U23 Việt Nam: 'Thân ở Qatar, đầu hướng Nhật Bản'

24/12/2015 11:39 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Sau Tuấn Anh đạt được hợp đồng với CLB Yokohama (theo dạng cho mượn – trao đổi cầu thủ), đến lượt Công Phượng ký với Mito Hollyhock, một đại diện tại J-League 2 khác. Và ngày 28/12 tới, thêm Xuân Trường đến Incheon FC, ở K-League.

Trong một diễn biến khác, cửa "hồi hương" của HLV Miura theo dự báo cũng rất lớn. Dự là muộn thì đến tháng 4/2016 (thời điểm đáo hạn hợp đồng), còn nếu sớm hơn, có thể ngay sau VCK U23 châu Á ở Qatar (1/2016).

Thân một nơi, đầu một nẻo

Không thiếu các viện dẫn cho thấy, những đợt tập trung ĐTQG đá giải khu vực hoặc châu lục, vào thời điểm cuối năm, thường không thu lại kết quả tốt, cũng là do lòng quân tản mác. Đây là thời điểm giao mùa, với rất nhiều các trường hợp cầu thủ có chút thương hiệu nhưng lại chưa định sẵn được tương lai, nên thường có xu hướng giữ chân giữ cẳng, chờ một bản hợp đồng mới. Thân làm tướng thừa biết tâm lý này, nhưng cũng bất lực và Miura cũng chẳng là ngoại lệ với U23 đang chuẩn bị cho VCK giải U23 châu Á 2015.

Với các trường hợp của Tuấn Anh, Công Phượng và thậm chí cả Xuân Trường, họ có thể đã yên tâm với bản hợp đồng (cho mượn hoặc trao đổi) vừa đạt được với các đội bóng ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng khó đảm bảo họ sẽ đá hết chân tại Qatar tới đây, bởi một chấn thương nặng hoàn toàn có thể xảy ra khi đối đầu với các đối thủ lớn. Tình huống xấu mà xảy ra thật, nó có thể làm phá sản những kế hoạch – kỳ vọng lớn của ông chủ Đoàn Nguyên Đức và của chính các cầu thủ ở chuyến Đông du.


Công Phượng chuyển sang thi đấu cho Mito Hollyhock ngay sau VCK U23 châu Á 2016. Ảnh: J-League

Trong khi đó, phần lớn chúng ta đều ngầm hiểu rằng, VCK U23 châu Á tại Qatar tới đây sẽ là giải đấu lớn cuối cùng của HLV Toshiya Miura với các ĐTQG Việt Nam. Nó có thể là cơ hội tốt để thuyền trưởng người Nhật Bản khẳng định năng lực cầm quân và phản biện lại phần lớn những quan điểm chống lại ông. Nhưng, khả năng thành công là rất thấp. Ở chiều ngược lại, ông Miura sẽ chơi "canh bạc tất tay", và khi sự đổ vỡ xảy ra, lúc ấy ông cũng chẳng có gì phải hối tiếc.

Trong quá khứ, cựu HLV Alfred Riedl đã tự mình đặt vé máy bay từ Bangkok (Thái Lan), trở về cố hương nước Áo, ngay sau trận thua U23 Myanmar ở bán kết SEA Games 24 (Nakhon Ratchasima 2007), sau khi đã đạt được thoả thuận miệng với VFF về khoản đền bù thiệt hại (cách chức). Trở về sau SEA Games 26 (Jakarta, Indonesia 2011), vì sức ép của công và dư luận, một HLV châu Âu khác là Falko Goetz thậm chí đã bị cho thôi việc, khi đang trong kỳ nghỉ Giáng Sinh ở nước Đức, quê ông.

Điều gì đang chờ đợi HLV Toshiya Miura và các học trò của ông ở Qatar tới đây? Chắc chắn là những đối thủ lớn, những trận đấu khó nhọc nhất sự nghiệp cầm quân của Miura và sẽ lại thêm một cuộc bể dâu nữa xảy ra, đề nền bóng đá mang thêm những vết thẹo?!

Phản ứng phụ của “thần dược”

Nếu như Falko Goetz được Ban chấp hành VFF khoá cũ giới thiệu là HLV có bản CV đẹp nhất từng tìm đến dải đất hình chữ S hành nghiệp, thì Toshiya Miura chỉ có một lý lịch trích ngang rất mỏng. Sự nghiệp huấn luyện, ông Miura chỉ làm những đội bóng yếu, chơi ở giải hạng thấp và trước khi đến Việt Nam, thuyền trưởng của chúng ta làm nghề BLV bóng đá suốt 5 năm. Trước đó, thời trai trẻ, ông Miura vốn dĩ cũng không phải là một cựu cầu thủ, từng chơi bóng chuyên nghiệp.

HLV Miura được tiến cử với VFF cùng với rất nhiều gói “ODA bóng đá” trong chương trình hợp tác toàn diện của 2 Liên đoàn bóng đá quốc gia.  Trước HLV Miura, chúng ta cũng từng có các Trưởng giải V-League (hoặc Cố vấn riêng của Chủ tịch HĐQT VPF, đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia – PV) là người Nhật Bản. Sau ông Miura, VFF mời thêm một HLV Nhật khác cầm đội tuyển nữ, ông Norimatsu Takashi vừa bị... chấm dứt hợp đồng!

Dài dòng như thế để thấy rằng, chuyên môn không phải là điều đầu tiên mà các "ông chủ" VFF quan tâm, khi quyết định đặt bút ký vào bản hợp đồng thời hạn 2 năm với Toshiya Miura. Trong quá khứ, cũng hiếm khi nào chúng ta chỉ ký 2 năm với thuyền trưởng các ĐTQG (thường là 3 năm). Và nữa, với Toshiya Miura, VFF gần như không giao bất cứ chỉ tiêu cụ thể nào cho các ĐTQG, khi tham dự các giải đấu cấp khu vực hoặc châu lục. Đấy cũng là một chi tiết rất lạ.

U23 Việt Nam như đi trên băng mỏng

U23 Việt Nam như đi trên băng mỏng

Hôm qua, thầy trò HLV Toshiya Miura đã bước vào ngày lao động thứ hai trên sân Gò Đậu (Bình Dương) trong chuyến tập huấn sau cùng trước khi lên đường sang Qatar dự vòng chung kết U23 châu Á năm 2016.


Bản hợp đồng thời hạn 2 năm hoàn toàn không mang tính lâu dài và việc VFF không giao chỉ tiêu cụ thể cho HLV trưởng, cũng như các đội bóng do ông Miura dẫn dắt, cũng chẳng phải để hướng tới điều gì đó xa hơn ở thì tương lai, mà đơn giản, đó là một cách giảm thiểu thiệt hại. Thường trực VFF dù thiếu chuyên môn đến mấy, cũng phần nào thẩm định được năng lực cầu quân của HLV mà mình thuê, chứ không phải chỉ biết đặt bút ký như nhiều người vẫn nghĩ. Giá cả cũng phải chăng.

Khi chúng ta xem nhẹ các giá trị chuyên môn cốt lõi, rõ ràng là chấp nhận kiểu được chăng hay chớ. Với HLV Toshiya Miura đã thế, song nhìn vào cách ông thầy người Nhật Bản xây dựng bộ khung các ĐTQG, giật gấu vá vai, cũng như chiến thuật vận hành (không rõ ràng)…, mới cho thấy, một phản ứng phụ khác mang tính dây chuyền. Non 1/3 đội hình tập U23 tập trung ban đầu bị trả lại “nơi sản xuất” vì chấn thương, HLV Miura cũng đôn bằng chừng ấy cầu thủ từ tuyến dự phòng.

Khi bạn chỉ là phương án 2, hoặc 3, tức là thứ yếu, khó thể đòi hỏi chất lượng như loại 1 được. HLV Alfred Riedl ở SEA Games năm 2007 hay Henrique Calisto tại AFF Cup 2010, đã phải than trời vì các ca chấn thương của hàng loạt những trụ cột, khi đội bóng đã vào giải và đi đến các trận cầu quyết định. Ông Miura có thể may mắn hơn, khi ông vẫn còn đủ thời gian để thay thế, làm mới, với mỗi trường hợp chấn thương nặng xảy ra. Ơn trời, bóng đá Việt Nam đang khá dư dả tài năng trẻ.

Vẫn còn khoảng hơn 3 tuần nữa, U23 Việt Nam mới đá trận đầu tiên ở VCK giải châu Á. Thành bại coi như đã đoán trước được rồi và đến lúc đó, chúng ta cũng chẳng cần phải kêu ca rằng bởi, tại, thì, là, mà...

Theo chẩn đoán của các bác sỹ, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh sẽ phải cần ít nhất 1 tuần nữa để có thể trở lại tập luyện bình thường, với chấn thương bên gối phải.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của cầu thủ này với Thể thao & Văn hoá cuối tuần, chấn thương có thể không nghiêm trọng (chỉ do va chạm – lời Tuấn Anh) và nó xảy ra ở bên gối phải, chứ không phải là tái phát của cái gối trái, vốn từng phải phẫu thuật cách đây vài năm. Đấy cũng là thông tin đáng mừng hiếm hoi.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm