09/11/2014 10:19 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Trong lịch sử các CLB bóng đá Việt Nam, Thể Công và SLNA là 2 tên tuổi giàu truyền thống bậc nhất. Ngày Thể Công giải thể, đã có rất nhiều sự day dứt, tiếc nuối, bởi cái tên ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người hâm mộ bóng đá nước nhà một cách bền bỉ.
Bây giờ đến lượt SLNA, một đội bóng giàu truyền thống và bản sắc, đang đứng trước một khó khăn khá nghiêm trọng. Trên thực tế, SLNA đã phải tồn tại theo kiểu cầm cự trong thời gian dài. Nếu đội bóng xứ Nghệ không cầm cự nổi để giải thể thì sao?
Sẽ có nhiều CĐV SLNA có thể không nghĩ đến thảm họa đó, nhưng việc SLNA không thể cầm cự nổi trong cơn khó khăn kinh tế và từ tướng đến quân giỏi đều phải tha hương, thì nguy cơ phải giải thể là hoàn toàn có thể xảy ra. Kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên, vòng xoáy kim tiền đã nhấn chìm hàng loạt CLB tên tuổi lẫy lừng, nên không gì là không thể.
Ngay cả Thể Công hơn nửa thế kỷ thành lập và tồn tại, là một tượng đài, có lượng fan đông đảo, đặc biệt sau lưng họ còn có sự hậu thuẫn của nhiều thành phần, tổ chức, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận giải thể. Sự biến mất của tên tuổi Thể Công khiến nhiều người ngạc nhiên, tiếc nuối, dẫn tới sự hạ nhiệt đáng kể tình yêu bóng đá của người dân Thủ đô trong một thời gian dài.
Thực tế, ngay cả khi cái tên Thể Công đã không còn thì đến nay nhiều người Hà Nội vẫn thích hoài cổ. Sự biến mất của CLB Thể Công là một sự mất mát là quá lớn, không chỉ với người hâm mộ Thủ đô, mà với cả tiến trình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Không chỉ đội bóng áo lính, hàng loạt tên tuổi lẫm liệt khác như CA Hà Nội, CA TP.HCM, Hải Quan, Cảng Sài Gòn…lần lượt đi vào quên lãng. Hay mới đây, cái nôi và là niềm tự hào của bóng đá miền Tây, một lò bóng đá nức tiếng như Đồng Tháp vì không đủ kinh phí hoạt động đành chấp nhận từ bỏ cuộc chơi chuyên nghiệp.
Rất nhiều ví dụ điển hình như thế để nói rằng, CLB SLNA đang tiềm ẩn nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng thực sự. Bóng đá chuyên nghiệp không tiền, sống trong cảnh “giật gấu vá vai” rất ngột ngạt, khốn khổ. 14 năm lên chuyên, thực sự nhiều lần người hâm mộ cảm thương trước cảnh đội bóng xứ Nghệ chật vật với bài toán kinh phí.
Kinh phí bó hẹp khiến việc đưa đội bóng vượt giới hạn là vô cùng khó. Cầu thủ mất tập trung khi các CLB khác tung tiền chèo kéo, đến mức Hội CĐV phải hiệu triệu quyên góp tiền để giữ chân cầu thủ.
Người Nghệ sống trọng nghĩa tình, các tài năng như Trọng Hoàng, Công Vinh… hay bất kỳ cầu thủ xứ Nghệ nào khác cũng vậy, họ đều rất muốn cống hiến hết mình cho bóng đá quê hương. Nhưng tình cảm với quê hương không thể là sợi dây bền chặt để họ mạo hiểm dành trọn sự nghiệp cầu thủ ngắn ngủi, nhiều rủi ro của mình cho SLNA trong bối cảnh bóng đá ít tiền.
Và khi họ ra đi tạo dựng được sự nghiệp, có tiền tài, có xe, có nhà cửa đầy đủ, nó tạo ra sức hút ghê gớm với các lớp cầu thủ đàn em. Đương nhiên, một mai trưởng thành, tạo dựng được thương hiệu, trước sự chèo kéo của các đội bóng nhà giàu, với những khoản lót tay hậu hĩnh, làm sao các em có thể chối từ.
Cứ với cái đà ấy, rõ ràng SLNA không thể là bến mơ cho những người giàu khát vọng, muốn có một sự nghiệp hoành tráng. Thời gian qua, nhiều thế hệ cầu thủ trẻ xứ Nghệ gieo niềm tin vào một ngày mai tươi sáng khi còn Hữu Thắng, ông Hồng Thanh. Giờ HLV Hữu Thắng chia tay SLNA, biểu tượng lớn cuối cùng không thể tiếp tục đồng hành cùng bóng đá xứ Nghệ, đó là lời cảnh báo đầy sức nặng cho những người làm bóng đá nơi đây.
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất