Góc Anh Ngọc: Brazil, những ngày buồn như nghĩa trang

12/07/2014 20:11 GMT+7 | Ký sự World Cup

(lienminhbng.org) - Tôi đã cởi chiếc mũ vàng có chữ “Brasil” màu xanh, không đội nữa, bởi bây giờ nó không còn ý nghĩa gì với những người Brazil sau thảm bại. Nó đã từng là cầu nối giữa tôi với họ, một thông điệp làm bạn gửi đến những người Brazil chân thành và vui tính, và họ đáp lại bằng những nụ cười. Nhưng bây giờ, nó chỉ gợi lên những nỗi buồn thê thảm. Với họ, World Cup đã kết thúc, và không biết đến bao giờ nỗi buồn mới qua đi.

Ám ảnh nặng nề vì thảm bại

Những đêm sau trận đấu thật kinh khủng. Từ cái đêm thứ Ba đáng ghét ấy cho đến những ngày cuối cùng của một lễ hội được xây nên bằng tiền của họ, nhưng hóa ra không dành cho họ, mà là món quà cho Đức, người đã làm nhục họ, và cho Argentina, người hàng xóm đáng ghét của họ, Brazil sống qua những đêm rất dài và đen tối tựa như cảnh địa ngục trong “Thần khúc” của thi hào Dante. Chiến thắng sẽ cho họ một chút niềm vui trước khi trở lại với thực tại cuộc sống đầy gian nan, khi World Cup kết thúc và gánh xiếc FIFA rời đi không trở lại. Nhưng bây giờ, ước mơ lớn lao ấy đã không thành hiện thực, khi thực tại phũ phàng trở lại quá sớm và trần trụi, trong tuần cuối cùng của giải đấu trên một đất nước mà biết bao người bây giờ chỉ muốn trốn đi đâu đó, để không nghe thấy người ta nói đến bóng đá, không xem truyền hình sẽ truyền trực tiếp trận đấu tranh giải 3-4 với Hà Lan vốn được coi như một cách xát thêm muối vào vết thương còn lâu mới kín miệng, không đọc những bài báo chỉ trích tất cả những ai có thể chỉ trích được.



Bao giờ, những niềm vui chiến thắng như thế này mới trở lại?

Cuộc săn tìm những kẻ tội đồ đã làm tan nát trái tim của 200 triệu con người vẫn tiếp tục không ngừng trên báo chí, các trang mạng xã hội, không khác những cuộc săn lùng người Do thái để đưa vào phòng hơi ngạt mà phát xít trước kia đã làm. Sau thảm bại Maracana 1950, người Brazil đã sống nhiều năm trong cảm giác xấu hổ, bị khinh thường, thậm chí một nhà văn đã so sánh họ với một con “chó lạc”. Bây giờ, cảm giác ấy trở lại, day dứt đến kinh hoàng. Thế rồi, trong cuộc họp báo mới nhất của đội tuyển, Neymar lại khóc. Rất nhiều nước mắt. Cả một đội tuyển yếu đuối như con trẻ và nước mắt được phô ra một cách vô duyên như để dành lấy sự cảm thông của cả một quốc gia tinh thần mong manh không kém, nhưng lại trót đặt niềm tin mù quáng vào họ, những gã triệu phú thất bại và đang cầu xin sự tha thứ. 2 cm đốt sống bị trật của Neymar đã tạo ra một thảm họa quốc gia? Những giọt nước mắt của Neymar và những cầu thủ có ý nghĩa gì trong hoàn cảnh các favela (khu ổ chuột) đã bắt đầu gỡ những lá cờ Brazil có dòng chữ “ordem e progresso” (trật tự và tiến bộ) để trở lại với thực tại không như thế ở những khu xóm nghèo mà hàng triệu người chui rúc trong đó? Và nữa, Argentina đã vào đến chung kết. Cả trăm nghìn cổ động viên của họ đang đổ đến Rio, không ngần ngại chế giễu thất bại của Brazil, kẻ thù truyền kiếp. Còn Maradona thì bắt đầu lên sóng truyền hình…. Venezuela để cười nhạo Pele.

Điều kì quặc là trong khi báo chí Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng của cả một nền bóng đá chạy theo thương mại và lợi nhuận (thu nhập của LĐBĐ trong năm 2013 đạt hơn 200 triệu USD, khiến họ là LĐBĐ giàu nhất nhì thế giới), thì không báo nào ở Brazil dám nhìn vào sự thật.



Từ thắng lợi trần trụi đến thất bại trần trụi

Họ tránh né bằng cách cho những người dẫn chương trình của kênh O Globo lớn nhất đất nước ngồi cười cợt những trích đoạn về một tay BLV nào đó hô vang những tiếng “Gooool” quen thuộc với người Nam Mỹ sau mỗi bàn thắng của Đức. 7 lần như thế, tông giọng không đổi, nhưng nghe trống rỗng và buồn bã, như một cái máy. Cũng trên kênh ấy và nhiều kênh khác, người ta vẫn phát theo hợp đồng những spot quảng cáo của bia Skol. Hãng bia ấy đã chuẩn bị cho một trận chung kết khác, có Brazil và không có Argentina, nên mới có ý tưởng cho một fan Brazil mời các fan Argentina vào một container chở đầy bia Skol, để rồi sau khi tống hết họ vào đó, một cần cẩu to đùng gắp cái container cho lên tàu biển và chở họ về Argentina! Giờ thì những quảng cáo ấy có tác dụng ngược lại. Vài tập phim theo kiểu sitcom hài hước với kịch bản fan Brazil chế nhạo fan Argentina và Maradona cũng đã bị gác lại, dù đã quay xong. Trước trận chung kết World Cup 1950, người đã in trước trang nhất các báo ca ngợi Brazil, hơn nửa triệu chiếc áo với những dòng chữ chúc mừng thắng lợi đã được bán hết. Một chiều tháng 7/1950 ấy, chiến thắng đã không bao giờ đến.



Bao giờ mới hoàn thành ước nguyện "Hexa" (chức vô địch lần thứ sáu)?

Đừng mơ nữa, hết rồi!

Thực tại phũ phàng và nỗi xấu hổ ập đến đã khiến những con phố của Rio và nhiều nơi khác không còn được nhuộm thành màu vàng của đội tuyển như trước nữa. Những chiếc áo số 10 của Neymar biến mất. Những người bán cocktail caipirinha và hàng rong thay cờ Brazil trên sạp hàng để cắm những lá cờ của Flamengo hay Fluminense, những CLB mà họ yêu mến. Những gương mặt vui tươi trở nên tư lự. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm, áo đội tuyển và cờ Brazil bắt đầu giảm giá mà không ai muốn mua. Những dòng tít báo vẫn ám ảnh nặng nề: “Đấy là 11/9 của bóng đá chúng ta”, “Trận đấu này sẽ không bao giờ kết thúc”, “Một thất bại đáng xấu hổ”. Ở Rio de Janeiro, nơi diễn ra trận chung kết, những cơn mưa liên tiếp đã làm bầu trời càng thêm u ám và nặng nề. Trong suốt một tháng qua, thành phố của ăn chơi và niềm vui sống này đã chìm trong một lễ hội lớn không có điểm dừng sau mỗi chiến thắng của Brazil. Những ngày đội tuyển đá, trường học đóng cửa, cơ quan không làm việc, đường xá vắng tanh. Các gia đình như luôn có party, các hè phố chăng đầy cờ hoa, các quán nhậu vỉa hè làm việc hết công suất, các bãi biển Copacabana và Ipanema ngập tràn màu vàng-xanh. Bia chảy tràn trên môi tất cả. Nhưng đã hết cả rồi. “Don’t dream, it’s over” (Đừng mơ nữa, hết rồi), như câu hát của ban nhạc Crowded House những năm 1980 xa xôi.



Nỗi lo lắng lớn nhất của người Brazil bây giờ, là thấy người Argentina hạnh phúc vì chiến thắng World Cup

Bây giờ, Rio trở lại với sự hỗn độn của một siêu đô thị. Những người lái xe bóp còi nhiều hơn và khó chịu với nhau hơn. Những cuộc tắc đường trở thành nỗi bực dọc. Sự tuyệt vọng đã trở thành nỗi tức giận và tìm quên. Trên Band, kênh truyền hình lớn thứ hai của đất nước, người ta gạt bỏ một số chương trình về World Cup để nhường chỗ cho những chương trình truyền hình thực tế. Họ phát trực tiếp cảnh một phụ nữ lùn đang chuyển dạ, với sự có mặt cùng lúc ấy của anh chồng, cũng là người lùn. Tiếng của người dẫn chương trình vang lên vui vẻ và kích thích trí tò mò: “Chúng ta hãy xem xem, liệu con trai của cặp gia đình này có lùn như họ không”. Trên kênh ESPN, người ta lại chiếu những băng hình về đội tuyển Brazil những World Cup 1982 và 1986. Thấp thoáng trên màn hình cái lưng đeo áo số 8 của Socrates, nụ cười của Zico, những pha ăn mừng của Falcao. Ngày ấy, áo đấu của họ giản dị hơn, màu vàng nhạt hơn, nhưng nhìn họ khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn. Đấy mới thực sự là bóng đá của niềm vui. Và họ cũng không khóc như con nít khi bị Paolo Rossi và Pháp của Platini đánh bại. Còn bây giờ…

Bảy bàn thắng của Đức đã đưa họ về với thực tại và viễn cảnh Argentina đăng quang ở Maracana đẩy người Brazil vào một cơn ác mộng khác. Ác mộng ấy sẽ thành hiện thực khi Tổng thống Dilma Roussef xuống sân trao Cúp cho Messi và các đồng đội. Tháng 10 này, Brazil sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Một World Cup thất bại có thể khiến Dilma thất cử. Người đã từng bị bỏ tù trong những năm 1970 trong cuộc chiến bên cạnh nhân dân chống lại chế độ độc tài có nguy cơ trở thành nạn nhân lớn nhất của một World Cup thất bại, khi bị chính nhân dân khước từ.

Giờ thì Brazil chỉ mong cho Đức đánh bại Argentina. Như một phát súng ân huệ để kết thúc một World Cup đau đớn, sau khi đã đẩy họ vào sự hôn mê vì thảm họa 1-7 ở Mineirao…

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)

   

Ác mộng tiếp nối ác mộng

“O pesadelo”. Đấy là từ mà người Brazil dùng để chỉ “cơn ác mộng”. Cho đến 5 giờ 15 chiều hôm thứ Ba, Brazil vẫn đang sống trong một giấc mơ ngọt ngào màu hồng, giấc mơ có gương mặt của chiến thắng, vinh quang và những lời ngợi ca. Thế rồi Muller xuất hiện, và cú sút chân phải của anh giống như một xô nước hắt vào những người Brazil cho một cú thức tỉnh, để rồi sau đó, trong vòng nửa tiếng đồng hồ, là bốn bàn thắng khác, bàn sau đến nhanh như bàn trước, gây đau đớn, cùng cực, tuyệt vọng, bất lực, tê dại và nhục nhã đến tột cùng. Những người Brazil cảm thấy mình mong manh và yếu đuối chưa từng có, khi niềm tự hào lớn lao của họ đổ sụp trước mắt, trong 90 phút dài tưởng như một thế kỉ, khi 200 triệu người không thể giúp được 11 cầu thủ của họ thoát khỏi cuộc tàn sát.

Nhưng cơn ác mộng chưa kết thúc, hơn thế nữa, còn nặng nề hơn khi chỉ một ngày sau, Argentina loại Hà Lan để vào chung kết. Cơn ác mộng ấy sẽ thành toàn tập nếu chủ nhật này, chính đội bóng Argentina đáng ghét ấy giơ cao Cúp vàng ở Maracana, ngôi đền bóng đá của Brazil, nơi Pele đã ghi bàn thắng thứ 1000 trong sự nghiệp, nhưng cũng là nơi Schiaffino và Ghiggia nhận chìm cả Brazil trong nỗi đau thất bại ở trận chung kết World Cup 1950. Bây giờ, khi World Cup đã là của người khác và những ngày vui rồi cũng đã kết thúc, có cách nào để tự an ủi mình sau thất bại? Bịt tai trước những tiếng ầm ỹ từ gần 100 nghìn khán giả ở Maracana, tắt tivi và không quan tâm đến bóng, cầu trời cho mưa bão to ngập đường ngập lối, hay một tia sét giữa trời quang đánh đúng giữa sân cỏ? Không, họ không mong như thế, mà giờ đây, họ phải chọn một cách khác đỡ đau đớn hơn: quay sang ủng hộ đội bóng đã nã vào lưới họ 7 lần, tức là bắt tay với kẻ đã giết chết mình để chống lại một kẻ thù là hàng xóm đáng ghét. Báo chí Brazil đã bắt đầu nói đến việc “chúng ta đều là người Đức”, những người Brazil bắt đầu sơn móng tay, mặt và mặc áo đỏ-vàng-đen của người Đức, với hy vọng Đức sẽ chiến thắng. Có những người nói trên tivi, rằng người Brazil sẽ làm tất cả những gì có thể, để không cho Messi giơ cao Cúp trên đất nước của họ. Tội nghiệp Brazil. Giờ họ ủng hộ Đức, vì ghét Argentina. Chưa bao giờ Brazil rơi vào tình cảnh hiện tại trong lịch sử bóng đá của họ.

A.N



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm