21/07/2015 11:52 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Một con số giật mình vừa được nêu ra trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội: 17.000 dân ở phường Trung Phụng (quận Đống Đa) chỉ có 30 m2 sân chơi.
Sân chơi vốn đã quá tải, lại còn bị lấn chiếm để sử dụng vào mục đích riêng. Đây là vấn đề chung tại những nơi vui chơi dành cho trẻ em.
Tại Hà Nội có nhiều khu vui chơi, nhưng những không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em thì quá thiếu. Trên nhiều tuyến phố, trẻ em phải chơi ở khu vực vỉa hè, gần với mặt đường, nhưng như vậy vẫn có nguy hiểm tiềm ẩn, vì cả lòng đường và vỉa hè đều có xe cộ qua lại.
Chiếc cầu trượt duy nhất tại khu tập thể Giảng Võ nằm giữa ngổn ngang xe máy và hàng quán. Do cầu trượt đã lâu năm nên bị bẩn mốc, khiến những đứa trẻ chỉ dám leo lên và leo xuống, chứ không dám trượt.
Những khu tập thể cũ như Giảng Võ, Thành Công, hay Kim Liên… không phải là thiếu sân chơi, mà do chất lượng quá kém. Giữa các khu nhà tại khu tập thể Giảng Võ đều có sân, nhưng lại không có cơ sở vật chất phù hợp. Thứ duy nhất có ở đây chỉ là một chiếc cầu trượt đã bẩn mốc, khiến những đứa trẻ không dám chơi.
Không những thế, mặc dù bên cạnh cầu trượt này có ghi dòng chữ “Cấm để xe”, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên dựng xe máy quanh cầu trượt, khiến trẻ em không có chỗ để vui chơi. Sân chơi ở đây cũng đặt một bảng nội quy, trong đó ghi rõ: “Nghiêm cấm chiếm dụng mặt bằng sân chơi phục vụ lợi ích riêng”, nhưng không gian sân chơi chủ yếu để... bán hàng. Hàng quán bán đồ ăn là nơi tập kết vật liệu dễ cháy như bình ga, bếp than... dễ gây nguy hiểm cho trẻ.
Không những bán quán, tại khu tập thể Kim Liên, người dân còn họp chợ xung quanh khu vực sân công cộng, chiếm dụng không gian vui chơi của trẻ nhỏ. Sau mỗi buổi họp chợ, rác chất đống ngổn ngang, bốc mùi hôi thối, khiến những đứa trẻ chẳng thể vui chơi một cách tự nhiên.
Những đồ chơi như cầu trượt, xích đu được trang bị khá đầy đủ, nhưng có nhiều chỗ bị hỏng hóc, nên đã không thu hút nhiều trẻ em. Ông Nguyễn Văn Tiến, sống tại khu tập thể Kim Liên chia sẻ: “Tôi không dám cho cháu chơi ở những chỗ bị hỏng, chẳng may cháu tôi bị làm sao thì đến lúc đấy lại lớn chuyện, nên cháu đi đến đâu là phải trông đến đấy”.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận về thực trạng sân chơi cho trẻ em còn thiếu chất lượng:
Một sân chơi ở khu tập thể Thành Công cũng bị các hàng quán lấn chiếm, chỉ chừa lại lối đi nhỏ. Nhưng đám trẻ cũng chẳng dám vui chơi, chạy nhảy ở nơi có vật liệu dễ cháy nổ như thế này.
Sân chơi ở Khu tập thể Kim Liên thì trở thành nơi họp chợ, trẻ em không có chỗ thoải mái để vui chơi.
Rác từ khu chợ tập hợp lại ngay chỗ chơi của trẻ em, bốc mùi khó chịu, khiến những đứa trẻ không dám lại gần.
Cơ sở vật chất bị hư hỏng lâu ngày không được tu sửa, nên nhiều phụ huynh không dám cho con chơi vì sợ con bị tai nạn.
Không gian chật hẹp, những đứa trẻ chỉ còn cách chơi trên vỉa hè, nhưng nguy hiểm vẫn luôn rình rập.
Tình trạng hàng quán lấn chiếm sân chơi diễn ra phổ biến, nên những đứa trẻ chẳng thể vui chơi một cách tự nhiên.
Một khuôn viên tại ngõ 328, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Những bóng mát ở đây trở thành nơi để xe và mở hàng quán.
Những đứa trẻ cũng chẳng dám chơi khi người lớn chiếm mất chỗ chơi như thế này.
Những đứa trẻ chỉ còn cách nhặt nhạnh những thứ “đồ chơi” ở dưới đất để chơi mà không biết có bẩn hay không.
Và vui chơi bằng cách leo trèo khi không gian quá chật hẹp.
Không cầu trượt, không đu quay, khi xung quanh là chỗ để xe, thì các bé phải tự tìm thứ tạm bợ có thể chơi được.
Khi đu quay, cầu trượt trở nên cũ kỹ, bẩn mốc thì trẻ em lại tìm đến những thứ mới lạ hơn để chơi mà không biết có nguy hiểm cho mình hay không.
Đình Dũng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất