16/02/2018 14:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ở hồ Trúc Bạch, cạnh Hồ Tây (Hà Nội) phía cuối đường Thanh Niên có một hòn đảo nhỏ, trên đảo có một ngôi đền mới được khánh thành mang tên Thủy Trung Tiên (tên cũ Cẩu Nhi).
1. Khoảng 15 năm trước (năm 2002), người dân phường Trúc Bạch từng tha thiết đệ đơn lên thành phố xin phép được xây dựng lại ngôi đền này. Tuy nhiên, khi đó, đã xảy ra 2 luồng dư luận trái chiều. Luồng phản đối, cho rằng: đền Cẩu Nhi là một “sự bịa đặt lịch sử”, và sách Tây Hồ chí (cuốn sách ghi chép tỷ mỉ sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô Thăng Long) là không đáng tin cậy. Luồng ủng hộ cũng đưa ra không ít lý lẽ của số đông các nhà khoa học với những tên tuôi như GS. Phan Huy Lê, PGS. Lê Văn Lan, PGS. TS Trần Lâm Biền…
Về sự tích Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi, số đông các nhà nghiên cứu cho rằng, các sách Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi chép sự kiện Lý Công Uẩn ra đời vào năm Giáp Tuất - gắn với sự tích con chó trắng, trên lưng mọc lông đen… Khi đó, GS Phan Huy Lê cho rằng, trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp “sương mù” huyền thoại, huyền tích, dã sử, truyền thuyết bao phủ - mà cái lõi của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật. Như vậy sự tích con chó trắng là có liên quan đến nhà vua Lý Công Uẩn.
Mặt khác, GS Phan Huy Lê - người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký Toàn thư, cho biết thêm, chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và rằng chuyện thờ Chó đã có ở người Việt ít nhất từ năm 1254 (đời Lý)! Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, totem thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên cái đền ở giữa hồ Trúc Bạch đã có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: lớp thờ Chó - thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.
Hơn nữa, theo PGS. TS Kiều Thu Hoạch và PGS.TS Trần Lâm Biền , chó đá đã được thờ như thành hoàng ở làng Địch Vĩ (huyện Đan Phượng, Hà Tây). Chính vì thế, số đông ý kiến đều…ủng hộ chuyện xây đền! Vấn đề còn lại chỉ là quy mô xây dựng là to hay nhỏ mà thôi.
Và sau hơn 10 năm tranh cãi của giới khoa học, ngôi đền đã được người dân phường Trúc Bạch xây dựng và khánh thành hồi tháng 8/2017 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
2. Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch phường Trúc Bạch cho biết, đền Thủy Trung Tiên được phục dựng mới toàn bộ bởi hiện trạng cũ không còn.
Theo lời kể của bà Dung, cuối những năm 1980, đền bị đổ nát, do đó đã bị dỡ bỏ làm sân phơi, rồi bị biến thành quán giải khát và là nơi cho các đôi cưới tập thể vào cuối tuần. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long, người dân phường Trúc Bạch kiến nghị khôi phục lại ngôi đền. Đến năm 2014, dự án được phê duyệt. Năm 2015 dự án được triển khai và sau 2 năm phục dựng, đền đã được khánh thành. Đền không chỉ là chốn linh thiêng mà còn là thắng cảnh đẹp cho thành phố.
"Qua các hội thảo, Ban quản lý quyết định đặt tên đền là đền Thủy Trung Tiên chứ không phải là đền Cẩu Nhi vì có nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam bây giờ toàn ăn thịt chó, nếu để cái tên Cẩu Nhi (chó con) thì không hợp nên vẫn để tên Thủy Trung Tiên có từ thế kỷ 19", bà Dung cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, đền Thủy Trung Tiên nằm trên bán đảo hồ Trúc Bạch, gần cuối đường Thanh Niên (con đường thơ mộng nhất Thủ đô). Xung quanh đền có nhiều cây xanh bao bọc. Cây cầu (nối từ đường Thanh Niên vào đền) được xây bằng đá hình vòng cung với chiều dài 18m, rộng 2,25m. Cạnh đền là một tấm bia mới dựng đang được phủ vải đỏ.
Với việc phục dựng đền Thủy Trung Tiên, không gian thơ mộng quanh hồ Trúc Bạch và đường Thanh Niên có thêm một di tích tín ngưỡng, bên cạnh hai di tích nổi tiếng là đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc.
Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, việc phục dựng lại đền Thủy Trung Tiên không chỉ đáp ứng nguyện vọng tha thiết của bà con nhân dân mà còn gây dựng lại một khu di tích đã bị biến mất, đồng thời là nơi để nhắc nhở người ta rằng, người Việt “đã có một tín ngưỡng rất hay là thờ chó”!
Bài và ảnh Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất