30/04/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Họa sĩ Lưu Yên Thế bỗng nhiên được rất nhiều người chú ý đến khi hồi đầu tháng 4 này, tờ Guardian nổi tiếng của nước Anh đã đưa các bức tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đến với thế giới. Không chỉ đăng tải tranh của Lưu Yên Thế, tờ Guardian còn trích dẫn lời chia sẻ đầy tự hào của ông: "Vẽ áp phích tuyên truyền vốn là sở thích của tôi từ những năm 1960 và 1970... Thời đấy, bạn có thể thấy những bức tuyên truyền lớn trên khắp đất nước tôi".
Hơn 70 năm tuổi đời, 50 năm tham gia vẽ tranh cổ động, lão họa sĩ (sinh năm 1947) vẫn không ngừng sáng tạo, không vắng mặt ở bất cứ cuộc thi sáng tác tranh cổ động nào với bộ sưu tập hàng chục giải thưởng lớn. Tháng 4 này, ông còn có một tin vui nữa: tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), tác phẩm 30.4 đại thắng của ông được trao giải Nhì.
Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, họa sĩ Lưu Yên Thế cho biết, bức tranh 30.4 đại thắng vẽ hình một anh giải phóng quân một tay giương cao súng, một tay chỉ về phía Dinh Độc Lập có cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
“Khi vẽ bức tranh 30.4 đại thắng, tôi muốn chuyển tải thông điệp khẳng định thắng lợi của nhân dân ta sau những năm chiến đấu gian khổ, đồng thời thể hiện khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam” – ông nói.
“Nếu như những lần vẽ trước, và như nhiều hoạ sĩ khác thường thể hiện ý tưởng qua hình ảnh xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập - đây là một hình ảnh đẹp nhưng đã được sử dụng nhiều lần, nên lần này tôi tìm cách thể hiện khác. Nói đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có một hình ảnh mang tính biểu tượng của sự hy sinh anh dũng, đó là người chiến sĩ giải phóng quân. Các anh đã hiến trọn tuổi xuân, hy sinh xương máu để giành độc lập, hoà bình cho Tổ quốc. Vì vậy ở bức tranh này tôi thể hiện hình ảnh một chiến sĩ giải phóng quân như một bức tượng đồng, tay giơ cao súng, tay chỉ vào Dinh Độc Lập, nơi lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong ngày chiến thắng. Lá Quốc kỳ đang tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là khẳng định một đất nước thống nhất như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” – họa sĩ chia sẻ.
Trước đó, ngay sau khi nhận được thư mời của Cục Văn hóa cơ sở về cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục với chỉ 5 ngày, nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn hoàn thành 2 tác phẩm.
Đó là bức tranh Chống dịch như chống giặc vẽ hình một bác sĩ hướng dẫn người dân cách đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Bức tranh ngay lập tức được tờ Guardian (Anh) đăng tải, bày tỏ sự cảm phục và ca ngợi các họa sĩ cổ động chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Tác phẩm thứ 2 mang tên: Chung tay phòng chống Covid-19 với hình ảnh bác sĩ đeo khẩu trang nói chuyện với người dân.
Họa sĩ Lưu Yên Thế bày tỏ: “Với đề tài Covid-19, thời gian quá gấp, chỉ có đúng 5 ngày. Khi tôi nhận được thư mời thì chỉ còn 3 ngày để vẽ. Nhưng phòng chống dịch Covid-19 đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, cả đất nước, cả thế giới cùng chung tay. Do vậy, ý tưởng trong tôi xuất hiện ngay lập tức để góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch mà Chính phủ và toàn dân đang đồng lòng thực hiện”.
Họa sĩ cũng tâm sự rằng: “Tôi rất vui khi được báo chí nước ngoài giới thiệu tranh của mình. Như vậy là tranh của hoạ sĩ Việt Nam tuyên truyền cổ động cho phòng chống dịch Covid-19 đã được lan toả ra thế giới. Điều đó nói lên quyết tâm chống dịch của Việt Nam. Trong cuộc phòng chống dịch bệnh này, chúng ta đã huy động tổng lực bằng mọi hình thức, trong đó có tranh cổ động”.
Cả tranh Covid-19 và tranh 30/4 đều được họa sĩ Lưu Yên Thế vẽ trong thời gian dưỡng bệnh. Trong những ngày này cứ khi nào không phải tiêm, chích thuốc là ông lại cầm cọ vẽ. Thậm chí cả khi đang truyền thuốc, ông vẫn mải mê đi tìm ý tưởng để khi khoẻ thì thể hiện lên tranh”.
Họa sĩ Lưu Yên Thế sinh năm 1947, nguyên là họa sĩ của Sở VH,TT Hà Tây (nay là Hà Nội) đã nghỉ hưu. Từ những năm 1960, 1970, ông đã là họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng và có nhiều tranh được in phát hành toàn quốc. Trong đó có thể kể đến giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động 70 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam của Bộ Quốc phòng (năm 2014), Giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động về Người chiến sĩ công an - Vì nước quên thân vì dân phục vụ của Bộ Công an (năm 2018). Ngoài ra là nhiều giải Nhì, giải Ba của Bộ VH,TT&DL và các bộ ngành về tất cả các đề tài.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lưu Yên Thế, trong những năm chống Mỹ, tranh cổ động của các hoạ sĩ sáng tác thường được làm mẫu để phóng to trên các pano treo dọc đường hoặc những vị trí tập trung đông người. Việc in ấn thời đó rất hạn chế nên các mẫu tranh thường không được lưu trữ tốt.
Hoài Thương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất