Giải U19 Đông Nam Á 2014: 'Quân xanh, quân đỏ'

05/09/2014 11:49 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Quân xanh, quân đỏ đặc biệt sát nghĩa trong các hạng mục kinh doanh, phục vụ các cuộc đấu thầu, đấu giá hay thăm dò thị trường (quân xanh đi trước, bỏ thầu cao hơn, để quân đỏ trúng thầu, sau đó tự ăn chia theo tỷ lệ được quy định sẵn giữa các bên liên quan). Một chừng mực nào đó, quân xanh còn được (hay bị) xem là “gà”. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn hiểu sai các khái niệm này, khi áp nó vào môn thể thao vua.

1. Lẽ tự nhiên, quân xanh thường là đội hình 2, mặc áo bib trong các buổi tập chiến thuật hay chia đôi đá đối kháng tại mỗi đội bóng. Rộng hơn, khi đội bóng chủ động chọn đối tác đá tập hay đá giải giao hữu mang tính thử nghiệm, nghiễm nhiên đối tác cũng được xem là quân xanh, bất kể quân xanh mạnh hay yếu hơn so với đội nhà. Trong nhiều trường hợp, người trong cuộc cũng phải tính tới các giá trị thương mại, như “phí ra sân” cho khách mời.

Vì những hiểu lầm, hoặc hiểu không hết nghĩa, hoặc nữa là phục vụ tiêu chí cụ thể nào đó mà đội bóng theo đuổi, quân xanh được mời, đặc biệt trong những buổi ra mắt HLV trưởng, thường yếu hơn chủ. Người phương Đông vốn có chút duy tâm, muốn mọi chuyện khởi đầu hanh thông, gọi là đầu xuôi đuôi mới lọt. Đó có thể là lý do mà VFF đã chủ động chọn U23 Myanmar cho ngày ra mắt tân HLV Miura (Việt Nam dễ dàng giành chiến thắng bằng tỷ số một set tennis 6-0)

Theo kế hoạch, chiều mai (6/9) ĐT Việt Nam sẽ có thêm một quân xanh nữa để thử nghiệm đội hình, đó là Hong Kong (Trung Quốc), trận đấu diễn ra ở Lạch Tray, Hải Phòng. Hong Kong (Trung Quốc) được mời thay thế cho CHDCND Triều Tiên rút lui vào phút cuối. Cùng với đó, Olympic Việt Nam cũng sẽ đấu tập với Pakistan, trước ngày lên đường dự ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc). Đây đều không phải là “thuốc thử liều cao” cho các đội bóng của HLV Toshiya Miura.

2. Quay trở lại với giải đấu đang rất được chờ đợi, giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014 diễn ra trên sân nhà Mỹ Đình trước thềm VCK U19 châu Á (10/2014, tại Myanmar). Nếu như Myanmar vừa hạ thầy trò HLV Guillaume Graechen 4-3 trong trận chung kết Cúp Nhà vua Brunei mới đây, thì năm ngoái, chúng ta cũng từng là bại quân của U19 Indonesia ở VCK U19 Đông Nam Á. Tại giải tứ hùng U19 quốc tế 2014, U19 Việt Nam từng bị U19 Nhật Bản hạ đo ván với 7 bàn không gỡ…

Rõ ràng việc U19 Việt Nam được cọ xát với các đối thủ hàng đầu như U19 Australia hay U19 Nhật Bản (tại vòng bảng) là cực kỳ bổ ích, trước trận đánh lớn nhất trong năm của bóng đá trẻ 1 tháng sau đó. Nếu tiến vào bán kết, chúng ta cũng sẽ có dịp gặp lại các đối thủ truyền thống như U19 Thái Lan, U19 Indonesia hay U19 Myanmar… Nhưng, sẽ là sai lầm nếu chúng ta kỳ vọng giải đấu tại Mỹ Đình là cơ hội để đội chủ nhà trả sòng phẳng các món nợ đã vay của các đối thủ.

Những thất bại (nếu xảy ra) còn có thể giúp HLV Graechen nhận ra thêm những nhược điểm của đội bóng để hoàn thiện (trong ít nhất 1 tháng tới đây). Trong khi các chiến thắng (hoàn toàn có thể) có nguy cơ che mờ các nỗ lực hoàn thiện, cả của người trẻ đến một bộ phận đáng kể quan chức, BHL và người hâm mộ. Và điều đó là rất tai hại. Đẳng cấp vượt trội của quân xanh mới là điều chúng ta mong đợi, dù có thể họ không mang tới Việt Nam lần này đội hình mạnh nhất.

Với quân xanh là Australia hay Nhật Bản, thầy trò HLV Graechen sẽ được dịp “làm quen” với tốc độ chơi bóng ở đẳng cấp cao. Đồng thời thông qua giải đấu này, phần lớn sẽ thẩm định được cơ bản năng lực chinh phục của đội bóng vốn dĩ đang rất được kỳ vọng.   

Thăm dò ý kiến

Bạn dự đoán thế nào về cơ hội của U19 Việt Nam tại giải Đông Nam Á mở rộng 2014?


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm