02/04/2015 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Ông Lê Thụy Hải bị chỉ trích nặng nề vì những nhận xét của ông về HLV Miura, về U23 Việt Nam. Ông Hải có đáng bị như thế?
Ông Lê Thụy Hải ngày trước làm bóng đá nữ rồi ở hạng Nhất không mấy người biết. Nhưng khi ông cầm quân ở LG.HN.ACB thì ai cũng rõ. Tính cách đặc biệt của ông được phản ánh qua một lần tình cờ tôi nán lại sân Hàng Đẫy để phỏng vấn bầu Kiên thì tôi bắt gặp ông Kiên với ông Hải đang đôi co trong ánh đèn tắt dần của sân Hàng Đẫy sau một trận đấu tập huấn đầu mùa.
Thế là tôi không phỏng vấn bầu Kiên nữa mà hỏi chuyện ông Hải. “Chuyện có gì đâu. Không thích thì tôi nghỉ. Nhà tôi ngay trong Hà Đông, không thích thì tôi phóng xe đi về”, ông Hải lúc ấy còn đi chiếc xe Viva của hãng Suzuki vẫn chưa lỗi mốt lúc đó.
Ông Hải có giỏi không?
Ông Hải tranh cãi với ông chủ quanh chuyện tuyển ngoại binh cho LG.HN.ACB. Ông chấm bộ ba cầu thủ Nam Mỹ mà một trong số đó sau này là trụ cột và HLV của CLB, Mauricio Luis. Bầu Kiên nổi tiếng dè xẻn, không muốn vung tay.
Thế rồi bầu Kiên phải xuống nước với ông Hải. LG.HN.ACB mua cả bộ ba người Nam Mỹ ấy, chuẩn bị cho mùa giải 2004. Ông Hải bắt đầu thể hiện khả năng của một HLV có năng lực và tinh quái, là người kế thừa xuất sắc nhất trong số các HLV từng làm ở đội bóng là hậu duệ của Công an Hà Nội của HLV Nguyễn Văn Nhã.
HLV Lê Thụy Hải (phải) thời điểm làm HLV trưởng LG HN.ACB từng có những "va chạm" với bầu Kiên. Ảnh: Quang Thắng - Xuân Huy
Mùa 2004 ấy, LG.HN.ACB đứng thứ 5 với một thứ bóng đá đúng bản sắc của CAHN ngày nào mà lại có cặp trung vệ Lê Anh Dũng và Lê Mạnh Hùng đá cả mùa không ai phải nhận một cái thẻ vàng.
Đáng ra họ phải đứng cao hơn, nếu không có những trận đấu bất thường cuối mùa. Tôi còn nhớ sau trận đấu họ trở về Vinh, ông Hải đánh bệt bên cột cờ góc, hỏi “Cậu có xem trận đấu ấy không”/Có, chú. Đáng ra trọng tài phải đuổi một cầu thủ SLNA, đúng không? Đã đối mặt với thủ môn mà nếu thổi phạt thì phải thẻ đỏ quả đó/”Thế là cậu cũng biết xem đá bóng đấy. Thế mà ở đội này chẳng ai nói gì. Họ cứ làm như là lỗi của mỗi mình tôi”.
Những định kiến của bầu Kiên với ông Hải cuối cùng lại có cái cớ để bung ra. Ông Hải rời HNACB, nhưng mở ra cho tôi và có lẽ nhiều người khác một kết luận: Ông là người có năng lực. Nhưng đầy cá tính. Khái niệm nhượng bộ là không tồn tại ngay cả trước những ông bầu đầy quyền lực.
Chính dấu ấn của ông với LG.HN.ACB mà tôi cho rằng ông chỉ có thể thành công với những đội bóng lắm tiền nhiều cầu thủ giỏi không phải là một nhận xét toàn diện.
Vì thành công trong bóng đá là vô cùng, đôi khi không thể đo đếm bằng những chiếc cúp. Chính việc HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào tới bán kết AFF Cup mà vẫn được coi là thành công là như thế, dù cho đội tuyển của chúng ta đã từng nhiều lần vào chung kết và từng vô địch AFF Cup 2008.
Hay ngay cả việc ông chỉ có thể giúp Đà Nẵng giành danh hiệu á quân V-league mùa 2005 cũng không thể coi là một thất bại.
Thất bại ở đây nếu có chỉ là cơ chế của một đội bóng quốc doanh làm kìm hãm sự phát triển của đội bóng này. Ông Bá Thanh dù rất siêu việt ở nhiều lĩnh vực, dù hết lòng vì bóng đá, nhưng phải tới khi bóng đá Đà Nẵng được cởi trói để giao cho bầu Hiển, thì bóng đá ở đây mới được nếm lại mùi vô địch.
Rời Đà Nẵng, ông Hải trở lại Bình Dương. Nơi ông từng làm việc ở đó hơn hai mùa khi họ còn chơi ở giải hạng Nhất. Một cơ chế mới. Một cơ quan chủ quản mới, đầu tư không tiếc tay để đưa những cầu thủ xuất sắc về.
Ông tạo nên một đội bóng gần như bách chiến bách thắng, vô địch V-League hai năm liên tiếp, 2007-2008.
Lập nên kỳ tích với 3 lần vô địch V.League cùng Becamex Bình Dương. Ảnh: V.S.I
Vai trò quan trọng của ông dường như được khẳng định nhiều hơn khi ông rời Bình Dương chứ không phải là hai năm đại thành công đó. Bởi một lẽ giản đơn: Không có ai giúp được Bình Dương giành được danh hiệu ở V-League nữa cả.
Tài năng của ông được ngay cả những người mà ông từng “xuống tay” ghi nhận. Đặng Phương Nam là một trong những người như thế.
Nam là một trụ cột của Thể Công qua bao năm, bỗng một phút chốc thất nghiệp khi ông Hải vừa mới lên thay ông Vương Tiến Dũng năm 2009 quyết định cho nghỉ. Ông Hải quy kết Nam phá đội chỉ vì đúng một việc cỏn con là anh cho người của Hà Nội T&T số mobile của cầu thủ này.
Cay đắng với cách xử quá phũ phàng ấy, nhưng Phương Nam vẫn nói với tôi rằng ông Hải là người có chuyên môn xuất sắc, đáng để học hỏi. Những triết lý bóng đá của ông rất giản đơn, nhưng hiệu quả, đó là đừng bao giờ nghĩ tới việc ghi bàn trước khi nghĩ tới chuyện không để đội bóng thủng lưới.
Cũng thất bại vì không phải là thánh
Với Thể Công và Hải Phòng, có lẽ là những nơi ông Hải phải thừa nhận mình đã thất bại. Thậm chí thất bại toàn diện. Không danh hiệu, ông là HLV cuối cùng của Thể Công trước khi đội bóng này bị đem bán cho Thanh Hoá.
Một số phát hiện như việc đưa Phước Tứ lên đá tiền vệ trung tâm khá hay cũng chỉ là tiểu tiết so với phương pháp làm việc theo kiểu gây dựng một số học trò thân tín, làm Thể Công bị chia rẽ. Việc dùng các ngôn từ khá sốc làm cho một đội bóng vốn có khá nhiều chuẩn mực của quân đội trở nên mất phương hướng.
Nhưng sứt mẻ uy tín, danh tiếng bị mai một ghê gớm nhất phải tới khi ông làm việc ở Hải Phòng. Hải Phòng chơi bết bát, đối diện với nguy cơ xuống hạng dù cho họ được đầu tư không ít.
Cũng chính những người đã làm ông nở mũi vì những lời khen, làm ông hãnh diện khi họ bước từ khán đài xuống bắt tay ông dù ông lúc ấy đang là đối thủ, thì cũng chính những người ấy đã kéo lên tấm băng rôn bên khán đài A hỏi “ông Hải là ai” để rồi bên khán đài B trả lời bằng một băng rôn khác, rằng “ông Hải chỉ là người nói phét”.
Thực ra ông không nói khoác. Bóng đá có thành công và thất bại. Có những HLV danh tiếng vẫn thất bại như Capello tài giỏi vẫn phải rời Anh không kèn trống và nay đang chết chìm cùng với bóng đá Nga.
Chính bởi thế mà Bình Dương đã vô địch trở lại khi có ông Hải trở về. Nếu nói ông chỉ thành công với các đội bóng cực giàu thì HLV Mourinho cũng thế. Chỉ trừ những CLB mà truyền thống và thương hiệu của họ là vô giá, còn các đội bóng nhà giàu khác vẫn luôn muốn mời họ bởi họ là sự đảm bảo tốt nhất để tiền có thể chuyển hoá thành cúp.
Mỗi lời nói là một cuộc tranh cãi
Nhưng ông Lê Thụy Hải dù có tài năng cỡ nào cũng không phải là một người thích hợp để dẫn dắt đội tuyển. Ở cương vị ấy cần một người phát ngôn mềm dẻo hơn và chuẩn mực hơn.
Thường có những phát biểu thẳng thắn rất dễ khiến người khác hiểu lầm nhưng ông từng chia sẻ: là người làm chuyên môn thì phải góp ý cho người ta tiến bộ. Ảnh: thethao247
Những gì ông mắng trọng tài khi làm trợ lý cho ông Mai Đức Chung dẫn dắt đội U23 đá ở Merdeka Cup (Malaysia) trước tình huống cầu thủ Văn Duyệt bị phạm lỗi nguy hiểm có thể là một scandal nếu như người ta cố chấp, đọc khẩu hình. Chính vì điều đó mà người ta không nhắc nhiều về ông khi đội bóng này cầm về chiếc cúp Merdeka.
Nhưng không thể nói ông Hải không nói đúng. Tất nhiên không phải là đúng hết, nhưng đúng một cách cơ bản thì khó cãi.
Ông nói rằng thế hệ cầu thủ Công Phượng chưa đủ trình độ để đá V-League. Thực tế là như thế. HAGL với cuộc trẻ hoá lịch sử giờ đang đứng ở đâu trên BXH V-League sau 8 vòng?
Ông nói rằng U23 Việt Nam cần phải tập trung vào mục tiêu SEA Games mùa Hè này liệu có điều gì khác so với quan điểm của VFF? Nó không hề đi ngược lại chiến lược làm bóng đá lấy các giải đấu châu lục, vòng loại World Cup để các đội tuyển cọ xát cho đấu trường khu vực trong bao năm qua.
U23 Việt Nam giành vé đi Qatar đầu năm sau rõ ràng chúng ta đến với một giải đấu có những đối thủ vượt trội về đẳng cấp.
Và đó cũng không phải là đỉnh cao nhất, bởi việc đội Olympic Việt Nam của một HLV nội như Mai Đức Chung từng lọt vào tới vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008 là chặng đường nhiều gian khó mà lắm hào hùng hơn nhiều so với ba trận ở Malaysia vừa rồi.
Rồi đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Alfred Riedl từng vào tới vòng tứ kết Asian Cup 2007 là một chương đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt.
Rồi danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 mới thực là lần đầu tiên BĐVN đoạt được một mục tiêu cụ thể.
Nhớ được những cột mốc đó thì chúng ta sẽ thấy không hẳn là ông Hải đố kỵ, hẹp hòi khi nhận xét về đội tuyển U23 Việt Nam. Là ông không mỉa mai khi cho rằng đội U23 Việt Nam kém hơn thì phải phòng ngự. Là ông đúng khi nói rằng đừng bao giờ khen tinh thần thi đấu của một đội tuyển quốc gia (vì đã khoác áo đội tuyển đương nhiên phải nỗ lực tối đa trừ khi có tâm lý bán độ).
Thế nên, hãy tin rằng, khi ai đó hay chúng tôi mời ông Hải nói (không phải ông chủ động xin lên báo), là chúng tôi muốn có những lời nhận xét khách quan từ một người dám nói và dám nghe chửi (kể cả chửi sai).
Không phải ai ở Việt Nam cũng dám làm như thế!
Tính cách của ông Hải đôi khi làm khó ông trong việc xây dựng một đội bóng. Ông phải mang theo mình những cầu thủ mà ông tin tưởng, những người ông không bao giờ mắng chửi làm những người tâm phúc. Từ Thể Công đi Hải Phòng rồi về Bình Dương giờ là như thế. Bình Dương của ông Hải giờ đang phiêu lưu ở AFC Champions League. Đó là giải đấu quy tụ những CLB hùng mạnh, mà sự đầu tư về mặt tài chính đã và đang tạo ra những siêu CLB so với mặt bằng châu lục. Đá ở sân chơi này, ông Calisto cũng chưa thể có một chiến thắng khi còn dẫn dắt ĐT Long An. Bình Dương mới đây đã suýt có chiến thắng trước Lỗ Năng Sơn Đông trên sân Gò Đậu, chơi thậm chí trên chân nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn rồi thua 2-3. Trên đất Hàn Quốc, Bình Dương cũng chơi sòng phẳng, dám cầm bóng và họ xứng đáng có phần thưởng tốt hơn kết quả thua 0-3 trước ĐKVĐ K-League Jeonbuk Hyundai Motors |
Phạm Tấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất