Họa sĩ Thu Hà: Thà 'giết' một cái áo!

17/11/2015 06:30 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Thuở bé, khi anh trai - NSND, đạo diễn Thanh Vân được cha là cố NSND, đạo diễn Hải Ninh dẫn theo đoàn làm phim, thì Thu Hà ở nhà, hoặc đi tới ngân hàng với mẹ. Cha mẹ muốn bảo bọc cho cô con gái cưng càng lâu càng tốt, riêng mẹ không muốn chị theo ngành điện ảnh. Nhưng cuối cùng chị đã bị điện ảnh chọn, và theo nghề họa sĩ thiết kế trang phục trong phim cho đến bây giờ.

Tháng 10 vừa qua Trường Đại học Văn hóa tổ chức tọa đàm về trang phục trong phim cổ trang. Nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên, nhà báo sau khi chiêm ngưỡng những bộ trang phục trong phim Trò đời, Lều chõng, Long Thành cầm giả ca đã bày tỏ niềm ngưỡng mộ với họa sĩ phục trang Nguyễn Thị Thu Hà.

Đây là một trong vài lần hiếm hoi trang phục do chị Thu Hà thiết kế được giới thiệu với công chúng. Dù nghề phục trang ít được nhắc đến trong điện ảnh Việt, thậm chí còn không có trong bảng lương nhà nước, nhưng Thu Hà cho biết khi đã “bị” nghề chọn thì chị sẽ phụng sự nghề.

Mẹ không muốn tôi theo điện ảnh

* Sinh ra trong một gia đình điện ảnh, lợi thế “sân nhà” có giúp được chị nhiều trong quá trình khởi nghiệp không?

- Hồi tôi mới ra trường bắt đầu đi làm, phim đầu tiên được cộng tác là Giải hạn. Trước khi đi anh Vân có nói với tôi: “Hà nhớ là đoàn phim cần người làm được việc, hiểu việc, Hà có xinh đẹp, nhẹ nhàng, dễ thương đến mấy mà không được việc thì mời em về Hà Nội”.

Cũng phũ phàng lắm, chứ không yêu chiều gì đâu. Hầu hết mọi người trong gia đình tôi đều rất yêu công việc, tôi đã có được ảnh hưởng tốt đó. Mẹ tôi không làm nghệ thuật, bà làm ngân hàng. Tôi vẫn nhớ bà nói với tôi: “Nghề nào cũng cần nghệ thuật con ạ. Nghề kế toán của mẹ cũng có nghệ thuật riêng. Và làm gì cũng phải cố gắng giỏi ở lĩnh vực đó”.


Nhận danh hiệu NSƯT năm 2012

* Từng làm thiết kế cho các phim Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Lều chõng, Trò đời với đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang (vợ của đạo diễn Thanh Vân). Ê-kíp “người nhà” thì đòi hỏi với người nhà sẽ thế nào thưa chị?

- Nhiều người nghĩ tôi được ưu ái. Ưu ái rõ ràng nhất là được tiếp cận khá sớm với kịch bản, nên có thời gian chuẩn bị nhiều hơn. Thỉnh thoảng cũng được ưu ái về ngân sách làm trang phục, nhưng bù lại đòi hỏi bao giờ cũng cao hơn. Một họa sĩ khác có thể nói, với ngân sách này tôi chỉ có thể làm một chiếc áo cho nhân vật, nhưng tôi thì không thể nói thế, tôi sẽ phải âm thầm chuẩn bị 2-3 phương án.

Làm việc với người thân thì bao giờ mình cũng bị lấy làm gương, vì không bảo được mình thì bảo được ai. Khen mình thì khó hơn, và mắng mình cũng dễ hơn mắng người khác.

* Trông chị nhẹ nhàng thế này, sao lại chọn vào đoàn làm phim?

- Tôi thực ra không hề có trải nghiệm đoàn làm phim như anh tôi. Hồi nhỏ cứ Hè đến là mẹ giao anh Vân cho bố. Còn tôi chủ yếu ở bên ngân hàng với mẹ. Sau này tôi có hỏi bố tại sao cho anh Vân đi làm phim mà không cho tôi đi. Ông bảo ông lo con gái lúc đó chưa trưởng thành đi theo sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Tôi học vẽ từ nhỏ nên sau này mọi người mặc nhiên là tôi sẽ thi vào trường mỹ thuật. Nhưng cuối cùng tôi lại thi Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Thiết kế mỹ thuật. Ra trường mọi người khuyên tôi nên chuyển sang phục trang, vì nữ giới làm thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh quá vất vả.


Trang phục nữ du kích trong phim "Đừng đốt" do họa sĩ Thu Hà thiết kế

Họ hàng cũng phản đối gia đình tôi lắm, hỏi sao lại để Hà theo nghề này. Nhưng mình nghĩ, nghề đã chọn mình thì mình sẽ phải phụng sự nghề.

Sau này đi lấy chồng rồi, chồng tôi cũng xác định ngay từ đầu anh ấy sẽ lo về kinh tế, còn tôi lo việc gia đình. Nên mình vẫn chỉ làm phim nhà nước theo kế hoạch thôi, chứ không nhận nhiều phim. Nhiều tháng theo đoàn làm phim, lúc về lại được ông xã dúi tiền để biếu bà nội, bà ngoại.

Không muốn nhân vật mặc trang phục cũ

* Ít người hiểu về công việc của một họa sĩ thiết kế phục trang. Chị có thể mô tả công việc của mình cho độc giả không?

- Trong hội họa, toan là vật liệu để họa sĩ vẽ lên. Thì với điện ảnh, khuôn hình chính là tấm toan, nhưng tấm toan này sẽ do nhiều người cùng “vẽ”. Phục trang chỉ là một hòa sắc trong tổng thể “bức tranh” này.

Khi nào đạo diễn đi chọn cảnh tôi đều xin đi cùng, ban đầu họ nghĩ mình ham chơi, nhưng thực ra mình cần cảm nhận không gian để từ đó thiết kế cho phù hợp. Khi đi, ngồi nói chuyện với các cụ ở địa phương, được xem ảnh gia đình, sẽ lại hiểu ra rất nhiều điều.

Hồi tôi làm Huyền thoại 1C, trò chuyện với những cô từng làm tại xưởng quân trang Quân khu 9 mới biết cùng là áo bà ba, nhưng Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang mỗi nơi may một kiểu. Những người hoạt động ngầm thời đó có căn cước ở Cà Mau mà mặc áo Cần Thơ là bị lộ ngay.

Chiếc áo lúc đó là sinh mạng chứ không phải thời trang nữa. Thời gian làm phim này, các cô đã lập xưởng may dã chiến hỗ trợ đoàn làm phim may phục trang. Khi diễn viên mặc trang phục, các cô đã ôm nhau khóc vì nhớ thời xưa.


Thiết kế trang phục trong phim "Long Thành cầm giả ca"

* Nghe nói phục trang càng thật bao nhiêu sẽ đem lại cho diễn viên cảm giác diễn thật bấy nhiêu?

- Khi làm Đời cát, ê-kíp diễn viên ở trong Nam nên tôi phải may theo số đo. Đến khi vào Quảng Bình, tôi mới phát hiện ra, nếu trong kịch bản nhân vật ở Quảng Bình, mình nhờ thợ may địa phương may trang phục thì quần áo sẽ có hồn hơn. Chứ thợ may Sài Gòn, Hà Nội dù được mô tả kỹ nhưng chưa chắc đã làm giống kiểu cách may ở địa phương đó được.

Nói thực là kinh phí không phải lúc nào cũng dư dả, nhưng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Có lẽ vì thế mà mình cũng được nhiều người giúp. Hồi làm phục trang cho phim Long Thành cầm giả ca tôi đã tìm tới Vạn Phúc, La Khê để mua vải tơ tằm. Các bác nghệ nhân ở đây vì quý mình ham tìm hiểu đã nhuộm cho từng mảnh 3m một.

Khi làm trang phục cho nhân vật Nguyễn Khản (phim Long Thành cầm giả ca, NSƯT Trần Lực đóng), tôi muốn nhân vật sẽ đeo trâm ngà, đục chạm dáng cành trúc. Tôi tìm đến anh Dũng, nghệ nhân bàn tay vàng nghề truyền thống của Hà Nội, anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Xong phim, tôi và họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã quyết định mua toàn bộ vé một suất chiếu để mời những người đã giúp đỡ chúng tôi.

Bối cảnh và phục trang có ảnh hưởng đến diễn xuất, đó là sự thật. Khi mặc bộ lụa tơ tằm diễn viên Nhật Kim Anh nói cô ấy có cảm giác rất thích, bộ phục trang khiến cô ấy “trôi” được về quá khứ.

Hay như anh Nguyễn Mạnh Đức, khi thiết kế bối cảnh, anh ấy sẵn sàng bê rất nhiều đồ cổ, giả cổ quý giá của mình đến trường quay. Anh em quay phim bảo anh ơi, anh đừng mất công bày nhiều làm gì, em chỉ quay góc này thôi, nhưng anh Đức vẫn làm. Kết quả mọi người phải thừa nhận nhờ sự kỳ công đó đã giúp diễn viên có cảm giác diễn tốt hơn.

Tôi cảm thấy may mắn vì được làm việc với rất nhiều người yêu và am hiểu văn hóa truyền thống Việt.


Cùng cha - NSND Hải Ninh - mẹ và anh trai

* Một người làm phục trang tỉ mỉ như chị có bao giờ gặp tai nạn nghề nghiệp?

- Có những chất liệu quá khó tìm, mà chỉ còn ngần đó, nhiều khi mình cắn răng mua. Nói thật là có lúc hơi “mù quáng”, thấy đẹp quá nên liều, chứ đoàn làm phim mà biết chỉ có 1 cái áo là phát rồ lên đấy.

Rơi vào trường hợp đó mà đạo diễn có kế hoạch quay cảnh máu me trước, rồi mới quay cảnh quần áo sạch sẽ sau, mình lo lắm. Lúc đó, mình tuyệt đối không dám xin phép đạo diễn đổi, vì đó là yêu cầu quá cá nhân. Đành xin với hóa trang là tự cho pha máu giả, loại dây vào áo mà vẫn giặt được ấy. Lúc quay thì lại dặn “máu trên da thịt là máu hóa trang, máu trên áo là máu Hà nhé”.

* Chị từng triển lãm trang phục trong phim, chị có tính lưu giữ làm sưu tập không?

- Sau phim Giải hạn, tôi phát hiện áo cho nhân vật của nữ diễn viên Lê Vy được diễn suốt trên truyền hình. Làm với Hồng Ánh 3 phim Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, tôi chưa bao giờ để cô ấy mặc trùng. Thế nên tôi vô cùng bất ngờ khi thấy 3 nhân vật chính trong phim khác dùng lại áo của Hồng Ánh. Đó chỉ là những chiếc áo cánh không có gì đặc biệt, mà mỗi phim đều có kinh phí trang phục, tại sao không thay cho họ?

Sau này tôi đều chủ động xin thanh lý trang phục mình đã làm, giữ để cho cái áo đó “chết” luôn. Cũng đau đầu mất mấy năm, mọi người bảo Hà “hâm” sao không tận dụng trang phục cho đỡ phí, hoặc thỉnh thoảng cấp cứu cho diễn viên cần mượn. Nhưng với mình không là không, mình lấy về chỉ để vứt hẳn đi.

Sau này khi đi giảng dạy thì tôi mới xin thanh lý trang phục để phục vụ giảng dạy.

* Trong công việc những lần nào chị cảm thấy yên tâm nhất?

- Tôi có 2 lần yên tâm về công việc, sau khi phim Đời cát đi ra nước ngoài, anh Vân về nói với tôi: “Nói cho Hà đỡ tủi thân, đạo diễn Trần Anh Hùng ngoài việc chúc mừng phim, có khen phục trang Đời cát chuyên nghiệp”. Đó là niềm vui lớn với tôi, vì thời điểm đó làm phục trang rất khó khăn. Gần đây làm Người cộng sự, sang Nhật thấy họ làm việc mà cảm phục. Ông giám đốc mỹ thuật 70 tuổi hết giờ làm việc còn cầm chổi quét trường quay. Tôi chạy ra đỡ chổi, thì ông nói “bác yếu bác làm việc này thôi, còn cháu khỏe, hãy dành sức làm việc khác”. Người Nhật làm việc vô cùng có trách nhiệm, khi làm việc với họ tôi rất cảm động vì họ trân trọng mình.

Họa sĩ thiết kế trang phục Nguyễn Thị Thu Hà đã tham gia thiết kế phục trang cho phim điện ảnh Giải hạn, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Hà Nội mùa Đông năm 46, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Long Thành cầm giả ca; phim truyền hình Huyền thoại 1C, Lều chõng, Trò đời,… Hiện chị đang là giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

“Sau khi làm xong Trò đời, tôi mới biết bạn mình là con dâu cụ bà Đặng Thị Lân, chủ hiệu buôn tơ lụa ở Hàng Đào. Người bạn đó đã xin mẹ cho tôi vài bộ áo dài. Trong đó có áo dài dạ, áo dài bông trần thêu hoa rất đẹp, và cũng rất hiếm đấy.

Cụ kể ngày xưa các cụ tứ mùa mặc áo dài, ra khỏi nhà là mặc áo dài. Tôi cũng từng được xem chiếc áo dài cưới của nghệ sĩ Kim Xuân, mẹ NSND Như Quỳnh, đó là áo lụa thêu rất đẹp. Qua đó mình mới thấy trang phục của các cụ ngày xưa đẹp, sang trọng và ý nhị (tất nhiên một phần còn là do lễ giáo). Ngay cả áo the khăn xếp của đàn ông ngày xưa chất liệu cũng đẹp và dễ chịu lắm, chứ không phải voan Trung Quốc như bây giờ đâu.

Vì mọi người không có điều kiện tiếp xúc với chất liệu thật nên không thích đồ truyền thống cũng phải thôi. Với trang phục sân khấu, do kinh phí ít nên chất lượng kém, diễn viên tiếp xúc với cái xấu lâu ngày cũng khó lòng biết cái đẹp thực sự thế nào. (Họa sĩ thiết kế trang phục Nguyễn Thị Thu Hà)

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm