Họa sĩ Nguyễn Thành Phong: Dùng truyện tranh để thu hút giới trẻ

16/05/2013 12:33 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - "Tôi không biết nên vui hay buồn vì chỉ đến khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ hay Phê như con tê tê ra đời thì mọi người mới biết đến tôi, mặc dù trước đó tôi sáng tác và hoạt động như một họa sĩ truyện tranh" - họa sĩ 27 tuổi chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Thành Phong vừa tham dự tại tọa đàm về truyện tranh ở Viện Goethe, Hà Nội tối 14/5 với tư cách diễn giả cùng với nữ họa sĩ người Đức Line Hoven.

"Truyện tranh về xã hội là cách tiếp cận thông minh"

Quả thực, khi nhắc đến Thành Phong, hầu hết mọi người chỉ nhớ anh là tác giả của những bức vẽ tếu, vài bức rất có ý nghĩa xã hội, vài bức hơi vặt vãnh trong cuốn thành ngữ sành điệu Sát thủ đầu mưng mủ, về sau được bổ sung tái bản với tên Phê như con tê tê. Không nhiều người nhớ bộ truyện bóng rổ học đường Orange mà anh sáng tác cùng người bạn Khánh Dương. Trong khi đó, với Thành Phong, vẽ truyện tranh dài kỳ mới là cái nghiệp mà anh muốn theo đuổi.

Nhưng, họa sĩ cho biết, nhiều khả năng Orange là bộ truyện cuối cùng anh vẽ cho lứa tuổi thiếu nhi, vì mối quan tâm của anh đã chuyển hẳn sang một mảng đề tài mới: các vấn đề xã hội.


Họa sĩ Nguyễn Thành Phong

Các chùm tranh về Hà Nội đương đại của Thành Phong đã xuất hiện trong dự án City Tales (Câu chuyện đô thị) do Viện Goethe tổ chức. Dự án kéo dài 1 năm từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2013, quy tụ các họa sĩ truyện tranh từ 8 nước: Việt Nam, Đức, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Australia. Các tác phẩm của Thành Phong đều được đăng trên blog City Tales, đồng thời được nhiều tờ báo Việt Nam đăng lại và gây dư luận rất tốt.

"Thành Phong vẽ về những vấn đề nghiêm túc một cách hài hước và khiến người đọc phải suy nghĩ" - Tiến sĩ Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe, nhận xét về loạt truyện tranh ngắn mà Thành Phong sáng tác cho dự án City Tales.

"Tôi muốn dùng hình thức thể hiện là truyện tranh để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với các mảng đề tài có vẻ khô khan như thời sự, chính trị, xã hội… Tôi nghĩ truyện tranh là một cách tiếp cận thông minh" - Thành Phong bày tỏ.



Truyện Rùa của Thành Phong (tháng 7/2012) nằm trong chùm truyện  sáng tác cho dự án City Tales

Facebook - công cụ "triển lãm" tuyệt vời

Đề tài sáng tác của Thành Phong cho thấy anh chia sẻ nguồn tin tức với bất cứ ai cùng thế hệ với mình: xe chính chủ, chứng minh thư ghi tên bố mẹ, rùa Hồ Gươm, phở quát, đời sống phố cổ, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội… Nhưng cũng như nhà văn trẻ Phan An (admin trang Lacai.org), ở Thành Phong có cách suy nghĩ sâu sắc và qua lăng kính hài hước, khiến mỗi vấn đề đều có thêm tầng ý nghĩa mới.

Chẳng hạn, liên tưởng chuyện "giải cứu cụ rùa Hồ Gươm" với các quán đặc sản "Ba ba 7 món" mở khắp Hà Nội, Thành Phong vẽ về đề tài này với cái "tứ": "Địa vị xã hội rõ ràng là quan trọng mà". Ở đây có sự nhân cách hóa, nói cả chuyện con người chứ không chỉ chuyện con rùa.

Năm ngoái, trong một triển lãm truyện tranh ở Thư viện Hà Nội, Thành Phong cũng được mời gửi tranh triển lãm. Anh vẽ một tác phẩm về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng sau lại bị ban tổ chức từ chối vì đề tài người lớn quá, không dành cho thiếu nhi. Sau đó, họa sĩ quyết định đăng lên Facebook, và kết quả mỹ mãn ngoài mong đợi: hơn 100.000 lượt xem sau 10 ngày.

"Tôi nghĩ khó có triển lãm tranh nào đạt được số lượt người xem như thế, mà hình thức "triển lãm" ở đây lại quá đơn giản. Với truyện tranh thì Internet là công cụ phổ biến tuyệt vời" - Thành Phong nói.

Độ tuổi của Thành Phong cũng có thể tính là thuộc thế hệ "ăn ngủ" Facebook, một thế hệ tư duy và hành xử dưới tầm ảnh hưởng của Facebook. Nhưng họa sĩ khẳng định với TT&VH, anh không để những ý kiến trên Facebook hoặc các trang mạng ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của mình. Thông thường, anh chỉ dùng Facebook để phổ biến tác phẩm sau khi hoàn thành chứ không phải là nơi "trưng cầu dân ý" độc giả về các đề tài, cách khai thác đề tài sắp sáng tác.

Cuộc tọa đàm tối 14/5 với 2 diễn giả Line Hoven và Thành Phong cho thấy sự khác nhau giữa truyện tranh Đức và Việt Nam, ít nhất là về đề tài sáng tác. Trong khi nữ họa sĩ Hoven rất hướng nội, vẽ về cá nhân, gia đình và các mối quan hệ tình cảm, thì Thành Phong rất hướng ngoại, hướng "ngòi bút" đến đời sống xã hội.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

"Thành Phong còn trẻ nhưng có sự bài bản trong tư duy và "đọc vị" được xã hội hiện tại. Các yếu tố đó có thể sẽ tạo nên những tác phẩm thức tỉnh được thế hệ này. Từ những gì Phong đã làm, tôi thấy đó là một họa sĩ có đủ năng lượng để đi xa" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét trong một lần trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm