PGS-TS Đoàn Lê Giang: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu - Nhìn trên bình diện thế giới

30/11/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, trong tuần trước, kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua danh sách về danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023. Và, cùng với 58 hồ sơ trên khắp thế giới, 2 thi sĩ của Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu đã có tên trong danh sách này.

Thư gửi robot Citizen: Văn hóa và con người

Thư gửi robot Citizen: Văn hóa và con người

Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội. Quan sát “Hội nghị Diên Hồng văn hóa” lần này, tôi thấy có rất nhiều điều đáng mừng khi vấn đề chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới được hết sức chú trọng.

Nhìn từ sứ mệnh của UNESCO, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) bàn về tầm ảnh hưởng của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu trong văn hóa, đời sống.

* Như vậy, trong năm 2022 tới, UNESCO sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của Hồ Xuân Hương và 200 năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Theo ông, vì sao 2 nhà thơ này được chọn vinh danh?

- Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu đều là những nhà thơ lớn của Việt Nam, được đông đảo nhân dân Việt Nam yêu thích, truyền tụng. Tác phẩm của họ được dịch ra nhiều thứ tiếng, được biết khá rộng rãi trên thế giới.

Thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra 12 thứ tiếng, với 30 bản dịch. Ngoài những ngôn ngữ phổ biến như Pháp, Anh, Nga, Trung, Đức, Tây Ban Nha, thơ Hồ Xuân Hương còn được dịch ra tiếng Ba Lan, tiếng Séc, Slovakia, Bulgaria, Romania, Phần Lan…

Chú thích ảnh
PGS-TS Đoàn Lê Giang

Tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra 3 thứ tiếng là Pháp, Anh, Nhật với 9 bản dịch.

Những tác giả được biết đến rộng rãi trên thế giới như vậy tất nhiên đáp ứng được tiêu chí của UNESCO.

* Chắc 2 nhà thơ này phải có đóng góp nổi bật khác cho văn hóa, cho đời sống tinh thần của nhân loại?

- Đúng thế, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh chính là do những giá trị nổi bật trong sáng tác của 2 nhà thơ. Những giá trị ấy phù hợp với lý tưởng, sứ mệnh của UNESCO, như Công ước thành lập của tổ chức này ngày 16/11/1945 đã nêu rõ: “… thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”.

Theo đó có thể thấy, thơ Hồ Xuân Hương là bài ca về vẻ đẹp tâm hồn, tài năng và thân thể của người nữ; là tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ, đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng và hạnh phúc của phụ nữ. Có thể nói Hồ Xuân Hương là nhà thơ nhân văn chủ nghĩa, đồng thời là nhà đấu tranh cho nữ quyền sớm nhất và mạnh mẽ nhất ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bùi Xuân Phái vẽ phác thảo 2 câu thơ “Chơi xuân đã biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!” trong bài “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương

Còn với Nguyễn Đình Chiểu, trước hết là truyện thơ Lục Vân Tiên. Tác phẩm này đề cao tình nghĩa ở đời, đề cao tinh thần nghĩa hiệp, bảo vệ người yếu đuối, thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: Ở hiền gặp lành, kẻ ác phải bị trừng phạt.

Thơ và văn tế của Nguyễn Đình Chiểu là những áng văn trác tuyệt thể hiện một tình cảm thiết tha đối với vận mệnh của đất nước, một khát vọng mãnh liệt về quyền tự quyết của dân tộc. Với tinh thần ấy, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là nhà thơ hàng đầu trong phong trào chống thực dân của các dân tộc Á, Phi - một phong trào được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với lý tưởng của UNESCO.

Như chúng ta đã biết, UNESCO mới kỷ niệm Thập kỷ quốc tế xóa bỏ chế độ thực dân 10 năm trước đây (2001 - 2010). Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với tinh thần nhân đạo, thân dân, yêu chuộng hòa bình - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Chiểu luôn phản ánh số phận của nhân dân: Nhân dân là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, trong đó ông đặc biệt chú ý đến phụ nữ và trẻ em - những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội.

Chú thích ảnh
Hai tập của “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” được in với tiếng Anh, Pháp, Việt/Nôm, với phần tranh minh họa của nghệ nhân Lê Đức Trạch và phần chú giải của Eugene Gibert từ cuối thế kỷ 19

* Riêng về Nguyễn Đình Chiểu, ông không chỉ có thơ văn mà còn là một thầy giáo, thầy thuốc. Điều này có được UNESCO đánh giá cao?

- Ông học giỏi, nhưng sớm bị mù lòa. Ông đã cố gắng với một nghị lực phi thường, vượt qua nghịch cảnh để sống và làm việc có ích cho đời. Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo có uy tín và đức độ. Học trò của ông đông đến hàng trăm, hàng ngàn người, rải khắp Sài Gòn, Cần Giuộc, Ba Tri. Người dân lục tỉnh gọi ông là “cụ Đồ” với thái độ kính trọng mà thân thương.

Ông là thầy thuốc lớn, rất đề cao y đức, thương dân, có trách nhiệm. Trong Lục Vân Tiên, ông từng gay gắt lên án bọn lang băm hám lợi, hại người. Sách Ngư tiều y thuật vấn đáp của ông là sách giáo khoa, cẩm nang về nghề y, đương thời rất được các thầy thuốc ưa chuộng, họ sao chép, sử dụng rất nhiều. Hình tượng Kỳ Nhân Sư trong tác phẩm ấy thể hiện sự gắn bó của người trí thức với số phận đất nước và nhân dân. Nước mất, Kỳ Nhân Sư bỏ vào núi vì không muốn làm người trí thức vong bản; buồn đau và bất lực, ông đã dùng chính hiểu biết về nghề thuốc của mình xông mù đôi mắt để khỏi thấy cảnh đất nước điêu linh, sinh dân nghiêng nghèo.

Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng của người trí thức, cuộc đời và sáng tác của ông, lời nói và việc làm của ông luôn thống nhất làm 1.

* Ông đánh giá thế nào về tinh thần tự do thân thể, ái tình, tư tưởng của Hồ Xuân Hương? Nhìn về lịch đại, một tinh thần tự do như vậy trong văn học thế giới, có phải là nhiều không?

- Từ trong khuôn khổ chật hẹp, đầy định kiến của xã hội phong kiến Á Đông, thơ Hồ Xuân Hương đã đề cao tinh thần tự do thân thể, tự do ái tình, đề cao quyền bình đẳng của nữ giới. Việc đấu tranh cho bình đẳng giới của Hồ Xuân Hương rất đặc biệt: Xuân Hương không biến người nữ thành nam giới, mà người nữ bình đẳng với nam giới trong khi vẫn giữ được cái đẹp, cái cao quý của nữ giới từ tính cách đến thân thể.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Giai nhân di mặc” của Nguyễn Hữu Tiến (1916) có vẽ một hình chân dung hư cấu về Hồ Xuân Hương

Nhìn theo chiều lịch đại, trong các nước khu vực Đông Á, tính dục được đề cập đến khá nhiều, nhất là trong tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, nhưng trong thơ ca thì phải nói là rất hiếm. Làm thơ ngợi ca thân thể người nữ và niềm hoan lạc tính dục, viết vui đùa giữa thanh và tục như Hồ Xuân Hương thì quả là có 1 không 2. Hiện tượng như thơ Hồ Xuân Hương chỉ có thể ra đời từ một nền văn hóa đậm chất trào tiếu, dân gian, phồn thực như văn hóa Việt mới có được.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm