14/03/2015 05:27 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Khi không thể cải thiện được nhược điểm thể hình và thể lực của học trò, HLV Toshiya Miura có thể xem xét tới một phương án mới: dùng tốc độ khỏa lấp sức mạnh.
Có 2 yếu tố tạo nên sức mạnh thể chất của một VĐV thể thao nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng. Đó là sức mạnh và sức bền. Trong đó, yếu tố thứ nhất chịu tác động cực lớn từ các nhân tố di truyền. Đặc thù thể trạng khiến bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á thường ít sản sinh ra các cầu thủ to cao. Trong tranh chấp tay đôi, chưa cần bàn tới các yếu tố kỹ thuật, thua một bàn chân hay kém nửa cái đầu đã là sự khác biệt cực lớn.
HLV Miura có vẻ đã hiểu rất rõ điều này. Chỉ cần nhìn vào danh sách triệu tập các đội tuyển Việt Nam trong khoảng 1 năm qua, chúng ta sẽ thấy chiến lược gia người Nhật Bản luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những cầu thủ to cao như Hoàng Lâm, Huy Hùng, Thanh Hiền... Đó cũng là lý do khiến một trung vệ không phải xuất sắc như Tiến Thành lại có thể giành suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam.
Sau yếu tố sức mạnh, ông Miura đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện yếu tố sức bền cho các đội tuyển. Với đội tuyển Việt Nam và đội Olympic dự ASIAD, ông Miura đã thành công vượt bậc.
Nhưng khi áp dụng vào lứa Olympic hiện tại, giáo án “chỉ dành cho cầu thủ chuyên nghiệp trưởng thành” ấy lập tức cho thấy những vấn đề. Chính chiến lược gia người Nhật thừa nhận quân số đội tuyển hiện chỉ có chưa đầy 20 con người. Hơn 1/3 đội bóng đang dính chấn thương vì các bài tập nặng.
Kỳ nghỉ Tết kéo dài cùng với việc giải vô địch quốc gia nghỉ thi đấu khiến các cầu thủ trẻ không có cơ hội tập luyện thực chiến. Hãy nhớ V-League là giải đấu duy nhất ở khu vực tạm nghỉ nhường chỗ cho đội Olympic tập trung. Sau kỳ nghỉ dài ấy, các cầu thủ ngay lập tức phải bước vào thời kỳ tập nặng.
Hiệu quả thì chưa thấy nhưng tác hại đã rất rõ ràng. Trận gặp Olympic Indonesia hôm 9/3, tuyến giữa của Olympic Việt Nam tỏ ra yếu đuối và thua thiệt hoàn toàn cả trong tranh chấp sức mạnh và sức bền.
Trước sức mạnh áp đảo của đối thủ, ông Miura đã tìm ra một phương án. Hùng Dũng, Hữu Dũng và Công Phượng đồng loạt vào sân để tăng tốc độ của đội tuyển. Đội Olympic bỏ qua tranh chấp sức mạnh, sử dụng tốc độ để chủ động vây ráp và đột phá. Chiến thuật ấy đã phát huy tác dụng rất cao với bàn thắng duy nhất của Huy Toàn.
Đó cũng là giải pháp thường thấy ở các đội bóng kém hơn về sức mạnh. Trước đó, U19 Việt Nam của ông Guillaume Graechen cũng đã nhiều lần sử dụng tốc độ để khỏa lấp đi nhược điểm thể lực của mình.
Đương nhiên, giải pháp này là một con dao 2 lưỡi bởi tăng tốc độ nghĩa là phải tiêu tốn thể lực hơn, tăng nguy cơ kiệt sức và đối diện với khả năng vỡ trận về cuối. Đó chính là điều HLV Miura cần phải chú ý.
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất