29/01/2018 09:56 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong hàng ngàn, hàng vạn bức ảnh chụp đoàn tiếp rước đội tuyển U23 Việt Nam mang vinh quang trở về cho đất nước, tôi đặc biệt ấn tượng với những hình ảnh toàn cảnh chụp từ xa, thể hiện đoàn người với cờ đỏ sao vàng phủ ngập các đại lộ, kéo dài hàng cây số.
1. Khi thử "zoom" vào một trong những bức ảnh đó, tôi không thể nhìn rõ hết từng chi tiết hay từng khuôn mặt người. Và cũng bởi thế khi ngắm lại trọn vẹn bức ảnh, tôi có cảm giác đây là một dòng sông – một dòng máu nồng nhiệt chảy trên cơ thể Việt Nam.
Những bức ảnh ấy cho chúng ta thấy rõ một điều: Lòng dân là như thế.
Sức mạnh của lòng dân dường như vượt khỏi sự hình dung của chính chúng ta. Chứng cớ là dù đã thiết kế một lịch trình tiếp rước rất hoàn hảo từ sân bay Nội Bài trở về nhưng người ta cũng phải mất đến mấy tiếng mới đưa được đội tuyển vào trung tâm trong tình trạng phải "tiếp lương thực" cho các em trên xe. Và Thủ tướng cũng phải chờ suốt 5 tiếng để đón tiếp đội tuyển tại Văn phòng Chính phủ. Nhưng có lẽ đó là một sự chờ đợi mang đầy cảm xúc.
"Tôi đã chờ đợi ở đây hơn 5 tiếng đồng hồ. Chưa bao giờ có sự chờ đợi lâu như thế đối với một Thủ tướng nhưng cũng chưa bao giờ có niềm vui lớn như thế bởi vì cuộc chờ đợi này là hòa với niềm vui của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội... Tôi hiểu các em và các bạn rất đói và mệt. Tôi tin rằng với niềm vui này thì đang đói cũng vui..." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc gặp mặt các cầu thủ U23.
Bởi rất khó có thể hình dung được những con đường lớn như thế lại có thể bị ách tắc – ách tắc ngay tại cầu Nhật Tân – một điều chưa từng xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra đơn giản vì hàng ngàn, hàng vạn người hâm mộ đã tràn xuống phủ kín lòng đường theo sự mách bảo của trái tim.
Rất dễ hình dung lực lượng điều khiển giao thông đã phải vất vả như thế nào. Nhưng chính họ có lẽ cũng nỗ lực duy trì hành trình chậm chạp của đám rước với suy nghĩ: lòng dân là như thế và nhân dân kéo dài cảm giác hân hoan của mình như thế. Vạn tấm lòng kết lại như thế để tự phô bày tấm lòng cảm kích của mình với đội tuyển.
2. Trước trận chung kết lịch sử, Thành đoàn TP.HCM, đơn vị luôn được đánh giá cao bởi các hoạt động tương tác với giới trẻ đã kịp tung ra một bộ poster cực kỳ ý nghĩa với những khẩu hiệu ngắn, ý nghĩa, dí dỏm khuyên các bạn trẻ hãy ăn mừng thật văn minh, lịch sự: U23 đã làm ta tự hào, ta hãy làm họ tự hào/ Ăn mừng lớn, nhưng đừng quá trớn/ Hò la tha hồ, đừng có "lột đồ"/ Phố tắt đèn, không nhấn kèn/ Ứng xử văn minh với tinh thần trận đấu (tôn trọng kết quả, không ném đá)/ Đi bão nhưng đừng chao đảo/ Biết vui rồi, từ từ thôi (không phóng nhanh, vượt ẩu)/ Tôn trọng Quốc kỳ/ Bàn thắng đẹp, ăn mừng đẹp.
Những khẩu hiệu rất đẹp, nhưng có vẻ như cũng là quá lo xa. Có lẽ rất hiếm có một cuộc xuống đường cổ vũ nào lại đẹp đẽ và trật tự như hôm 28/1 đón đội tuyển trở về.
Cái đẹp không chỉ ở sự văn minh, trật tự, dù tắc đường kéo dài, mà chính ở trong ý thức của mỗi người.
Đội tuyển thua ở trận chung kết, theo logic thông thường, sẽ làm "xẹp" niềm hưng phấn của cổ động viên. Và điều đó thực tế cũng xảy ra, nhưng chỉ trong tích tắc khi những giọt nước mắt chảy dài trên má họ, rồi tiếp ngay sau đó là một sự nồng nhiệt đầy tính lý trí: đội tuyển của chúng ta đã chơi thứ bóng đá quá đẹp và đã chơi hết sức mình với tinh thần của nhà vô địch rồi. Thế rồi, niềm hưng phấn lại bùng cháy, dường như mạnh mẽ và dữ dội hơn (nếu chúng ta có thể giả sử rằng đội nhà giành chức vô địch), bởi sự hưng phấn giờ đây còn mang cả ý nghĩa trân trọng, cảm kích những chàng trai trẻ đã dâng hiến hết mình trên sân cỏ.
3. Nhưng cũng phải nói, nếu như cô người mẫu nọ hay hãng hàng không kia mà đọc đủ những khẩu hiệu ngắn gọn của Thành đoàn TP.HCM thì họ đã không làm thế. Khẩu hiệu hay nhất: "U23 đã làm ta tự hào, ta hãy làm họ tự hào". Đội tuyển có tự hào không khi họ "được" đón tiếp với màn khoe da thịt trên máy bay ấy? Chắc chắn là không, bởi một số bức ảnh cho thấy các cầu thủ trẻ tỏ ý ngượng ngùng hoặc nhắm tịt mắt lại...
Suy cho cùng thì đây cũng một hành vi "vui quá trớn" mà không nghĩ tới những hệ lụy khó lường khi "lòng dân" đang lên cao. Một điều mà chắc chắn những người trong cuộc phải suy nghĩ. Ấy là sự giận dữ không chỉ đến từ các fan nữ, vốn đang sôi sùng sục với các cầu thủ "quốc dân", "thần tượng" của mình, nên không dễ chấp nhận những màn "tỏ tình" thái quá, chưa nói đến việc ngang nhiên khoe da thịt trước mặt thần tượng. Mà, sự giận dữ lớn hơn còn đến từ những "phụ huynh" lớn tuổi, bởi họ lo lắng cho cung cách ứng xử phản cảm với các em, các cháu như thế.
Về sâu xa, thành công lớn thì sức ép cũng lớn, rồi đây, trở về với sân cỏ, với nghiệp cầu thủ rất vinh quang nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã, họ sẽ phải phấn đấu gấp đôi, gấp ba sức lực của mình để không phụ lòng người hâm mộ, để xứng đáng với những sự tưởng thưởng và vinh danh trong những ngày này. Những người trải đời chắc chắn sẽ càng thêm trân trọng, ủng hộ họ một cách sâu sắc, bền vững hơn khi biết trước những sức ép mà họ sẽ phải vượt qua trong tương lai. Chính vì thế cho nên mọi sự "ăn theo", "vui quá đà", "vui quá trớn" đều không được ủng hộ.
Vẫn rất cần và vô cùng cần một tình yêu, sự ủng hộ bền bỉ, vượt thời gian cho bóng đá. Ngay từ bây giờ cũng là chưa muộn đối với tất cả mọi người, khi mà nhìn lại năm tháng qua, dường như có nhiều giai đoạn, đa số mọi người khá thờ ơ với bóng đá. Trong số những người "vui quá đà" hôm nay, có bao nhiêu người thực sự "thủy chung" với bóng đá, hay chí ít cũng cảm thông, chia sẻ với những thăng trầm của các cầu thủ, HLV trên sân cỏ nghiệt ngã? Đây là lúc để họ thay đổi.
4. Bốn giờ sáng, một ngày sau lễ đón tiếp các cầu thủ, tôi có việc phải dậy sớm và đi lại con đường vừa kín đặc người chiều hôm trước. Gió bấc lạnh buốt thổi ào ào trên những ngọn cây. Hà Nội lúc rạng sáng vẫn thường như thế: đường phố vắng vẻ, vài người chở rau trên xe thồ, xe ba gác... lặng lẽ băng qua các giao lộ. Quán nước vỉa hè mở sớm với vài bác xe ôm xo ro và dăm ba câu chuyện, tất nhiên, không ngoài chuyện bóng đá với cuộc diễu hành hôm qua...
Không còn dòng người kín đặc con đường như một dòng sông. Tôi chợt có liên tưởng rằng, chính các bác xe ôm này, chính các chú, các cô chở rau kia cũng đã từng xuất hiện trong các bức ảnh nêu trên, mà vì chụp từ xa hoặc từ trên cao, nên khi cố zoom lại, tôi cũng không nhận ra được chân dung của họ, hay chân dung của bất kỳ người nào. Giờ đây, vẫn là chính họ trong nhịp sống đời thường.
Rõ ràng, lòng dân, sau những giờ phút phô bày mạnh mẽ, lại lui về ẩn kín trong mỗi trái tim. Nhưng lòng dân vẫn như thế, đến dịp lại bung ra như dòng sống bất tận.
Có thể cũng còn lâu nữa, đội tuyển của chúng ta mới có được một chiến thắng như thế hay hơn thế. Vì thế, khơi dậy lòng dân ấy, sức dân ấy trong cuộc sống đời thường này mới là việc quan trọng và mới là việc phải làm thường xuyên, để phát triển đất nước.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất