29/07/2020 08:52 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - HLV từng 2 lần đưa Đồng Tháp vô địch quốc gia Đoàn Minh Xương nhận định như thế nhân việc HLV người Hàn Quốc, ông Chung Hae Seong vừa rời khỏi CLB TP.HCM.
Dưới đây là những phân tích của chiến lược gia từng dẫn dắt Đồng Tháp, B.Bình Dương, TP.HCM, U20 Việt Nam… về thực tại bóng đá TP.HCM nhìn từ trận cầu TP.HCM – Hà Nội ở vòng 11 V-League 2020 vừa qua. Chuyên mục Đối thoại cùng Thể thao & Văn hóa mời quý vị cùng theo dõi
"Dù rất ủng hộ đội bóng địa phương nhưng TP.HCM của ông Chung không có gì vượt trội so với Hà Nội để có thể làm nên chuyện. Hãy cùng nhìn lại loạt trận của TP.HCM có gì trước khi đối đầu Hà Nội ở sân Thống Nhất mới đây? HLV Phạm Minh Đức của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thẳng thắn nói rằng cách chơi của TP.HCM chỉ xoay quanh Công Phượng đặc biệt lợi hại trên hàng công. Điều đó đúng, bởi đối thủ đã nghiên cứu đội bóng của ông Chung và đối phó nên ngay cả CLB dưới cuối bảng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng bắt bài được Công Phượng và họ thắng liền.
SHB Đà Nẵng trước đó cũng chơi nhẫn nhịn. HLV Lê Huỳnh Đức biết TP.HCM nôn nóng, muốn ghi bàn thắng thì phải đẩy cao đội hình lên tấn công. Khi điều này xảy ra thì đội hình TP.HCM mất cân bằng. SHB Đà Nẵng chơi phòng ngự phản công nhanh chắc chắn sẽ khai thác được sai sót của TP.HCM. Thực sự nếu hôm đó SHB Đà Nẵng may mắn hơn thì họ đã thắng chứ không phải hoà 2-2.
Còn B.Bình Dương, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng chơi như vậy và đánh bại TP.HCM. Đội của ông Chung thắng Viettel và Than Quảng Ninh cũng bởi đối thủ đã chơi đôi công nên thua trận. Họ bị ghi bàn trước thì càng dễ đá cho TP.HCM. Hôm vừa rồi, TP.HCM cũng muốn ghi bàn trước vào lưới Hà Nội nhưng bất thành. Hà Nội cũng dụ TP.HCM dâng cao để khai thác. Moses, Hùng Dũng đá rát tuyến giữa khiến Công Phượng không thể có nhiều bóng. TP.HCM buộc phải đẩy bóng sang biên thì hậu vệ, tiền vệ biên yếu, không thể phủ đầu được đối thủ.
Về chất lượng cầu thủ TP.HCM thì có gì để so với đối thủ để đòi hỏi chức vô địch ? Đơn cử như vị trí thủ môn, Thanh Thắng và Tiến Dũng chỉ dừng ở mức khá thôi. Hậu vệ Hữu Tuấn là trụ cột ở TP.HCM dù đã lên ĐTQG nhưng cũng chỉ ở mức khá, lên tuyển là dự bị dài hạn. Hai hậu vệ biên Văn Thành và Tùng Quốc chơi không ổn định, thậm chí ông Chung phải luân chuyển rất nhiều lần thử các vị trí ở các trận đấu.
Tiền vệ thì chỉ có Seo Yong Duk được đá thường xuyên, còn lại TP.HCM phải thay đổi hàng loạt vị trí qua từng trận để đá cặp với cầu thủ này như Hoàng Thịnh, Văn Thuận, Thanh Bình, Ngọc Đức. Hai tiền vệ biên Công Hiển, Huy Toàn thì trận được trận mất. Trận nào phong độ cao thì đội còn chơi tốt, trận nào yếu thì mất phương án tấn công cánh. Tiền đạo thì chỉ có Công Phượng đáp ứng được chuyên môn, còn Amido thì quá “củi” rồi.
Còn Hà Nội thì sao. Họ vốn quá mạnh từ đội hình ăn ý, chất lượng thống trị bóng đá Việt Nam nhiều năm qua. Họ có thể thua đội bóng khác nhưng nhìn lại, tất cả các trận đấu đó họ đều tấn công chủ động đối phương. Đối thủ thắng họ đa phần nhờ may mắn, có đội bóng nào dám nói đá với Hà Nội đè ngửa thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm ra đá đâu.
Đã đành việc mất Pape Omar, đội bóng này mất đi nhiều sức mạnh. Omar là mẫu tiền đạo có thể di chuyển ngang, làm điểm dựa cho Văn Quyết, Quang Hải, Rimario, Moses, Hùng Dũng lao lên càn phá hàng thủ đối phương. Bản thân Omar thì dứt điểm quá tốt nữa. Thế nhưng, người đá cặp Rimario thì đầy sức mạnh. Hàng công Hà Nội đá đa dạng, bật nhả một hồi đối thủ đuổi theo bóng mất tập trung, sơ hở ngay.
Đầu mùa, cặp trung vệ Thành Chung – Việt Anh non trẻ, chưa được kết hợp nhiều tại V-League nên bộc lộ sự thiếu ăn ý, dẫn đến các bàn thua. Tuy nhiên, càng đá họ càng chững chạc, bản lĩnh. Thậm chí tôi nghĩ đến lúc này, cặp Đình Trọng – Duy Mạnh trở lại cũng có thể sẽ mất chỗ đứng chính thức trong đội hình. Xét từng vị trí, TP.HCM không có gì đặc biệt so với Hà Nội.
Bản thân tôi là người dân TP.HCM, sinh sống ở đây từ lâu và ủng hộ một đội bóng địa phương có sự đầu tư lớn cho đội bóng. Tôi hoan nghênh chủ trương làm bóng đá thì phải mong muốn chức vô địch, không mong vô địch làm bóng đá thì thật chán. Với bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng cộng với hai CLB bóng đá chuyên nghiệp Sài Gòn và TP.HCM đang có vị thế trở lại ở bản đồ bóng đá Việt Nam, tương lai là rất khởi sắc cho bóng đá địa phương này.
Tuy nhiên, làm bóng đá thì phải có chiến lược bài bản, lâu dài, tính toán có hệ thống. Tôi đã thấy nhiều sự thay đổi của bóng đá địa phương TP.HCM. HLV Chung Hae Seong như đã từng phân tích, ông ấy là người lớn tuổi, rất đàng hoàng, không có phe cánh, dây nhợ, ông ấy đưa tập thể TP.HCM đến thành công như những năm qua thì thật sự ông ấy là một HLV rất tài ba. Những HLV khác mà làm đội bóng này, như đã phân tích thì tôi nghĩ sẽ khó đua tranh với ai được. Nếu kiên nhẫn xây dựng bài bản thì mất 2-3 năm, TP.HCM sẽ vô địch V-League.
Điều tôi quan tâm là từ đầu mùa, không biết ông Chung và lãnh đạo CLB TP.HCM có ngồi lại với nhau để thống nhất cao về việc lựa chọn cầu thủ, chuẩn bị cho tương lai hay không, hay CLB tự đưa cầu thủ về cho ông Chung làm việc theo cách bị động. Thực tế thì những gì diễn ra cho thấy ông ấy bị động lắm. Đầu mùa, chủ trương của đội là đá 4-4-2, với 2 ngoại binh trên hàng tiền đạo, “súng 2 nòng” thì bóng đá Việt Nam sẽ thích hợp nhất. Còn sắm cầu thủ nổi tiếng thì chỉ hiệu quả truyền thông, chứ chuyên môn chưa chắc, sẽ có trận được trận mất.
Nếu thực sự mơ ước chức vô địch, đầu mùa cần xây dựng kế hoạch cụ thể. CLB còn bao nhiêu cầu thủ cũ, giữ lại bao nhiêu, cần bao nhiêu vị trí bổ sung. Những vị trí gì tôi sẽ lấy. Vị trí nào cần ngôi sao, vị trí nào cần cầu thủ trẻ để chuẩn bị cho tương lai kế tiếp. Hà Nội cũng từng làm bài bản chiến lược này khi từng bước cho cầu thủ trẻ vào đội hình ngôi sao để xây dựng, và những gì đã thấy như hôm nay hiệu quả với họ thế nào. Một CLB muốn tiến bộ chuyên môn thì điều đầu tiên cần là ổn định về lực lượng, lối chơi, con người.
TP.HCM thì có vẻ loay hoay về xây dựng chuyên môn và làm hình ảnh CLB. Điều cuối cùng tôi nghĩ phải hướng tới với bóng đá là chuyên môn. Mà muốn được điều này thì phải có cầu thủ phù hợp. Thực sự thì nhìn về các vị trí, tiền vệ trung tâm TP.HCM đang dư thừa, Văn Thuận, Hoàng Thịnh, Thanh Bình ngồi ngoài quá phí phạm. Họ mà ở đội khác thì chắc chắn sẽ ra sân. Trong khi tiền vệ biên thì yếu, không tạo được đột biến. Hậu vệ mất Hữu Tuấn – Diakite thì thua cả Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Với bóng đá TP.HCM, địa phương này đang có nhiều tin vui về bóng đá. Nhưng điều cần cảnh báo là đội đầu bảng Sài Gòn FC để duy trì thành tích thì cần đào tạo trẻ ngay. Họ hiện tại không có tuyến trẻ, cầu thủ nhiều người lớn tuổi hết rồi, khi họ giải nghệ thì lấy đâu ra người bổ sung. Mà cần 8-10 năm mới mong có được một thế hệ cầu thủ mới. Những nhà đầu tư cho bóng đá cần trả lời câu hỏi lấy thành tích ngay bây giờ hay gây dựng lâu dài cho bóng đá địa phương. Với TP.HCM thì cần đầu tư ra sao, bổ sung cầu thủ nào cho phù hợp, làm gì cũng phải giải quyết chuyên môn là điều cuối cùng. Tôi đang thấy tiền của họ bỏ ra không thiếu nhưng đã tốn kém vì không đáp ứng được chuyên môn.
HLV mới người Brazil của TP.HCM chưa đến nhưng nếu là HLV giỏi thì chắc chắn chỉ cần quan sát đội đá vài trận, ông ấy sẽ biết CLB này thế nào. Ông Chung Hae Seong thực sự đã không có được sự kiên nhẫn của TP.HCM. Ví dụ với bóng đá thế giới, để làm tốt với Manchester City, HLV Pep Guardiola mất 2-3 năm để có được sự ăn ý, công thức chơi tốt nhất cho đội. Klopp mất 2-3 mùa mới được như hôm nay. CLB yếu thì từng giai đoạn bổ sung, như thủ môn thì thêm Anderson, trung vệ Van Dijk. Bộ ba trên hàng công Mane – Salah – Firmino phát huy tối đa hiệu quả. |
Đoàn Minh Xương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất