27/11/2015 11:20 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - 20 năm trước, HLV Karl-Heinz Weigang (một người Đức) được cho là người đã đặt nền móng cho nền bóng đá Việt Nam cấp độ ĐTQG kể từ sau hội nhập (trước đó, ở giai đoạn những năm 1966 – 1968, HLV Weigang cũng từng dẫn dắt ĐT miền Nam Việt Nam – PV). Sau 2 thập niên qua đi, nền bóng đá vẫn chưa thể tự cường và chúng ta đang sử dụng một bản photocopy kiểu Đức, HLV Toshiya Miura, người từng có thời gian dài tu nghiệp bóng đá ở Đức.
Bóng đá không phải điền kinh
“Cỗ xe tăng” hay “chuyên gia lội ngược dòng” là những mỹ từ mà người Việt Nam, ban đầu là các bình luận viên bóng đá và các nhà báo, đặt cho ĐT Đức trước đây. Từ thời “Hoàng đế” Frank Beckenbauer, đến Lothar Matthaus, rồi Matthias Sammer,… những siêu hậu-vệ-đạo (tức các libero cổ điển) đã đưa bóng đá Đức thống trị thế giới và lục địa già với sơ đồ 5-3-2 khởi thuỷ. Tuy nhiên, sau các thất bại tại các kỳ EURO và World Cup giai đoạn 1998-2004, bóng đá Đức đã thay đổi triết lý, để chiếm lĩnh trở lại đỉnh cao ở World Cup 2014.
Tự tin cỡ người Đức cũng đã phải thay đổi, để hợp thời và để tiến về phía trước. Thực tế là vào đầu những năm 2000, bóng đá Việt Nam đã từng nhận được sự hỗ trợ của một chuyên gia bóng đá cấp tiến đến từ Đức là ông Rainner Wilfeld thông qua các chương trình hợp tác của 2 Liên đoàn. Năm 2003, tại Trung tâm Thành Long, TP.HCM, khi thị sát ĐT U20 Việt Nam của những Công Vinh, Vũ Phong, Thanh Bình, Minh Chuyên, Phước Vĩnh,… đá vòng loại giải châu Á, GĐKT Rainner Wilfeld từng nói: “Bóng đá không cần những VĐV điền kinh. Chúng ta cần những cầu thủ biết phải làm gì, trước và sau khi có bóng, chứ không phải những cỗ máy chỉ biết chạy và sút”.
Tất nhiên, những phát kiến của Rainner Wilfeld không được xem trọng, khi vào thời điểm đó, các ĐTQG Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl. Sự xuất hiện của “ông giáo” Rainner Wilfeld thậm chí còn bị cho là cản trở công việc của HLV trưởng cũng như nền bóng đá. Không được coi trọng, HLV Rainner Wilfeld đã chia tay bóng đá Việt Nam sau lần cuối cùng làm việc với ĐTQG nữ.
Với những gì đã và đang diễn ra tại các ĐTQG dưới thời HLV Miura, có vẻ như ông Miura rất thích thú với những VĐV điền kinh, giàu cơ bắp và sức mạnh, bất kể đối thủ là ai, từ AFF Cup đến SEA Games và sắp tới là VCK U23 châu Á, nơi U23 Việt Nam sẽ đối đầu với Jordan, Australia và UAE trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C. Ai cũng biết, chiều cao, cân nặng và sức mạnh cơ bắp,… vốn là nhược điểm muôn thuở của cầu thủ Việt Nam. Việc chúng ta phải dùng sở đoản để đấu với sở trường của đối thủ phải chăng vì không còn giải pháp khác?!
Trở về vạch xuất phát
Trở lại với câu chuyện 20 năm nhắc ở đầu bài viết, việc chơi với hệ thống 3 trung vệ (sơ đồ 3-5-2), tạo ra rất nhiều khe hở ở hàng phòng ngự và triển khai tấn công cũng chậm. Từ Karl-Heinz Weigang, đến các nhiệm kỳ của Alfred Riedl, rồi Henrique Calisto hay thầy ngoại gần nhất Falko Goetz (một người Đức kiểu mẫu khác)… đều đã có những điều chỉnh để hợp thời. Nhưng, HLV Miura lại dường như đang quay về điểm xuất phát, với thứ bóng đá cũ kỹ, nặng nề, triệt tiêu tính bất ngờ, vốn là đòn ngón hạ gục đối thủ của bóng đá Việt Nam.
Nếu HLV Miura tin rằng, các hậu vệ biên có thể dâng cao, làm thay công việc của tiền vệ (hoặc tiền đạo cánh), khi có bóng và tổ chức tấn công, thì đấy là một tính toán sai lầm, bởi thể lực nền và cả kỹ năng hỗ trợ tấn công của hậu vệ biên là hữu hạn. Ông Miura đã từng thất bại với Thanh Hiền, Mai Tiến Thành, Bùi Tiến Dũng, Phạm Mạnh Hùng và cả Minh Tùng (Than Quảng Ninh)… Càng sai lầm hơn, khi HLV trưởng người Nhật Bản cho rằng các trung vệ hoàn toàn có thể di chuyển ra bám biên, với hệ thống 5-3-2 hay 3-5-2 biến thể.
Bóng đá luôn có mẫu các cầu thủ đa năng, nhưng thường cầu thủ chỉ làm tốt một chức trách, tức sở trường của họ. Tại vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28, trung vệ Phạm Mạnh Hùng từng kêu ca anh có quá ít cơ hội thể hiện và khi được vào sân, lại phải đá trái sở trường. Trước đó, HLV Miura “cốp” nhiệm vụ làm bóng cho Hoàng Thịnh, một tiền vệ cố mấy cũng chỉ chơi ở mức tròn vai: Đánh chặn – thu hồi bóng. “Xây cao” hàng phòng ngự là cần thiết, nhưng không thể phí phạm các hậu vệ biên cao hơn trung vệ, để bảo họ bó vào trong (khi cần).
Hệ thống hay chiến thuật vận hành là những con số - triết lý khá thô ráp, và việc biến ảo nó trở nên hiệu quả hay không, tuỳ thuộc vào vấn đề con người, tức chủ thể, từ HLV đến các vị trí trên sân. Khi HLV Miura phát biểu rằng, học trò của ông đã không tuân thủ chiến thuật mà tự phá vỡ cơ chế vận hành ở hiệp 2, trận thua thảm Thái Lan 0-3 trên sân Mỹ Đình (vòng loại World Cup 2018), đấy đã là thất bại rồi.
1. Từng là đồng đội của nhau từ hồi U19 Việt Nam, nhưng hiếm khi Duy Mạnh và Tuấn Anh, những cầu thủ trẻ hay nhất của nền bóng đá đương đại, có điều kiện chơi cạnh nhau. Với VCK U23 châu Á 2016, liệu đây có là một trong những lần đầu tiên của họ?! 2. Ngoài Thanh Hiền và Văn Khoa có thể đá hậu vệ biên, HLV Miura đã triệu tập 6/8 hậu vệ là các trung vệ. Nếu tính thêm cả Quế Ngọc Hải, số trung vệ có thể lên tới 7. 6. HAGL là một trong những CLB đóng góp nhiều tuyển thủ U23 nhất với 6 người, nhưng có thể, sẽ chỉ Công Phượng và Tuấn Anh trụ lại được, sau khi gút danh sách đợt cuối. Danh sách tập trung đội U23 Việt Nam Thủ môn: Văn Tiến (HAGL), Minh Long (Hà Nội T&T), Hoài Anh (Than Quảng Ninh), Minh Hoàng (Huế), Thanh Tuấn (PVF). Hậu vệ: Hoàng Lâm (ĐTLA), Tiến Dũng, Trọng Đại (Viettel), Duy Khánh, Văn Dũng (Hà Nội T&T), Mạnh Hùng (SLNA), Văn Khoa (Than Quảng Ninh), Thanh Hiền (Đồng Tháp). Tiền vệ: Đông Triều, Tuấn Anh, Hồng Duy (HAGL), Duy Mạnh (Hà Nội T&T), Hữu Dũng (FLC Thanh Hóa), Tấn Tài (ĐTLA), Trần Duy Khánh (Becamex Bình Dương), Ngọc Thắng, Huy Toàn (SHB Đà Nẵng), Đức Huy (CLB Hà Nội). Tiền đạo: Văn Toàn, Công Phượng (HAGL), Tuấn Tài, Xuân Mạnh (SLNA), Thanh Bình (FLC Thanh Hóa), Văn Thành (Hà Nội T&T). |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất