05/04/2021 09:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - 3 chức vô địch V-League, 2 chiếc Cúp quốc gia, thêm 3 Siêu Cúp, đưa CLB Hà Nội vào đến các trận chung kết Liên khu vực AFC Cup - thành tích tốt nhất của một đại diện Việt Nam tại đấu trường này, nhưng tại sao và như thế nào, HLV Chu Đình Nghiêm lại không được coi như một nhà cầm quân vĩ đại nhất Việt Nam?
Nói là vĩ đại nhất, bởi bóng đá suy cho cùng là thành tích, và điều đáng nói, ông Nghiêm chỉ cần có 5 mùa giải (2016-2020) để hoàn tất bộ sưu tập đồ sộ cho CLB Hà Nội và cho riêng mình. Trước và sau ông Nghiêm, không ai làm được.
Không có cái bóng quá lớn nào của người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng đè lên các thế hệ HLV đàn em tại CLB Hà Nội cả. Nghĩ thế là bất công và thiếu tôn trọng ông Chu Đình Nghiêm. Nếu có, ít nhất là với riêng ông Chu Đình Nghiêm, đấy là sự tôn trọng. Vào thời điểm ông Hùng rời Hàng Đẫy, ông Nghiêm chính là người được đề bạt thay thế, nhưng vì trọng đạo - trọng nghĩa, mà ông Chu Đình Nghiêm thoái thác. Mãi tới khi HLV Phạm Minh Đức thất bại, ông Nghiêm mới chính thức vào vai.
Hà Nội FC (hay phiên hiệu Hà Nội T&T trước đây) là một đội bóng rất đặc trưng, và tại đây, bạn hoặc phải hòa nhập cùng tập thể, hoặc bị loại bỏ.
Chỉ mới có tuổi đời chừng 15 năm, với 12 năm chơi V-League, thực tế Hà Nội T&T không khởi thủy từ giải hạng Ba quốc gia như nhiều người nghĩ. Họ mua lại suất chơi hạng Nhất, từ các phiên hiệu trước năm 2008, và những người như các ông Triệu Quang Hà, Chu Đình Nghiêm... chính là các công thần đời đầu. Mãi đến năm 2010, ông Nguyễn Quốc Hội mới bắt đầu công việc điều hành đội bóng, như cánh tay nối dài của bầu Hiển. Và đó cũng là bắt đầu một đế chế.
Bầu Hiển nhiều tiền, có tài “hô mây hoán vũ”, và cũng rất hào sảng. Ông có thể sẵn sàng thưởng nóng rất đậm với tư cách một người hâm mộ. Mà một người hào sảng thường chỉ quan tâm đến đại cục, kết quả, ít để ý tiểu tiết. Đó là lý do Hà Nội FC có rất nhiều vấn đề mà bầu Hiển không để ý.
Quân của CLB Hà Nội vừa đa lại vừa tinh. Từ nội binh đến ngoại binh. Trong khoảng 10 năm qua, không một đội bóng nào, kể cả B.Bình Dương hay HAGL, có thể sánh ngang với dàn "binh hùng tướng mạnh" của Hàng Đẫy. Duy chỉ có Xuân Thành Sài Gòn năm 2012 là có thể đọ sức với Hà Nội FC. Nhưng sau thất bại gây tranh cãi ở mùa giải 2012, đội bóng của bầu Thụy đâm nản và giải thể một năm sau đó, với vụ bỏ giải V-League 2013 trước 2 lượt trận cuối, nhờ đó mà Hà Nội FC nắm lợi thế rõ ràng trong cuộc đua đến chức vô địch.
Trong thời gian dẫn dắt CLB Hà Nội với 2 chức vô địch V-League (2010 và 2013), HLV Phan Thanh Hùng đã từng trải qua cảm giác rất cô đơn ở Mỹ Đình, đại bản doanh của đội bóng. Cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình vậy. Ông Hùng đã phải lựa rất nhiều, thỏa hiệp rất nhiều, vì cái chung và vì trách nhiệm.
Ông Chu Đình Nghiêm thời làm trợ lý cho ông Hùng là người chia sẻ với đàn anh nhiều nhất. Và mặc dù đã quen với thuộc tính của đội bóng, sau mười mấy năm gắn bó, nhưng ông Nghiêm vẫn sợ cảm giác cô đơn, lạc lõng sau các trận đấu, như ông Hùng đã phải chịu. Đó là lý do ông Chu Đình Nghiêm cứ chần chừ, lần lữa, mãi mới nhận vai kép chính. Chính mà lại phụ. Và giờ thì ông Nghiêm đã đi đến tận cùng của cô đơn rồi, dù ông đã mang lại bao chiến tích - thành tích kỳ vĩ cho đội bóng.
Vẫn có ví von rằng, hãy chìm xuống tận đáy của thất vọng, để thấy nó cũng đẹp tựa hoa hồng.
CLB Hà Nội rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại không hẳn chỉ vì ông Nghiêm kém tài. Tại Hàng Đẫy, đội thắng thì là công của Văn Quyết, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Hùng Dũng..., là của bầu Hiển, chứ đâu phải của HLV. Cả việc xử lý khủng hoảng nữa. Thậm chí có đồng nghiệp của ông Nghiêm đã từng mát mẻ rằng “quân ngon” như thế, ném quả bóng vào sân tự họ sẽ biết đá như thế nào để thắng.
Tại một đội bóng mà HLV trưởng không hoặc chỉ có vai trò, tiếng nói và sự đóng góp rất hạn chế, thì chia tay là sự giải thoát cho cả 2. Trước ông Nghiêm, một công thần khác từ thời còn thi đấu đến lúc huấn luyện là ông Văn Sỹ Sơn cũng chọn giải pháp này. Ông Chu Đình Nghiêm lại vẫn bị tiếng là khắc khổ, không sáng cabin BHL, nói chung là không vượng, mà lại còn nóng tính và hay dùng "rau-củ-quả". Thế mới có chuyện, người thường xuyên đứng chỉ đạo đội bóng khi lâm trận, là một trợ lý... ngôn ngữ trước đây, chứ chẳng phải ông Nghiêm.
Hơn ai hết, ông Chu Đình Nghiêm xứng đáng được tri ân, với những gì ông đã cống hiến cho CLB Hà Nội. Tri ân, chứ không phải báo hay kể công trên facebook, như đôi ngày qua. Thế có nghịch lý không?!
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất