịch), xe đạp thồ (giai đoạn sau)... được thực hiện kỳ công, chân thật. Đặc biệt, tác giả đã tái hiện chân dung vị tướng tài và sức mạnh của quân dân ta làm nên chiến thắng lừng lẫy, chạm đến cảm xúc khán giả nhờ thủ pháp phim hoạt hình mà phim tài liệu khó thực hiện được. Lời bình trong phim rất khúc chiết.

Hình tượng Đại tướng được tạo hình cẩn trọng, trau chuốt, vừa có nét nho nhã của người thầy, vừa có độ quyết đoán của người chỉ huy trẻ tuổi.

2. Cảnh đêm 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một mình trong căn hầm chỉ huy bàn tay xoay đi xoay lại trên tấm bản đồ lòng chảo Điện Biên, bàn tay cầm bút nhấc lên, đặt xuống với tâm tư, suy nghĩ nấu nung được đạo diễn đặc tả tập trung thần thái trong đôi mắt, đôi mày nhíu, bàn tay...

Hình tượng Đại tướng được tạo hình cẩn trọng, trau chuốt, vừa có nét nho nhã của người thầy, vừa có độ quyết đoán của người chỉ huy trẻ tuổi. Cảnh ngọn đèn leo lét trong lán và phía ngoài có ánh trăng rừng hỗ trợ để làm nổi bật hình tượng Đại tướng trải qua một "đêm trắng" cân nhắc, suy nghĩ, nhớ những điều Bác Hồ căn dặn trước lúc lên đường: "Tổng Tư lệnh ra mặt trận, "tướng quân tại ngoại"! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D - Ảnh 4.

Hình ảnh phim thể hiện rất cao trách nhiệm của Đại tướng với lịch sử dân tộc khi ra một "Quyết định lịch sử", thay cách tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Theo sử liệu, sáng 26/1/1954, Đảng ủy mặt trận, Bộ Tư lệnh chỉ huy chiến dịch đã được họp khẩn cấp để bàn bạc và đi đến nhất trí quyết định tạm lui quân của Đại tướng. Lệnh lui quân ban hành trên toàn mặt trận vào chiều 26/1/1954.

Phim đã thuyết minh sự kiện lui quân: Trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ gần 2 tháng, bộ đội ta đã phải lui quân ra khỏi các vị trí bàn đạp dù đã bố trí xong xuôi sẵn sàng xuất kích. Cuộc lui quân ở chiến trường Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh quân ta đông hơn, lực lượng mạnh hơn, thế ta lớn hơn. Ta bao vây ở phía trên các triền núi và đã bố trí xong binh lực, hỏa lực, một vài cánh quân được rút ra mục tiêu khác đánh lừa sự chú ý của địch. Khi sở chỉ huy có dấu hiệu không giữ được bí mật, ngày đêm các chiến sĩ Điện Biên phải hạ sơn các khẩu pháo - một nước cờ lịch sử khi thời cơ chưa đến, chưa chín muồi. Việc kéo pháo ra còn gian khổ, nguy hiểm hơn rất nhiều so với kéo pháo vào. Những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen của các chiến sĩ thấp thoáng nỗi ngỡ ngàng khi lòng căm thù đã lên cao, chỉ mong sao nã đạn vào đầu thù mà chưa được lệnh. Nhưng họ chưa hiểu hết mưu sâu của vị tướng tài.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D - Ảnh 5.

Cảnh trong phim hoạt hình 3D "Quyết định lịch sử"

Sau những ngày chuẩn bị chu đáo hệ thống giao thông hào đã được quân ta chuẩn bị để đảm bảo chiến thuật đánh lấn... Các khẩu pháo lại được kéo lên đưa vào hầm chắc chắn. Quân lương đã đủ, quyết tâm chiến thắng đã cao ngút trời, cuối cùng giờ tấn công cũng điểm khi thời cơ đã chín muồi. Đại tướng nhìn đồng hồ. Lúc đó đồng hồ 17h0 5 ngày 13/3/1954. Đại tướng dõng dạc tuyên bố: Chiến dịch lịch sử bắt đầu! Pháo binh... Bắn! Bắt thật mạnh, bắn cấp tập.

Cùng lúc lực lượng pháo binh đồng loạt nhả đạn. Nhiều cứ điểm trọng pháo của Pháp đã bị tiêu diệt. Chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp hoảng loạn, tự tử…

3. Bộ phim khép lại với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries trên nền nhạc Giải phóng Điện Biên (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) cùng hình ảnh kết thúc phim là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bằng thủ pháp hoạt hình 3D, đạo diễn đã tái hiện sinh động về chiến dịch Điện Biên Phủ và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Quyết định lịch sử" của ông đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc, khẳng định Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài đã huy động được sức mạnh của lòng dân để làm nên chiến thắng.

Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim hoạt hình 3D - Ảnh 7.

Công ty HIPT đã nhận sự ủy quyền của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo trao tặng VTV toàn quyền sử dụng vĩnh viễn bộ phim Quyết định lịch sử. Phim được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng lần đầu vào 20h05 ngày 11/10/2013 trên kênh VTV1.

Vài nét về NSND Hà Bắc


NSND Hà Bắc sinh năm 1957 tại Hà Nội trong một gia đình yêu nghệ thuật. Anh là người đầu tiên làm phim hoạt hình 3D tại Việt Nam. Đề tài biển đảo lần đầu tiên được anh làm phim hoạt hình là Truyền thuyết đảo xa. Với những sự sáng tạo ở lĩnh vực hoạt hình, anh đã được ghi nhận ở các giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải Họa sĩ diễn xuất xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ X-1993 cho phim Quả bầu tiên; giải Họa sĩ diễn xuất xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ XI-1995 cho bộ phim Chú chuột biến hình... Cụm tác phẩm Giấc mơ của ếch xanh, Sự tích cái nhà sàn đã đưa anh đến với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm