24/10/2018 08:56 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Không một tuyển thủ Quốc gia nào khi lên Tuyển, dám tuyên bố rằng mình đủ giỏi rồi và không cần học nữa. Cuộc chạy đà cho AFF Suzuki Cup 2008, rất nhiều cầu thủ đã ngỡ ngàng và thậm chí “bỏ mứa” giáo án tập thể lực với bóng trong những games thi đấu ở tốc độ cao, với không gian hẹp.
Sỹ Mạnh không ít lần chống nạnh thở dốc, trong khi Ngọc Thanh không thể tìm được tiếng nói chung với HLV Henrique Calisto, còn Huy Hoàng bất mãn “đào ngũ”, cố trung vệ Đình Phước cũng xin rút lui. Gần 30 cầu thủ tập trung từ những ngày đầu tiên, Quang Hải và Thành Lương, Phước Tứ là những tân binh. Vì là tân binh và thực tế cũng chưa mấy tiếng tăm ở V-League, nên họ cố nuốt trọn giáo án và trụ lại được đến ngày đăng quang.
Trong số các học trò của HLV Calisto năm ấy, Việt Thắng và Tài Em là bất khả xâm phạm. Ngoài mối quan hệ cá nhân từ cấp CLB, họ cũng là những người đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của HLV Calisto. Dù chỉ có đội trưởng Minh Phương được đặc cách, bởi lối đá của Phương không thiên vào sức. Phù thủy người Bồ Đào Nha biết dùng Phương vào thời điểm nào, để phát huy tác dụng. 2 trận chung kết với Thái Lan, Phương đều không vào sân ngay từ đầu, nhưng vẫn là người hùng.
Mỗi HLV đều có một triết lý huấn luyện không giống nhau. Chúng ta trở lại với vấn đề đã đề cập ở đầu bài viết: Tập thể lực với bóng. Đây là một khái niệm tương đối mới mẻ với bóng đá Việt Nam, trước và thậm chí là sau triều đại Henrique Calisto. Đến năm 2012, trợ lý HLV Hoàng Anh Tuấn và chuyên viên thể lực Dyland Kerr vẫn đưa vào giáo án của đội tuyển Việt Nam các cữ chạy biển, trong quá trình tiến tới AFF Suzuki Cup trên đất Thái Lan. Trong số rất nhiều các thành viên ưu tú của đội tuyển Việt Nam, từng nâng cao chức vô địch Đông Nam Á năm 2008, trung vệ Vũ Như Thành có thể nói là ưu tú bậc nhất. Toàn bộ hệ thống phòng ngự ở giải năm đó, Như Thành mặc sức chỉ huy. Việc Thành “kếu” chỉ về nhì trong cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân Quả bóng Vàng Việt Nam 2008, với cá nhân anh, đấy thực sự là một bất công.
Chuyện kể cũng cũ rồi. “Nhân bất học bất tri lý”, đặc biệt là khi một số người mang tư tưởng tự mãn, rằng mình đủ giỏi để làm điều mình muốn. Đó là lý do đội tuyển Việt Nam đã sụp đổ ở Bukit Jalil, trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010. Kiêu binh tất loạn. HLV Calisto rời ghế lái trưởng không kèn, cũng không trống, hệt như người tiền nhiệm Alfred Riedl năm 2007. Đến sau này, ông Tô vẫn nói với báo giới rằng, ông chia tay dải đất hình chữ S là do thất vọng với cách ứng xử của VFF. Thực tế, từ SEA Games 2009 đến AFF Suzuki Cup 2010, HLV Calisto luôn cố gắng bảo vệ các học trò. Bằng mọi giá.
Những bài học kinh nghiệm của tiền nhân, quả là rất có giá trị với những người kế nhiệm. HLV Park Hang Seo có lẽ chưa từng (và cũng không mong) trải qua những thời khắc nặng nề như thế. Việc giữ an lòng quân sau những chiến tích, những tung hô, quả là một công đoạn không đơn giản. Đấy là chưa kể, các ông chủ của Park Hang Seo đang muốn đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018 bằng mọi giá.
Trước thềm SEA Games 24 năm 2007 ở Korat, Thái Lan, nguyên chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nói rằng, không vô địch lúc này còn đợi đến bao giờ. Các kỳ SEA Games 2015 - 2017, hình như phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Đoàn Nguyên Đức, cũng nói thế. Trước đó, chủ tịch Lê Hùng Dũng thậm chí còn chắc nịch: Lứa cầu thủ này sẽ đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup 2018. Đúng là vài cầu thủ đến Nga hồi mùa Hè thật, nhưng là để quảng bá cho một nhãn hàng bia của nước ngoài. Ông Park vì thế cứ bình tĩnh!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất