10/10/2014 05:57 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ này chưa thể tắt phụt ngay sau thảm bại này, nhưng nó đã bắt đầu lung lay và câu hỏi đặt ra lúc này là liệu họ còn nhiều thời gian để học hỏi, trưởng thành thực sự nữa hay không, và công việc học hỏi ấy nên được bẻ sang hướng nào mới là đúng đắn?
Các phóng viên Việt Nam theo chân đội U19 ở Myanmar được xếp ở cùng khách sạn với các cầu thủ và ngồi cạnh họ trên xe bus của đội ra sân, nhưng yêu cầu dành cho giới truyền thông rất nghiêm ngặt: Hạn chế nói chuyện, và không chụp hình, quay phim các cầu thủ trẻ. Tránh xuất hiện trên truyền thông là yêu cầu mà ông bầu Đoàn Nguyên Đức đặt ra cho các cầu thủ U19 Việt Nam trong suốt một năm qua.
Ông cũng cấm các cầu thủ trẻ nhận thưởng, mà chuyển về cho gia đình. Trong đội hình của U19 Việt Nam, chỉ có một cầu thủ từng xuất hiện ở V-League. Tức là đội U19 hiện tại được bảo vệ trong một môi trường vô trùng nhân tạo, hạn chế giao tiếp, tiếp xúc với tiền bạc lẫn môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Thảm bại trước U19 Hàn Quốc chiều qua tiếp tục cho thấy sự khác biệt lớn giữa một đội tuyển được tạo ra từ một học viện (dù là học viện ưu tú đi chăng nữa) và một đội tuyển sản sinh từ nền bóng đá được xây dựng để thử lửa, phát triển các cầu thủ và trang bị cho họ khả năng "sinh tồn" ở bất cứ đâu.
Paik Seung Ho, được gọi là "Messi của Hàn Quốc", có thể sang Barcelona mà không ai phải lo lắng về chuyện anh có thích nghi được hay không. Kim Shin (Lyon B) và Kim Young-Kyu (Almeria B), dĩ nhiên, cũng phải học cách thích ứng với cuộc sống xa nhà song song với cuộc chiến trên sân cỏ.
Bảo vệ các cầu thủ trẻ là điều nên và phải làm, nhưng bao bọc họ thái quá là hạn chế những trải nghiệm, trong khi những cầu thủ trẻ chỉ thực sự lớn lên nhờ những trải nghiệm.
Còn bao nhiêu thời gian?
Quá trình đào tạo trẻ thường kết thúc vào năm 21 tuổi, tức là lứa cầu thủ trẻ hiện tại chỉ còn 2 năm nữa để học hỏi. Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… có thể là những cầu thủ được trang bị kỹ thuật cá nhân tốt nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng họ cũng cần thêm kinh nghiệm, thậm chí va đập, để sàng lọc lần cuối trước khi trả lời những kỳ vọng của người hâm mộ.
Đội hình của Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đối thủ lớn trong bảng đấu chung với U19 Việt Nam, cho thấy rằng bệ phóng họ tạo ra tốt đến thế nào: Các cầu thủ hầu hết đang chơi cho lứa trẻ của một CLB chuyên nghiệp, và đây là lúc họ phải cạnh tranh hết sức để có thể khẳng định tên tuổi trong môi trường chuyên nghiệp, chỉ trong khoảng 1-2 năm nữa.
Nếu như Paik Seung Ho đang khiến báo chí Hàn Quốc lo ngại vì ở mùa giải thứ 3 chơi cho đội trẻ Barca, anh bắt đầu "đuối", thì chúng ta vẫn còn phải quá lo lắng về chuyện cầu thủ sẽ cầm tiền ra sao, tiêu tiền thế nào, và ứng xử với truyền thông kiểu gì.
Một khi các cầu thủ vẫn phải hoàn toàn sống trong môi trường vô trùng, thay vì tiếp xúc với vi trùng một cách có kiểm soát, thì họ chưa thể tiếp cận sự trưởng thành đúng nghĩa. Một khi họ vẫn còn chưa phải thật sự cạnh tranh và trải qua cảm giác sợ hãi vì bị đào thải, thì họ chưa thể lớn lên là bao so với khi tạo ra cơn sốt cách đây một năm.
Thậm chí, khi rời khỏi môi trường vô trùng hiện tại, sự bỡ ngỡ có thể tiêu diệt họ nhanh hơn ta tưởng. Như cái cách đội U19 Hàn Quốc đột ngột tăng tốc và khiến chúng ta vỡ trận vào chiều qua.
Phạm An (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất