09/11/2011 08:59 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH) - Bóng chết, tức các tình huống bóng cố định, là một chiến thuật hẳn hoi, thậm chí còn là vũ khí chiến thắng, chứ không đùa. Chỉ có điều trong tay HLV Falko Goetz lúc này lại thiếu những nghệ nhân để biến các cú đá phạt hàng rào trở thành tuyệt phẩm.
Với những cầu thủ giàu kỹ thuật như Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng hay Hoàng Thiên, cùng việc đề cao khả năng kiểm soát bóng gây áp lực lên cầu môn đối phương, tất-lẽ-dĩ-ngẫu chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các tình huống bóng chết, sau khi đối phương buộc phải phạm lỗi. Pha “solo” của Văn Quyết khiến một hậu vệ của Myanmar phải nhận thẻ đỏ vì cản người trái phép là một dẫn chứng điển hình.
Thanh Trung là một trong những cầu thủ có kỹ năng sút phạt tốt nhất
của U23 VN hiện tại. Ảnh: Quốc Khánh
Trong rất nhiều những buổi tập gần đây, ngoài việc lặp đi lặp lại các miếng đánh giãn biên, treo bóng dứt điểm cầu môn, thì HLV Falko Goetz đã biệt chú trọng giải quyết các tình huống bóng chết. Chiêu thức này dành riêng cho những Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết và thường được luyện sau buổi lên lớp của toàn đội.
Trận đấu với U23 Philippines, chúng ta có không dưới 5 tình huống đá phạt hàng rào, nhưng câu trả lời là không gì cả. Đến cuộc đối đầu với Myanmar, lần lượt Thành Lương, Văn Bình, rồi Văn Quyết…, thử vận may trong những pha bóng tương tự, nhưng bàn thắng vẫn là thứ xa xỉ. Hết sút thẳng cầu môn, đến treo bóng chiến thuật (chủ yếu nhằm vào trung vệ Anh Quang lên tham gia tấn công), đều phá sản.
Trên thực tế, có nhiều cách khác nhau để có thể tận dụng triệt để các tình huống bóng cố định, mặc cho đội bóng không có một chuyên gia đá phạt đích thực nào. Khi đó cần sự phối hợp ăn ý, đồng bộ của nhiều hơn một cầu thủ. Nó không dễ thực hiện, tuy nhiên, thế giới bóng đá cũng không thiếu bài đá phạt với sự tham gia của số đông đã trở thành những điển tích.
Với điểm đá phạt ngoài khu vực cấm địa, chếch về phía bên phải theo hướng tấn công, người lãnh ấn luôn là đội trưởng Thành Lương, nhưng chưa một lần tiền vệ có cái kèo trái rất ngoan này thành công. Chếch về phía cánh trái, U23 VN có Văn Quyết, Trọng Hoàng và Văn Bình, nhưng vẫn chưa một ai có câu trả lời thỏa đáng. Không mơ xa, nhưng rõ ràng U23 VN rất cần một Minh Phương hay Công Vinh.
HLV Falko Goetz đã và đang cố gắng gò những Thành Lương, Trọng Hoàng trở thành chuyên gia đá phạt, nhưng cần phải chắc rằng, ngoài việc khổ luyện ra, để thành công với kỹ năng này cũng phải có năng khiếu. Hãy nghĩ về cái lòng trong chân phải rất “đầy” của Văn Quyến, hay David Beckham. Họ dường như được sinh ra để làm ông vua của các tình huống bóng cố định.
Trong rất nhiều những trận đấu lâm vào thế bế tắc (2 lượt trận đầu tiên vòng bảng của U23 VN là những tiêu biểu), đội bóng có thể kết liễu đối thủ chỉ bằng một pha đá phạt. Với chiến thuật ấy, HLV có thể sẵn sàng cho 1 – 2 cầu thủ được đặc cách cầm bóng đột phá trước khu vực cấm địa đối phương, hòng chỉ tìm những pha phạm lỗi. Đây cũng là một trong những bài tủ của U23 VN dưới triều Falko Goetz.
Quả thật là khi theo dõi thầy trò HLV Falko Goetz vẫn phải loay hoay với chấm đá phạt hàng rào trong những ngày qua, vừa mủi lòng, vừa tiêng tiếc. Chúng ta vẫn chưa biết làm gì và làm như thế nào để phát huy tầm sát thương của thứ vũ khí này.
TRẦN HẢI
5 chuyên gia sút phạt – 0 bàn thắng từ tình huống cố định U23 VN hiện tại có rất nhiều cầu thủ từng đảm nhiệm trọng trách đá phạt trực tiếp tại CLB như Thành Lương, Thanh Trung, Văn Quyết, Trọng Hoàng hay Văn Bình, nhưng chưa một cầu thủ nào rèn được kỹ năng sút phạt bằng lòng trong chân thuận tốt như Văn Quyến trước đây hay Công Vinh sau này. Trong buổi tập hôm qua, HLV Falko Goetz tiếp tục cho các học trò rèn bài sút phạt trực tiếp này, nhưng độ chính xác trong các cú sút là không cao. Tính đến nay, trong số 2 bàn thắng mà các cầu thủ U23 VN ghi được ở SEA Games 26, chưa có bàn nào được thực hiện từ tình huống cố định. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất