HLV Miura đang ngồi cái ghế quá lớn

19/10/2015 05:34 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - HLV Miura đã thất bại vì ông không phải là người phù hợp với bóng đá Việt Nam. Ở thời điểm ông chịu nhiều sức ép nhất, các vấn đề cũng bộc lộ rõ nhất.

Có những sức ép chính đáng và cũng có những sức ép quá đáng. Chính đáng là đội tuyển cần phải chơi có đường nét, có lối chơi mang bản sắc. Còn không chính đáng là có cả quan chức VFF đòi ông phải ra đi trong khi hợp đồng vẫn còn tới tháng 4/2016.

Dù ông tự nhấn mạnh là phát ngôn nhân danh cá nhân, nhưng bầu Đức không thể giấu được cả những đứa trẻ rằng ông hiện là Phó Chủ tịch VFF. Gây sức ép dạng này là chuyện chưa từng có ở Việt Nam và có lẽ là trên thế giới.

Những sức ép đã khiến ông Miura thay đổi, từ bỏ triết lý quen thuộc. Từ chỗ luôn tìm cách bảo vệ sự thực dụng tới mức xấu xí sau khi đã tạo nên một đội tuyển Việt Nam lạ lẫm, nay ông chuyển sang xây dựng một đội tuyển quan tâm đến chuyện chơi bóng, nhưng ông lại chưa thể hoặc không biết cách làm cho hiệu quả.

Rõ ràng nhất là 2 trận đấu gần đây: Hoà 1-1 với Iraq và thua 0-3 trước Thái Lan cùng trên sân Mỹ Đình. Đội tuyển đã chơi bóng ở Mỹ Đình trước Iraq có danh tiếng nhưng thực tế không còn mạnh như năm 2007. Ông Miura thậm chí đã thay đổi tới mức vẫn duy trì một đội hình nghiêng về công ngay cả khi đội tuyển Việt Nam dẫn bàn. Nửa cuối hiệp 2 đội tuyển vẫn đá với 3 mũi công trong đó có Công Vinh (đá từ đầu) và Công Phượng (vào thay người), gây sức ép với đối thủ ngay bằng tuyến đầu. Nhưng việc những phút cuối ông vẫn để các cầu thủ tổ chức phản công với số đông là một sự mạo hiểm, nếu không muốn nói rằng những HLV kinh nghiệm thường không xử lý như thế.

Có thể rằng nếu Công Vinh ghi được bàn thứ 2 với cơ hội đối mặt thủ môn ở phút 87 thì kết quả là mỹ mãn. Nhưng bóng đá là như vậy, chữ nếu không tồn tại, và HLV Mourinho từng định nghĩa rằng "trong bóng đá, gần như (almost) là không gì cả". Đó là còn chưa nói tới việc, giữ lại Công Vinh tới hết trận đã khiến cầu thủ này kiệt sức, xử lý hàng loạt các tình huống không chuẩn.

Tới trận đấu với Thái Lan, các vấn đề đã được bộc lộ rõ hơn từ quá trình chuyển hướng này. Việc ông Miura phê phán các cầu thủ đã chơi bóng dài là không tuân thủ chiến thuật đấu pháp là bằng chứng nữa của ý đồ chuyển đổi. Sau cả một năm chỉ có dư luận, truyền thông chỉ trích lối chơi bóng dài thì nay chính ông đã phê phán nó. Nhưng để đội tuyển chơi bóng theo cách mong muốn trước một đối thủ cỡ Thái Lan vốn có trình độ nhỉnh hơn, rất hiểu Việt Nam, lại át vía thì không đơn giản. Nó cần có một HLV tài năng và xây dựng đội tuyển qua quá trình công phu và có phương pháp.

Như năm 2008, ông Calisto đã chọn những cầu thủ phù hợp với lối chơi tầm thấp, tốc độ, rồi mất tới hơn nửa năm qua nhiều đợt tập trung để gò họ theo cách chơi đó. Ông chấp nhận nghe chúng ta chỉ trích (do chúng ta cũng chưa hiểu ý đồ của ông), và chờ tới khi may mắn đồng thời có điểm rơi phong độ, đội tuyển đã trình diễn thứ bóng đá rất Latin, thậm chí được truyền thông Singapore ví như là cách chơi của Arsenal.

Ở thời điểm quyết định, một số trận đấu của đội tuyển cũng được ông Calisto lên phương án chiến thuật hợp lý, và trong đó có trận thắng Thái Lan ở Bangkok. Khi ấy, ông đưa Công Vinh lệch sang cánh trái, để khoét vào vị trí hậu vệ cánh phải hay lên tấn công của Thái Lan.

Kết quả như chúng ta đã biết, Thái Lan khi đó nếu đếm từng vị trí là vượt trội so với Việt Nam trên cả 3 tuyến, đã thua chúng ta sau 2 lượt chung kết AFF Cup 2008.

Còn ông Miura? Các cầu thủ bị ông chỉ trích vì chơi tự phát và thối chí ngay sau bàn thua đầu, nhưng còn là do ông xếp sơ đồ 3-5-2 mà không ai trong số 3 trung vệ đủ đẳng cấp để đảm đương; sử dụng 2 tiền vệ trẻ; trong khi ông chưa huấn luyện cho họ đủ kỹ lưỡng để có thể phát huy sức mạnh 2 cánh, để chơi bằng cách cầm bóng và tấn công đường hoàng.

Câu hỏi đặt ra là liệu cho ông Miura thêm thời gian thì ông có tổ chức lại được đội tuyển, chọn lại nhân sự, huấn luyện có phương cách sao cho sự thay đổi phong cách của đội tuyển cũng đạt được kết quả tích cực?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc lại câu trả lời của ông Miura năm ngoái rằng, "triết lý chơi bóng có kiểm soát đã không còn phù hợp với bóng đá thế giới" sau khi ông lấy ví dụ Bayern Munich và Barca ở châu Âu năm 2014.

Một HLV đã tu nghiệp hàng năm trời để các đội bóng của ông chơi thứ bóng đá trực diện gồm nhanh, dài, khoẻ thì quả là rất khó để xây dựng huấn luyện và vận hành một triết lý bóng đá khác phức tạp hơn, công phu hơn.  

Nếu ai vẫn yêu thích con người ông Miura, hãy để ông tiếp tục tu nghiệp ở đâu đó thêm vài năm nữa, rồi khi đó mời ông trở lại Việt Nam. Còn bây giờ, chiếc ghế HLV các đội tuyển Việt Nam là khá lớn so với ông!

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm