06/01/2022 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Triển lãm cá nhân Mở của Hiền Nguyễn khai mạc lúc 18h ngày 9/1 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM) sẽ là một cuộc đối thoại với cái bao la của vũ trụ.
Trong các cuộc trò chuyện về nghệ thuật, Hiền Nguyễn say sưa chia sẻ về ý tưởng khám phá vũ trụ, đặt mình bé nhỏ và rợn ngợp trước cái bao la của thiên hà. Nếu chỉ nghe chị tâm sự, có lẽ người nghe sẽ nhầm tưởng rằng chị vẽ tranh để minh họa các câu chuyện vũ trụ, nhưng không phải vậy. Tự thân những tác phẩm sơn mài của chị dường như đang hiển lộ và trầm lắng về một vũ trụ tâm tư, nhiều hơn là nói về vũ trụ vật lý.
Vũ trụ từ các sắc thái
Từ ý tưởng khởi thủy cho đến hành vi sáng tạo luôn có một độ chênh nhất định. Chính độ chênh này vừa cho thấy cái mới lạ của tác phẩm, vừa ẩn giữ cốt cách tiềm tàng của nghệ sĩ. Suốt gần 20 năm vẽ chuyên nghiệp, Hiền Nguyễn từ đầu chí cuối thủy chung theo đuổi sơn mài, nghiền ngẫm và tìm cách phát huy hết những hiệu quả của vật liệu này.
Mỗi triển lãm của chị trước đây luôn mang đến cho người xem một sự tái khám phá, tái nhận thức về độ rung cảm sâu thẳm nơi tranh sơn mài. Đến triển lãm lần này cũng vậy, cái làm cho người xem thấy hấp dẫn không nằm ở tên gọi, hoặc chủ đề chung, mà chính là nội dung tinh thần mà các sắc độ đan pha trong tác phẩm đang khơi gợi, kích thích người xem.
Để làm được điều này, trước hết phải có một khả năng đặc biệt về cảm màu. Sự cảm màu nhạy bén và tinh tế đã cho phép chị lướt qua những yếu tố về hình, nét, nơi tác phẩm chỉ còn những rung động về màu sắc, va chạm, tan hòa và tôn nâng nhau.
Nhìn lại toàn bộ sáng tác của chị có phần nào đó gợi tưởng đến bảng màu và cách biểu hiện của Emil Nolde (1867-1956) - một danh họa tiên phong của trường phái biểu hiện. Khi đặt các tác phẩm của họ cạnh nhau, dễ nhận thấy sự gần gũi về mặt tinh thần, đặc biệt là kĩ thuật xếp chồng những mảng miếng, trực giác màu. Nhưng khác biệt lớn trong tranh của Hiền Nguyễn chính là những trầm tích, sắc thái màu của vật liệu sơn mài, được chị khéo léo và kỳ công mài, bồi. Những trầm tích và sắc thái này sẽ tùy góc độ của ánh sáng mà chúng sẽ hiển lộ và lóng lánh theo muôn vàn kiểu khác nhau.
Hiệu ứng đặc biệt này của sơn mài phần nào đó, vô tình hoặc hữu ý, lại kết hợp với chủ đề vũ trụ - vốn là chốn của tranh tối tranh sáng - làm hiển lộ hoặc ẩn giấu vạn vật. Nên, câu chuyện mà họa sĩ muốn kể bằng màu sắc rốt cuộc lại không chỉ là câu chuyện của vũ trụ, mà thành ra là câu chuyện của chất liệu, của tâm tư, của những hiện diện nghệ thuật mà chị đã dung chứa và tiếp nhận. Nếu tác giả choáng ngợp trước cái mênh mông thăm thẳm của vũ trụ, thì người xem lại choáng ngợp trong vũ trụ sắc màu. Đó mới là “vũ trụ” bất tận mà người nghệ sĩ đóng vai trò như thượng đế kiến tạo.
Thay đổi vì nghệ thuật
Còn nhớ, triển lãm cá nhân đầu tiên cách đây 10 năm, Hiền Nguyễn chọn cái tên Những cung bậc cảm xúc. Đến các triển lãm sau dường như chị đang thi triển từng cung bậc xúc cảm cụ thể với các hành động chủ điểm như Ủ (tháng 1/2019), Thở (tháng 10/2019) và lần này là Mở (tháng 1/2022).
Câu chuyện chủ đề của triển lãm này làm liên tưởng đến những câu thơ của Trần Viết Dũng: “Mẹ-hạt-bụi-mênh-mông-mặt-đất/ Mặt-đất-hạt-bụi-mênh-mông-thiên-hà/ Hai hạt bụi suốt đời ta qua chẳng hết/ Đêm nhìn trời đụng cõi bao la”. Con người chỉ là hạt bụi trong hạt bụi nếu đặt trong tương quan kỳ vĩ, lớn lao của thiên hà, vũ trụ.
Hành động sáng tạo nghệ thuật, về bản chất, có lẽ chính là người nghệ sĩ muốn an ủi chính tâm hồn mình sau những nhận thức, khám phá ra sự khôn cùng của vũ trụ và của kiếp nhân sinh. Khi người ta trầm trồ về một sự vĩ mô cũng có nghĩa là họ đã thấy được sự nhỏ bé của chính mình. Và họ muốn mình giãn nở, ít nhất về mặt kích thước tinh thần, để hòa vào sự khôn cùng của vũ trụ.
Qua một tác phẩm như Linh hồn Icarus hiển lộ trong nhật thực, ta có thể hiểu được phần nào đó lựa chọn của Hiền Nguyễn. Icarus là nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, chàng có đôi cánh làm bằng sáp ong và lông chim, vì mải mê đuổi theo thần mặt trời, nên đôi cánh bị tan chảy, rơi thẳng xuống biển.
Icarus có thể vì đam mê mà đánh mất chính mình, nhưng nếu như chàng không theo đuổi đam mê ấy thì đôi cánh kia của chàng chỉ đơn giản là bay, bay mãi trong vô tận, không chủ đích, luôn phải dè chừng chính mình mà chẳng vì mục đích nào cả. Ẩn dụ này được Hiền Nguyễn sử dụng như một cách xác định con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi. Phải hướng đến cái kỳ vĩ, vô tận, thậm chí phải trả giá chứ không thể ở mãi trong vùng an toàn để rồi tự day dứt với chính mình, với nghệ thuật.
Lê Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất