19/01/2025 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
HLV Kim Sang Sik sau khi vô địch ASEAN Cup 2024 đặt mục tiêu giúp đội tuyển Việt Nam duy trì sự ốn định trong khu vực, đồng thời vươn tầm châu lục. Nhưng đây là một thách thức với cá nhân ông cũng như đội tuyển.
Bài học từ người đàn anh, đồng hương Park Hang Seo trong quá khứ, sau khi vô địch Đông Nam Á, hay chính người tiền nhiệm Philippe Troussier với những tham vọng thiếu thực tế cùng bóng đá Việt Nam, là điều HLV Kim Sang Sik không thể bỏ qua.
Theo đúng lộ trình phát triển, đội tuyển Việt Nam đã vô địch Đông Nam Á rồi thì đương nhiên, mục tiêu kế tiếp là vươn ra tầm châu lục. Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm như thế nào để thành công mới là điều đáng nói.
Đội tuyển Indonesia phải dùng tới đội hình nhập tịch gần như tuyệt đối mới có thể tranh chấp tấm vé tham dự World Cup 2026. Thái Lan thì lại là một tấm gương khác mà đội tuyển Việt Nam rất cần nhìn vào. Họ đã hai lần liên tiếp vô địch Đông Nam Á trước khi để đoàn quân của HLV Kim Sang Sik lấy lại vị trí số 1 khu vực ở giải đấu vừa qua, nhưng khi nuôi hy vọng vươn tầm thì đã gặp thất bại.
Xét về nguồn lực, bóng đá Thái Lan thậm chí còn nhỉnh hơn Việt Nam, từng cá nhân cầu thủ của bóng đá xứ sở chùa Vàng cũng được đánh giá cao, nhưng thất bại vẫn là điều không tránh khỏi.
Bài học kinh nghiệm được chỉ ra, và nhiều chuyên gia bóng đá trong nước cũng như quốc tế nhắc đến với bóng đá Việt Nam trong mục tiêu vươn tầm chính là phải có cầu thủ xuất ngoại, ra nước ngoài chơi bóng, dù đó là ở châu Âu hay châu Á.
Sau khi Quang Hải từ Pháp về nước rồi Công Phượng quay về Việt Nam, chơi bóng cho Trường Tươi Bình Phước tại giải hạng nhất quốc gia 2024/25, bóng đá Việt Nam không còn cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài. 100% đội hình vừa vô địch ASEAN Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam đều thi đấu trong nước, kể cả tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son hay thủ môn Việt kiều Nguyễn Filip.
Không phải cầu thủ Việt Nam không có cơ hội hay chưa đủ trình độ để xuất ngoại, mà sự vắng bóng của bóng đá Việt Nam trong câu chuyện "xuất khẩu cầu thủ" bắt nguồn từ chính bản thân đội ngũ này.
Trong 5, 6 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã có không ít cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng nhưng thực chất, chỉ có thủ môn Đặng Văn Lâm là khẳng định được vị trí với hơn một mùa giải bắt chính cho CLB Muangthong United tại Thai League.
Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Công Phượng, Văn Toàn… ra đi rồi lại trở về V-League với chung một nguyên nhân: không chiếm được suất đá chính, đánh mất phong độ khi chỉ phải dự bị, thường xuyên tập luyện với cường độ cao nhưng thiếu thực tiễn thi đấu ở những trận chính thức.
Bài học "xương máu" đó từ những người đồng đội đã khiến Hoàng Đức, Tuấn Hải trở nên thận trọng, cộng thêm việc nhận được những lời đề nghị thực sự hậu hẫnh ở trong nước cả về lương, thưởng, lót tay khi ký hợp đồng.
Chuyện đi nước ngoài hay ở lại trong nước là quyết định cá nhân của mỗi cầu thủ, nhưng để thành công ở Asian Cup hay vòng loại World Cup, chắc chắn chỉ trông vào lực lượng hiện đang thi đấu ở V-League và giải hạng nhất của đội tuyển Việt Nam là không đủ.
HLV Kim Sang Sik không phải không nhìn ra vấn đề này, nhưng để cầu thủ đội tuyển Việt Nam thực sự đạt đến đẳng cấp cao hơn thì không phải trông vào chiến thuật, tài huấn luyện hay quản trị của thầy Kim.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất