22/11/2019 15:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hôm nay, thầy trò ông Park lên đường sang Manila (Philippines) để bước vào một guồng quay mới mang tên SEA Games. Đó sẽ là hành trình mà cái đích chinh phục không gì khác hơn ngoài việc giành tấm HCV môn bóng đá nam. Đó cũng là nhiệm vụ, mục tiêu và khát khao còn dang dở đã tròn 60 năm.
Tấm HCV 60 năm trước và những lần vào chung kết SEA Games
Ngay ở kỳ Đông Nam Á vận hội đầu tiên (khi ấy mang tên SEAP Games - Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) năm 1959, đội tuyển miền Nam với một thế hệ những danh thủ lẫy lừng Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Tư, Đỗ Thới Vinh... đã giành được tấm HCV danh giá nhất.
Ngày đó, chúng ta có vàng sau khi đánh bại chính chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết. Thấm thoát đã tròn “60 năm cuộc đời”, với 29 kỳ Đại hội vắt qua 2 thế kỷ, bóng đá Việt Nam vẫn phải đi trên con đường tìm vàng SEA Games thêm lần nữa. Trong hành trình đó là cả những đau đáu, những dở dang và những lần bước hụt.
Đã bao kỳ SEA Games đến rồi đi trong kỳ vọng rồi thất vọng, trong đợi chờ rồi tiếc nuối. Trong 60 năm ấy, bóng đá miền Nam có thêm 2 lần vào chung kết (1967 và 1973) nhưng đều chịu thua khít khao Myanmar (hồi đó người Miến trình độ ở tầm châu lục).
Gần 30 năm trước 1991, ngày bóng đá nước nhà chính thức hội nhập trở lại đấu trường khu vực cũng chính ở Philippines. 30 năm đó, chúng ta có thêm 5 lần đi đến trận cuối cùng (1995, 1999, 2003, 2005 và 2009).
Tất cả đều chỉ có “bạc” với bàng bạc những nỗi niềm. Trong 5 lần lỡ hẹn ấy có 2 trận chung kết mà thế hệ của Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh, Lê Quốc Vượng rồi Nguyễn Trọng Hoàng, Phạm Thành Lương, Phan Thanh Hưng đã đến rất gần với tấm HCV nhưng lại để vuột mất. Vuột mất trong đau đớn, trong tiếc nuối và trong cả những dấu hỏi vì sao còn để lại dư chấn mãi về sau này.
Chung kết SEA Games 2003 trên sân nhà Mỹ Đình khi Văn Quyến đã kịp gỡ hòa ở phút bù giờ cuối cùng, nhưng U23 Việt Nam lại thua Thái Lan trong hiệp phụ bởi bàn thắng của Nataporn.
Bacolod (Philippines) năm 2005, vẫn thua Thái Lan 0-3. Quyết tâm trở lại khi mà lứa cầu thủ năm 2003 đã già thêm 2 tuổi và vào độ chín nhưng thêm một lần, chúng ta phải nhận trái đắng. Nó không chỉ đắng với việc thua Thái Lan, mà còn để lại dư vị đắng chát khi hàng loạt cầu thủ đã có “vết gợn” trong sự nghiệp của mình.
Một kỳ SEA Games đáng quên và cũng từ giải đấu này, HLV Riedl được gọi tên biệt danh "Vua về nhì". Bacolod - thành phố nụ cười nhưng không có nụ cười cho chúng ta.
SEA Games 2009 trên đất Lào, trận chung kết mà sân đấu chỉ tuyền màu cờ đỏ sao vàng. Cứ tưởng đã cầm vàng trong tay khi gặp lại đối thủ Malaysia mà chúng ta thắng dễ ở vòng bảng.
Vàng lại rơi trong ánh mắt thẫn thờ của tất cả từ cầu thủ đến khán giả Việt Nam lặn lội sang Lào. Trung vệ Mai Xuân Hợp phản lưới nhà khi trận đấu chỉ còn 5 phút. Thủ môn Bùi Tấn Trường ôm tay đau đớn mà vẫn gắng gượng bắt.
HLV Calisto lao vào Tấn Trường với ánh mắt giận dữ cùng cái bóp cổ. Về sau, nhiều người cho rằng ông Calisto chỉ muốn xốc lại tinh thần cho cậu học trò. Cho đến hôm nay, sau 10 năm, đó vẫn là những hình ảnh đầy ám ảnh. Đó cũng là lần gần nhất, bóng đá nước nhà vào chơi trận chung kết SEA Games.
Nhớ về những năm trước đó nữa trong những tháng ngày mới trở lại hội nhập sân chơi khu vực. Chung kết SEA Games 18 năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), đội tuyển Việt Nam thua 0-4 trước đội chủ nhà.
Thế hệ “vàng” của bóng đá nước nhà thời điểm ấy với những cái tên như Đỗ Khải, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Hồng Sơn... Dù thua đậm đội chủ nhà nhưng tấm HCB là thành tích vượt ra ngoài tưởng tượng của người hâm mộ. Đó là lý do mà tất cả đều ăn mừng cứ như thể họ đã vô địch.
Chung kết SEA Games 20 năm 1999 tại Brunei, cũng lại thua Thái Lan 0-2. Thế hệ vàng son của bóng đá Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl một lần nữa không thể vượt qua người Thái.
Đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 giành HCB SEA Games sau khi để Thái Lan ghi 2 bàn nhờ các cú sút xa của Dusit và Thawatchai trong trận đấu quyết định. Đó cũng là lần cuối cùng bóng đá SEA Games dành cho cấp độ ĐTQG. Sau ngày đó, thế hệ cầu thủ tài danh này cũng lần lượt giã từ sự nghiệp.
Từ Kỷ Hợi (1959) cho đến Kỷ Hợi (2019) có trọn vẹn một giấc mơ hoa!?
Ông Park cùng học trò vừa hoàn tất những trận đấu trong năm ở vòng loại World Cup. Sân chơi World Cup là giấc mơ lớn và chúng ta đang lần đi từng bước cho giấc mơ đó.
ĐTQG và cả cấp độ bóng đá trẻ trong 2 năm qua chúng ta đã có ngôi vô địch AFF Cup, tạo ra tiếng vang lớn ở sân chơi tầm châu lục nhưng SEA Games vẫn phải cái đích hướng đến với mục tiêu không gì khác ngoài tấm HCV.
Ừ thì có thể SEA Games như những ý kiến trái chiều đưa ra đó chỉ là “ao làng” cần gạt bỏ sang một bên. Đừng quên cái gọi là “ao làng” đó chúng ta vẫn chưa hiện thực được mục tiêu bao năm.
Nói gì thì nói, không thể và không dễ để bỏ qua khi bây giờ trên những nhìn nhận cơ hội của chúng ta gần hơn và rõ ràng hơn bao giờ hết. Ông Park cũng đã hiểu rằng áp lực dành cho ông là quá lớn và càng hiểu được khát khao của bóng đá Việt. Cứ nhìn cái cảnh ông Park phải chấp nhận “phân thân” gồng gánh cả 2 đội tuyển trong suốt thời gian qua đủ để hiểu.
Mỗi lần tham dự SEA Games là bóng đá nam lại được giao nhiệm vụ phải vào đến trận chung kết, đó như một mặc định. SEA Games 30 này, mặc định đó còn lớn hơn gấp bội. Chỉ tiêu vào chung kết được ngầm hiểu rằng thực chất là cái đích giành ngôi vô địch, bởi nếu thua trong trận chung kết, mọi nỗ lực, cố gắng và thành quả trước đó đều vô nghĩa.
Bóng đá luôn là giấc mơ để hướng đến, luôn là khát khao cần chinh phục. Huống hồ gì giấc mơ và khát khao đó đã âm ỉ và nung nấu quá lâu rồi. Thành tích dù bất cứ ở sân chơi hay cấp độ nào trong bóng đá không hề là thừa cả và cũng không có giới hạn cho sự dừng lại.
2 năm qua, mọi thứ đã đi trên con đường có nhiều hướng mở và hanh thông hơn. Ở đó tư duy của ông Park cùng tầm nhìn của những nhà làm bóng đá Việt đã gặp nhau và tương đồng ở nhiều điểm.
Câu chuyện về việc nâng tầm và vượt ngưỡng của bóng đá nước nhà đã được ông Park dần dà tạo ra những cột mốc ngày càng cao hơn. Bài toán ngắn hạn cho từng giải đấu cũng thu về kết quả với ngôi vô địch AFF Cup 2018, bây giờ là SEA Games.
Suy cho cùng, đấu trường khu vực hay sân chơi SEA Games vẫn là tiền đề để bóng đá Việt Nam tiến xa, tiến mạnh, tiến vững chắc ngày mai.
Tấm HCV SEA Games là khát khao và cũng là cảm hứng cho chúng ta khi đi xa hơn. Để rồi từ những giải đấu cao hơn quay về lại sẽ là bản lĩnh chứng tỏ được vị thế của mình ở khu vực.
Nước mắt đã rơi ở Vientiane, ở Bacolod và cả ở Mỹ Đình sau những trận chung kết SEA Games nhiều năm về trước. Đó là những giọt nước mắt đớn đau, tủi hổ và thất bại. Nhiều lá cờ và chiếc áo màu đỏ sao vàng đã được chuẩn bị cho lễ hội ở những trận đấu đó được gấp lại.
Kỳ vọng vào đoàn quân U22 lần này sẽ giúp người hâm mộ có những đêm không ngủ, những tối xuống đường trong niềm vui. Đã 60 năm, liệu có trọn vẹn một giấc mơ hoa!?
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất