24/11/2021 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan.
Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.
Trong gia tài thi ca của Hồ Xuân Hương cũng như trong thi đàn văn chương thời ấy, cách đây hơn 200 năm dưới chế độ phong kiến, chỉ có bà là nhà thơ nữ Việt Nam, người đầu tiên dám lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền qua tác phẩm thi ca. Những kiệt tác của bà để lại không chỉ được tôn vinh trong nước, mà có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay có hơn 10 quốc gia đã dịch và giới thiệu thơ của Hồ Xuân Hương.
Với nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm, thì đó là nữ sĩ có thiên tài và giàu tình cảm, nhưng “vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong thơ bà hoặc có ý lẳng lơ, hoặc có giọng mỉa mai, nhưng bài nào cũng chứa chan tình tự”. Ông khẳng định Hồ Xuân Hương là một nhà viết thơ Nôm thuần túy, thoát hẳn ảnh hưởng của thơ văn chữ Hán, với cách tả tình, tả cảnh, dùng ngữ hiệp vần rất khéo. Thời ấy, người ta còn chưa phát hiện ra Lưu hương ký.
Còn nhà thơ Xuân Diệu thì gọi thẳng bà là Nhà thơ dòng Việt, là Bà chúa thơ Nôm, kể về độc đáo thì đứng vào bậc nhất trong văn học Việt Nam, mà lại hai lần độc đáo, vì đó là một phụ nữ đã dám “Ví đây đổi phận làm trai được”, và Xuân Diệu cho rằng thực sự nàng đã làm trai rồi, ngay trong chế độ cũ.
Thơ của người dám làm trai ấy lại hết sức phụ nữ, người đàn bà ấy đã cất tiếng lên thì đố ai đã nghe một lần lại có thể quên được, quên nổi: “Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường, một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những đáy rất kín thẳm của tâm tư, những đáy kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa, mà trái lại, đã được hàng vạn, hàng vạn người đồng tình thông cảm”.
Danh tài độc đáo Hồ Xuân Hương, tên tuổi ấy vượt qua mọi cuộc tranh luận xưa nay, tự mình chiếm vị trí đặc biệt trong làng thơ Việt Nam với một di sản tinh thần tuy còn được lưu truyền không nhiều: bên cạnh tập Lưu hương ký mà từ khi được phát hiện, chưa mấy ai phủ định, nhưng mọi người hầu như vẫn dè dặt khi sử dụng tập thơ này, là dăm chục bài thơ tám câu bảy chữ hoặc bốn câu bảy chữ có một phong cách không trộn lẫn với ai, tuy còn một số bài vẫn ở dạng “tồn nghi”.
Người yêu văn chương Việt mấy ai mà không thuộc vài vần thơ tinh nghịch, đùa cợt, mỉa mai của Hồ Xuân Hương.
Các bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương được đánh giá là tuyệt bút, ý tưởng táo bạo. Ở một số bài thơ Nôm truyền tụng, tính chất xuân tình không còn là ẩn dụ, ví von nữa, mà được nêu một cách trực diện, thẳng thắn. Ví dụ dễ thấy nhất là bài Thiếu nữ ngủ ngày: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”.
Trong thơ bà, còn thấy ý thức phản kháng, cái nhìn đối lập với truyền thống lề lối cũ đang mục rữa. Bản thân là người có bản lĩnh tự tin mạnh mẽ, Hồ Xuân Hương chế giễu, đả kích cả một xã hội phong kiến với giọng đường hoàng, dõng dạc, chủ động.
Bà không chỉ được đánh giá cao ở trong nước. Chính sự đánh giá cao của nhiều người nước ngoài càng làm chúng ta thêm tự tin. R. Tago trước kia và sau này là nhà thơ Pháp có tên tuổi ở châu Âu - Jăng Rixtal - trong bài Tựa bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp, đã coi Hồ Xuân Hương là “một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam và không chút nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của châu Á”.
Mặc dù được nhân dân tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”, nhưng đã 250 năm, kể từ ngày sinh và 200 năm ngày mất của Hồ Xuân Hương, nhưng công trình nghiên cứu khoa học về thân thế của bà lại quá ít.
Xưa nay, người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, biết chuyện tình của nữ sĩ qua bài thơ Khóc Tổng Cóc “Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!/Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi” và bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường “Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi/Cái nợ ba sinh đã trả rồi/Chôn chặt văn chương ba tấc đất/Tung hê hồ phỉ bốn phương trời/ Cán cân tạo hóa rới đâu mất/ miện túi càn khôn khép lại rồi/ Hai bảy tháng trời đà mấy chốc/ Trăm năm ông phủ VĩnhTường ôi”... Còn cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để có duyên thơ, thì đến nay vẫn là huyền bí.
Sách Giai nhân di mặc (tác giả Nguyễn Hữu Tiến) viết Hồ Xuân Hương là con của cụ tú tài Hồ Phi Diễn (người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với người vợ thứ; được sinh ra tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây hiện nay). Còn theo học giả Trần Thanh Mại, cha của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh (cũng người Nghệ An) với người vợ lẽ là Hà Thị.
Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất