Những người chưa già đã lên lão: Không thể đổ tại thời thế!

24/07/2014 17:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Vụ V.Ninh Bình vừa lắng xuống với hàng loạt các gương mặt tài năng bậc nhất thế hệ của mình (Mạnh Dũng, Văn Thắng hay Danh Ngọc… là những dẫn chứng tiêu biểu) bị triệu tập phục vụ điều tra, Đồng Nai cũng tỏ ra không hề kém anh kém chị, khi đã có ít nhất 6 cầu thủ (đều sinh năm 1988-1990) phải xộ khám. Người ta tin rằng đó chỉ là bề nổi của tảng băng nạn dàn xếp tỷ số trong làng bóng đá Việt Nam.

Trước đó nữa, trong và sau VCK World Cup 2010, cũng không hiếm đôi chân tiền tỷ, mất xe, mất nhà, tự biến mình thành các sản phẩm chuyển nhượng cũng vì dính vào bóng banh. Một số cố bám víu vào AFF Cup cuối năm đó để gỡ gạc, nhưng càng lún, và tất cả đều biết khi ấy bóng đá kim tiền vẫn còn đang thịnh.

Từ “huyền thoại” Như Thành

Khi còn khoác áo Hải Phòng, cựu trung vệ ĐTQG Vũ Như Thành dù bước ra sân tập trong cơn ngái ngủ từng vỗ ngực tự hào với đồng đội rằng anh vẫn giữ được “phom” người rất chuẩn mà không cần tập quần quật cả ngày.

Tất nhiên, đồng đội của Như Thành chỉ còn biết cười trừ, bởi họ là những người hiểu Thành hơn ai hết. Bản thân Thành cũng từng công khai mình có tham gia cá cược bóng đá quốc tế và nợ nần.

Có thể nói, Như Thành là một trong số những cầu thủ thuộc hàng “dị” nhất nền bóng đá xứ sở. “Anh ấy chơi được và làm được. Phong thái đàn anh, Như Thành dám chơi thì cũng dám nhận. Nói thật, sự nghiệp cầu thủ, em chỉ nể mỗi anh Như Thành”, trong một chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, Châu Phong Hoà, cựu tuyển thủ QG và đồng đội của Như Thành, cầu thủ cũng không thiếu những tai tiếng, cho biết.

Đã có đủ những giai thoại về Như Thành rồi và trên các ấn phẩm của Thể thao & Văn hoá cũng đăng trích không ít. Ít nhất một lần trong số đó, Như Thành thậm chí đã chủ động liên hệ với người viết để cảm ơn.

Với sự thẳng thắn, Thành nhắn: “Tôi cần những bài báo như thế để biết mình cần phải làm gì tiếp theo. Thời gian không đợi mình và không thể ngồi đó mãi để ăn mày dĩ vãng được. Không thành công cũng thành nhân”.

Ở tuổi 33, Như Thành tạm thời hưu non và lùi vào hậu trường sau khi không thể giúp F.Tây Ninh trụ lại ở giải hạng Nhất 2014. “Còn người còn của”, Như Thành sẽ không phải ngược xuôi tìm bến đậu, không phải nai lưng vì những trận cầu và có lẽ, cũng bớt bị săn đón bởi “những kẻ lạ mặt”, khi các khoản nợ đã vơi dần và được khoanh vùng.



Sự hối hận đã quá muộn màng. Ảnh: Thuỳ Dương

Đến “kiếp đỏ đen”

Có thể khẳng định luôn rằng mọi nguồn cơn dẫn đến việc phạm pháp đều bắt đầu từ lòng tham, từ tiền. Việc tại sao những cầu thủ ngôi sao, có giá chuyển nhượng và tài sản hàng tỷ đồng, vẫn bán mình cho quỷ dữ, ban đầu được đùn đẩy sang các mối quan hệ xã hội phức tạp của cầu thủ, nhưng giải thích theo cách đó là không thoả đáng. Đánh bóng qua mạng có thời điểm còn được xem là một thứ trang sức, một thú vui.

Khi bóng đá kim tiền lên ngôi, không quá khó khăn để cầu thủ săn lùng các bản hợp đồng tiền tỷ. Cùng với đồng lương cao ngất ngưởng, các chế độ thưởng kèm theo, họ sở hữu cuộc sống vương giả.

Vì kiếm tiền quá dễ nên họ phải tìm cách tiêu. Nhà cửa, xe cộ và chân dài đã đầy đủ, phải thêm bia rượu, thuốc, đá, bay lắc và cuối cùng là các trang mạng cá cược bất hợp pháp cho màn đêm thêm lung linh, huyền ảo.

“Dân chơi” kể rằng, một bộ phận đáng kể các cầu thủ khi kết thân với thuốc lắc (hoặc đá) nghiễm nhiên bị nghiện màn hình laptop, bàn phím hay những chiếc điện thoại thông minh.

Họ bấm vào bất cứ thứ gì nhấp nháy trên màn hình, từ các giải tennis, đến bóng rổ, các giải bóng đá hạng thấp tận lục địa đen đến Á châu da vàng… Rồi giấc ngủ chập chờn cũng đến, khi chiếc điện thoại hay cái laptop vẫn còn trong tay.

Sự bẽ bàng chỉ đến khi buổi sáng thức dậy, màn hình rực một màu đỏ và tài khoản (mạng) còn 0 đồng. Nhưng, họ vẫn không quá hoang mang, với uy tín và khả năng huy động vốn của bản thân.

Và nữa, “thua me gỡ bài cào”, khi trong tay họ vẫn còn các trận đấu (bóng đá trong nước), mà mình vừa là đạo diễn kiêm cả diễn viên chính. Tài khoản vơi rồi lại đầy và cuộc chơi vẫn tiếp tục, cho đến khi bị lôi ra ánh sáng.

Đổ tại thời thế, e là rất khó chấp nhận. Bóng đá Việt Nam đã và đang mang trọng bệnh, khiến cho xã hội cũng bị vạ lây.

Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm