27/07/2017 13:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu coi U22 Việt Nam là một “vũ trụ cầu thủ” theo kiểu Marvel thì Văn Toàn chắc chắn phải là siêu anh hùng Quicksilver, chàng dị nhân sở hữu tốc độ phi thường của một tia chớp.
“Không phải J-League 2 đâu, cậu ấy hoàn toàn có thể chơi tốt ở cả giải J-League 1 của Nhật Bản. Cậu ấy có thể biến những hậu vệ đối đầu với mình thành những chú hề trên sân mỗi khi muốn vượt qua ai đó”.
Đó là những lời chia sẻ của HLV Guillaume Graechen ngày còn dẫn dắt HAGL. Ông thầy người Pháp đang nói về ai vậy? Đó là một cầu thủ Việt chơi bóng ở Nhật, một tiền đạo biết làm xiếc với các hậu vệ. Nếu ông nói thêm chỉ một từ tốc độ, sẽ không ai nhầm lần nữa. Người được nhắc tới trong lời khen kia chẳng phải là Công Phượng, anh là Văn Toàn - cầu thủ tốc độ nhất của U22 Việt Nam hiện nay.
Trong đội hình của HLV Hữu Thắng, Văn Toàn thực ra mới là người có quá khứ lẫy lừng nhất. Khi Công Phượng còn trầy trật thi tuyển SLNA, Xuân Trường chỉ tới được tứ kết Giải nhi đồng quốc gia, Tuấn Anh vẫn chưa tham gia giải trẻ nào thì Văn Toàn đã là ngôi sao số một của bóng đá trẻ Việt Nam.
Mùa giải 2007, Văn Toàn giành Vua phá lưới và Cầu thủ hay nhất Giải U11 quốc gia. Anh là cái tên đầu tiên nằm trong danh sách tuyển thẳng của khóa I Học viện HAGL JMG.
Nhưng khi lên phố núi, áp lực của 1 “ngôi sao nhí” đã làm hại Văn Toàn. Toàn bị đẩy xuống tập với khóa II, trải qua nhiều năm cố gắng liên tục trước khi được đôn lên đội một và khẳng định lại bản thân.
Cầu thủ quê Hải Dương được đôn lên V-League từ năm 2015 nhưng tới mùa 2016, anh mới thực sự chứng tỏ được mình. Việc 3 cầu thủ HAGL chuyển ra nước ngoài thi đấu tạo cơ hội cho những cái tên như Văn Toàn, Văn Thanh. V-League mùa ấy, Toàn ghi 8 bàn.
Những HLV không mất nhiều thời gian để nhận ra tài năng thực sự của Toàn. Xuất thân là một tiền đạo, Văn Toàn ngày càng được dùng nhiều hơn trong vai trò tiền vệ. Người đầu tiên sử dụng Văn Toàn hiệu quả ở vị trí này là HLV Toshiya Miura. Tại SEA Games 2015, Văn Toàn chơi cực hay bằng tốc độ và khả năng đột phá tuyệt vời. Anh vừa có bước chạy tàn phá của một cầu thủ đá cánh, vừa có sự lắt léo của một tiền đạo kỹ thuật. Sau giải đấu năm ấy, không ai còn nhớ Toàn là một cầu thủ đá cắm.
Phóng viên Nhật Bản Jun Usami từng nói về Toàn: “Các chuyên gia bóng đá J-League đều dành lời khen cho Văn Toàn, nếu cậu ấy sang Nhật Bản sẽ rất tốt. Họ cho rằng Văn Toàn là mẫu cầu thủ tạo động lực tốt ở tuyến trên, có tốc độ, kỹ thuật tốt và di chuyển thông minh”.
Điểm mạnh của Văn Toàn là khả năng tăng tốc trong đoạn ngắn cực nhanh. Đã rất nhiều lần dưới thời Hữu Thắng, chân sút sinh năm 1996 băng lên cắt đường chuyền của hàng thủ đối phương, cướp bóng ngay trong chân đội bạn hay buộc đối thủ phải phạm lỗi trong vòng cấm. Giữa một rừng cầu thủ kỹ thuật như Công Phượng, Xuân Trường, tốc độ của Văn Toàn là nét chấm phá thực dụng đầy khác biệt.
Tại giải U21 quốc tế 2016, HLV Tomobuku Hayakawa của U21 Yokohama FC đã hết lời khen ngợi Văn Toàn: “Cậu ấy có tốc độ, kỹ thuật và đặc biệt là khả năng chiến đấu không ngừng nghỉ. Đấy là đức tính tuyệt vời của một cầu thủ bóng đá”.
Đến 1 HLV khó tính như Lê Thụy Hải cũng từng phải thừa nhận Toàn: “Văn Toàn phải được đá chính ở đội tuyển. Có Văn Toàn, đội tuyển Việt Nam thay đổi nhiều về lối chơi và đá khởi sắc hơn hẳn”.
Khi trận đấu giữa U22 Việt Nam và U20 Argentina kết thúc, nhiều người đã tiếc nuối: Giá như có Văn Toàn. Trước các đối thủ có trình độ kỹ chiến thuật vượt trội, khi mọi bài vở trở nên vô nghĩa thì thứ tốc độ “nguyên thủy” của Văn Toàn luôn phát huy tác dụng.
Đó chắc chắn sẽ là thứ vũ khí đặc biệt của U22 Việt Nam trên hành trình tới chiếc HCV SEA Games 2017.
Thanh Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất