13/03/2016 06:07 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Dửng dưng, thậm chí có chút khinh khi là tâm trạng chung của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bóng đá TP.HCM, khi đón nhận thông tin CLB Hà Nội sẽ chuyển hộ khẩu vào TP.HCM trong nay mai.
Bài học chưa ráo mực
Trong chương trình “talk show” Đội tuyển tôi yêu (phát trên K+), MC – BLV Lý Chánh bất ngờ đặt câu hỏi với PV Thể thao & Văn hoá, rằng chúng ta có niềm tin CLB Hà Nội sẽ được yêu lại từ đầu tại Sài Gòn không, hay… Lý Chánh bỏ lửng câu hỏi, nhưng không khó để nhận ra ẩn ý, bởi lịch sử mới chỉ là hôm qua thôi.
Khi CLB TP.HCM (tên gọi tiền thân là TMN.CSG và Cảng Sài Gòn) xuống hạng Nhất, rồi hạng Nhì, lãnh đạo HFF khi ấy là ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định, TP.HCM không thể là vùng trắng V-League được. Năm 2010, QK4 được kéo về với phiên hiệu mới Navibank Sài Gòn. Một năm sau, Hoà Phát V&V thành XMXT Sài Gòn…
HLV Đức Thắng và tiền vệ Ngọc Duy đều là biểu tượng của bóng đá Thủ đô dù họ trưởng thành từ lò Thể Công, sẽ di cư vào TP HCM? - Ảnh: VSI
Vào thời điểm đó, người hâm mộ bóng đá TP.HCM nói chung không phản ứng gì thái quá, cũng không ủng hộ kiểu cờ bay phần phật. Nhưng bằng với thời gian, dù người trong cuộc đã rất nỗ lực, thì một sự thật không thể chối cãi, đấy là sự thất bại và thất vọng của tất cả. Không có tình yêu được gầy dựng, thì không có sự phản bội.
“Tôi đã phải trả một khoản học phí quá đắt sau 3 năm làm bóng đá. Con số 365 tỷ đồng có thể không là gì với một doanh nghiệp cỡ bự, nhưng nếu đó là tiền túi, thì quả rất đáng bàn. Tôi quyết định rút lui vì thấy mình không hợp và không thuộc về bóng đá”, cựu chủ tịch Navibank Sài Gòn, Nguyễn Vĩnh Thọ chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.
Cũng tựa như Navibank Sài Gòn, bầu Thuỵ (Nguyễn Đức Thuỵ) cũng đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của sắm sao, biến XMXT Sài Gòn trở thành một thế lực thực sự, khi còn tham gia giải hạng Nhất 2011. Nhưng đội bóng sau năm lần bảy lượt thay đổi phiên hiệu, vẫn không thể lấy được tình yêu của người hâm mộ.
“Không chỉ bóng đá, tôi đã mang cả âm nhạc, hội hoạ đến sân Thống Nhất để phục vụ bà con. Song tôi không hiểu sao mọi người vẫn không xem XMXT Sài Gòn là đứa con tinh thần. Giờ mình không làm bóng đá nữa, kể nói gì ra cũng khó. Nhưng, quãng thời gian 3 năm gắn bó với bóng đá nơi này cho tôi những trải nghiệm quý báu”, ông Thuỵ nói.
Kể từ khi doanh nghiệp bắt tay vào bóng đá, chuyện ghép tên hay thay đổi phiên hiệu trở nên quá đơn giản. Nhưng việc chuyển đổi chủ sở hữu và đặc biệt là di dời đội bóng từ địa phương này qua địa phương khác, rất nhức nhối. Nó tạo nên những vết thẹo và bằng với thời gian, trở thành những dị tật của nền bóng đá, cũng như các giải đấu.
Trở lại vấn đề mà chúng ta bàn đến ở đầu bài viết, nếu lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, thì khả năng thành công hay ít nhất là được yêu mến của CLB Hà Nội khi chuyển khẩu vào TP.HCM (với tên gọi mới dự kiến là Sài Gòn FC) là rất thấp, thậm chí không thể. Miễn cưỡng hay gượng ép thường không mang lại hạnh phúc.
Tình yêu không mua được bằng tiền
Người sống ở TP.HCM, dù là người Gia Định hay thập phương, vẫn thừa nhận một thuộc tính của mảnh đất này, đấy là sự bao dung, đồng hoá. Sài Gòn tự bản thân nó trở thành một thành phố đáng sống bậc nhất, trong quá khứ cũng như hiện tại, bởi sự chân phương, mộc mạc, mà chỉ những ai từng sinh sống, làm việc ở đây mới hiểu.
Nhưng, bóng đá là một phạm trù dị biệt. Hơn một thập niên, kể từ khi cái tên cuối cùng có xuất xứ Sài Gòn, CLB TMN.CSG bị xoá sổ, đổi thành CLB TP.HCM, người dân nơi này vẫn còn nặng nợ với những thương hiệu cũ như Hải Quan, Công an TP.HCM hay Công nghiệp Thực phẩm… Đó là lý do cơ bản, khiến họ rất e dè với những đội bóng nhập khẩu.
Phải, bóng đá có những lý lẽ riêng, liên quan đến niềm tin, tình yêu, các yếu tố được gầy dựng bằng thời gian, lịch sử và tính bản địa, vùng miền. Nếu như không phải Manchester United hay Barcelona đến đây rửa mắt, thì không thể bắt một người dân phải cổ vũ cái tên lạ hoắc, chẳng có chút quan hệ hữu cơ nào cả. Thật!
Cũng trong chương trình Đội tuyển tôi yêu, nhà báo Đỗ Tuấn của báo Bóng đá chia sẻ rằng, ngoài mối bận tâm liên quan đến yếu tố khán giả, người hâm mộ, mà những người làm bóng đá phải đặc biệt lưu ý, thì họ cũng cần phải lắng nghe tâm tư, tình cảm của chính các cầu thủ, cũng như BHL đội bóng, khi có ý định di dời.
“Nhiều cầu thủ và cả các HLV của CLB Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, họ thực sự cảm thấy rất buồn và bất an, khi bỗng nhiên sau một đêm thức giấc, thấy mình ở nơi xứ lạ quê người, không người thân bên cạnh. Tôi nghĩ các ông chủ đội bóng phải quan tâm đến vấn đề này, chứ không chỉ biết ra lệnh”, nhà báo Đỗ Tuấn nói.
Ở một cái nhìn lạc quan hơn, cựu danh thủ thế hệ vàng – HLV Trần Minh Chiến cho rằng, ông thực sự rất nhớ bầu không khí sân Thống Nhất vào mỗi cuối tuần. “Chúng ta không nên keo kiệt và sống bằng hào quang quá khứ mãi như thế. Cần phải hướng về tương lai và việc TP.HCM có một CLB ở V-League là điều đáng mừng”, Minh Chiến chia sẻ.
Cũng theo Trần Minh Chiến, bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá tại các thành phố lớn, đã thay đổi rất nhiều, kể từ khi cơ chế chuyên nghiệp mở ra. Trước, thời Chiến còn thi đấu, ngoài các cô gái tuổi ô mai, thì cả khu phố thậm chí là cả phường mà anh sinh sống ùn ùn kéo đến sân cổ vũ, nhưng bây giờ cảm giác ấy gần như không còn tồn tại.
Một lần nữa chúng ta lại phải trở lại với yếu tố vùng miền, bản địa. Một đội bóng được yêu mến, cần điều kiện cần là nó phải thuộc về nơi đó. Thêm điều kiện đủ là cộng đồng người địa phương, các CĐV phải có tiếng nói quan trọng trong các kế hoạch của đội bóng. Ở Việt Nam, khái niệm này khá xa xỉ, với ngay cả SLNA hay FLC Thanh Hoá.
Thậm chí ngay tại Thủ đô, các CLB Hà Nội hay Hà Nội T&T vẫn phải mọi cách đi tìm kiếm người hâm mộ mà sân Hàng Đẫy vẫn lạnh. Đâu phải cứ đá hay, đá đẹp là được yêu. Kinh đô bóng đá một thời như Hải Phòng, thứ tình cảm thiêng liêng này cũng nguội rồi.
Người hâm mộ họ luôn có lý lẽ của mình!
“Chuyện chuyển đổi như vậy, tôi không có thắc mắc gì về tư cách CLB, nhưng tôi bận tâm đến việc VFF và VPF xử lý tình huống này như thế nào. Chúng ta đang xây dựng một cơ chế chuyên nghiệp thực thụ, hay một giải đấu phong trào kiểu hợp tác xã. Đây đâu phải bóng đá chuyên nghiệp. Tôi nghĩ HFF cũng phải lên tiếng, họ có quyền từ chối chứ, để tập trung chăm sóc CLB TP.HCM lên chuyên. Có quá nhiều những bể dâu rồi và tôi không tin CLB Hà Nội sẽ được chào đón ở TP.HCM”, chủ tịch Hội CĐV VFS, Trần Hữu Nghĩa. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất