V-League sao phải sính ngoại?

09/11/2015 06:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Sau một số những thử nghiệm, bắt đầu từ mùa giải 2015, một CLB ở V-League chỉ được phép đăng ký 2 ngoại binh + 1 ngoại binh nhập tịch; trong khi giải hạng Nhất là vùng trắng với cầu thủ người nước ngoài. Lý do được đưa ra là nhằm tạo nhiều hơn cơ hội cho cầu thủ trẻ, kích cầu và nâng cấp sức mạnh nội tại, kiểu như “người Việt dùng hàng Việt”.

Tuy nhiên, đây không được cho là một phát kiến có lợi cho sự phát triển của một nền bóng đá, cũng như các giải đấu về lâu về dài. Không thể hướng tới sự tự cường bằng việc “bế quan toả cảng”, nói không với nguồn ngoại lực, bởi nó sẽ là một bước trượt dài.

1. Kể từ khi V-League ra đời đến nay cũng 15 tuổi, làn sóng ngoại binh lũ lượt kéo đến dải đất hình chữ S tìm việc. Từ ngôi sao World Cup như Denilson, Nastja Ceh, đến các cầu thủ hạng A cỡ Kiatisuk, Dusit, Tawan, Chaiman, Thonglao… (Thái Lan), Philani (từng khoác áo U20 Nam Phi), Leandro (U23 Brazil), Lee Nguyễn (ĐT Mỹ) và thậm chí cả những ông Tây khi đến Việt Nam mới học đá bóng.

Và, sự thật không thể chối cãi là cùng với việc chúng ta phải tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ cho đội ngũ lính lê dương này, nền bóng đá cũng như các giải đấu cũng đã được hưởng lợi từ họ. Các ngoại binh chất lượng góp phần nâng cấp các giải đấu, từ chất lượng chuyên môn, tính cạnh tranh cho đến việc quảng bá. Cầu thủ Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp, để có thể chơi được với các đối thủ hàng đầu.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, khi quy định giới hạn suất đăng ký ngoại binh được thực thi, từ đăng ký 5, dùng 3, xuống còn 3 dùng 2 và giờ là 2 dùng 2/CLB, có thể thấy vai trò của cầu thủ người nước ngoài đã giảm thiểu rất nhiều. Nhưng, nó không có nghĩa là cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là cầu thủ trẻ đã tiến bộ lên một đẳng cấp chơi bóng khác. Chất lượng chuyên môn ở V-League cũng như hạng Nhất nghèo đi trông thấy.

Nhưng, một bằng chứng xác thực hơn là đầu ra, các ĐTQG đã thất bại ở hàng loạt các giải đấu cấp khu vực, kể từ năm 2011. Lý do là bởi chúng ta chỉ tập hợp được những cầu thủ chất lượng tương đối, chơi được ở CLB là nhờ thiếu tính cạnh tranh, thậm chí nhiều người trong số họ luôn mặc định suất chơi chính. Có thể thấy HAGL ở V-League 2015 là một điển hình và giờ thì họ bắt đầu quay lại với các phương án ngoại binh và cựu binh.

V-League mòn mỏi tìm những 'King Lean'

V-League mòn mỏi tìm những 'King Lean'

3 năm gắn bó với Xi măng Hải Phòng tại V-League (2008-2010), Leandro de Oliveira được CĐV đất Cảng tôn vinh là “King Lean”, nhiều CĐV trung lập coi anh là “nghệ sĩ” sân cỏ.






2. Lại nói Tây nhập tịch. Với tâm lý “yếu trâu hơn khoẻ bò”, một thời gian đủ dài các CLB Việt Nam rất tích cực nhập tịch cho ngoại binh, dù đa phần trong số họ đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp (sau ít nhất 5 năm thi đấu tại Việt Nam, cũng là điều kiện cần để Nhà nước thông qua đề xuất công nhận là công dân Việt Nam). Có thời điểm, XMXT Sài Gòn và B.Bình Dương tung vào sân đến 7-8 vị trí có gốc gác nước ngoài.

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có lợi cho sự phát triển bền vững của nền bóng đá và cần phải chấn chỉnh. Nhưng, chấn chỉnh hoàn toàn khác với cấm tiệt, khi nhu cầu sử dụng nguồn ngoại lực là có thật. B.Bình Dương hay Hà Nội T&T có thể đã chơi sòng phẳng với các đội bóng mạnh hơn tại AFC Champions League (hay AFC Cup), nếu họ cũng được đăng ký đủ 5 suất cầu thủ người nước ngoài như các đối thủ.

Nền bóng đá cũng như các giải đấu sẽ phải xem xét lại một cách nghiêm túc vấn đề này chứ không thể cào bằng, vo tròn. Nếu tiếp tục “bế quan toả cảng”, e rằng một ngày không xa, bóng đá Việt Nam sẽ trở lại "thời kỳ đồ đá", mà ngay cả Lào hay Campuchia cũng là đối thủ lớn.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm