Họa sĩ Hoàng Trầm lần đầu mở triển lãm ở tuổi 82: Những ký họa 'khó đụng hàng'

24/06/2015 08:12 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hoàng Trầm (sinh 1928 tại Sài Gòn, nguyên quán Long An) là một tài năng lặng lẽ, đa diện. Riêng mảng ký họa, ông đã tỏ ra xuất sắc bởi sự hoàn chỉnh về ngôn ngữ, ý tứ, bố cục, tự nó đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc lập.

Triển lãm Ký họa Hoàng Trầm đang diễn ra tại Urban Art (46 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) thêm một lần minh chứng cho điều này.

Ký họa của ông chia làm các mốc chính: Giai đoạn 1962 - 1963: đi thực tế để làm bài tốt nghiệp. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1964. Giai đoạn 1965 - 1969: Việt Nam đang trong lúc chiến tranh, ông dẫn sinh viên đi thực tập tại Thanh Hóa. Giai đoạn 1978: Đi thực tế cùng đồng nghiệp, cư trú tại nhà dân.

Nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Ông trọn vẹn thuộc về một thời đặc biệt trong thế kỷ 20 của Việt Nam và nghệ thuật của ông cũng trọn vẹn là nghệ thuật của thời đó”.


Họa sĩ Hoàng Trầm

Điểm nhìn riêng trong bối cảnh chung

Trưởng thành trong kháng chiến và chịu ảnh hưởng của mục đích tuyên truyền, hiển nhiên Hoàng Trầm cũng như các họa sĩ cùng thời như Đường Ngọc Cảnh, Hà Quang Phương, Nguyễn Thanh Châu, Lê Thị Kim Bạch, Huỳnh Phương Đông, Quách Phong, Xuân Doãn, Tô Dự, Huy Hiếu, Thái Đắc Phong, Văn Tâm… đã có nhiều tác phẩm thể hiện điều này.

Thế nhưng, do khát vọng hòa bình, do bản tính riêng, nhiều tác phẩm của Hoàng Trầm luôn “có độ lùi” về sự kiện để đạt đến cõi trữ tình, đạt đến sự bình yên và nhân văn trong mọi hoàn cảnh. Trong các họa sĩ đã dạy ông như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Tỵ…, có lẽ Hoàng Trầm chịu ảnh hưởng về quan niệm trữ tình của Nguyễn Tiến Chung.

Nhìn lại 3 giai đoạn ký họa của Hoàng Trầm, nhất là trong thời chiến, ông đều chắt lọc bối cảnh, con người để thể hiện được sự bình yên. Đành rằng mục đích “nhẹ nhàng hóa chiến tranh” cũng là chủ trương chung thời bấy giờ, nhưng rõ ràng tự thân mỗi họa sĩ lại có chọn lựa riêng. Sau mấy mươi năm, nay xem lại năm bảy trăm ký họa ấy, thấy chủ đạo vẫn là sự bình yên, nên thật khó để nói rằng họa sĩ không có chủ đích.

Có một điều hơi chuyên môn, nhưng cũng cần đề cập, đó là dòng chảy chủ đạo trong quan niệm hội họa. Người ta có thể thấy trong từng ký họa, từng nhân vật, ông vẫn chủ đích thể hiện phong thái, tâm tư của từng địa phương. Chỉ riêng khía cạnh này đủ thấy những ký họa của ông là “khó đụng hàng”.

Ông quan niệm: “Dù vẽ tranh gì, theo phong cách gì, trường phái nào, suy cho cùng nó cũng trực tiếp hay gián tiếp bắt nguồn từ cuộc sống”.


Ký họa “Nữ tự vệ Ngư Thủy - Quảng Bình”, Hoàng Trầm vẽ năm 1969

Một tài năng lặng lẽ

Nhìn ở khía cạnh chính thống, Hoàng Trầm đúng nghĩa là họa sĩ của dòng này, suốt đời gìn giữ lý tưởng giáo dục và sáng tác. Rất nhiều tác phẩm của ông được hệ thống bảo tàng nhà nước sưu tập; năm 2001, ông được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng có vẻ như ông không lấy điều này làm cơ hội nghề nghiệp cho mình, chỉ lặng lẽ làm việc và làm việc, còn cái gì đến thì tự nhiên đến mà thôi.

Sự lặng lẽ này một phần đến từ cá tính đặc trưng của một nghệ sĩ Nam bộ, một phần đến từ sự khiêm nhường vốn có của một thầy giáo chân chính, luôn coi học trò là trung tâm, là tương lai của giáo dục. Sáng tác liên tục, có nhiều tác phẩm tiêu biểu, nhiều giải thưởng, vậy mà đến tuổi 82 (năm 2010) ông mới “mạnh dạn” làm triển lãm cá nhân đầu tiên. Mà hình như triển lãm ấy cũng do các thế hệ học trò nài nỉ ông đồng ý để họ thực hiện.

“Ẩn dấu sau cái tình trong hội họa Hoàng Trầm là một sự mẫn tiệp rụt rè và bình thản, một sự khoan hòa, tế nhị ở từng nét vẽ, dựng hình, phối màu. Một tình yêu lớn nhưng không “cao giọng”, tuyên truyền mà tâm tình cụ thể, cảm thương và sảng khoái chân thật. Ngay ở tranh phong cảnh, dù thô mộc sơn dầu, bóng bảy sơn mài, hoặc nhỏ nhẹ màu nước, mọi thứ đều bao dung như ta thấy và nhớ. Tôi được thấy cái hào hoa kinh kỳ Hà Nội phảng phất trong tranh thời chiến và cũng được thấy những con người Nam bộ đi chợ trên thuyền, mẹ con, ông cháu … của thời bình vẫn mộc mạc, không “son phấn thị trường”, Nguyễn Quân kết luận.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm