Họa sĩ Trần Trọng Vũ: 'Tự giãn cách mình với xã hội để làm việc'

14/09/2021 20:22 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Thời kỳ Covid- 19 cho các nghệ sĩ nhiều chất liệu để sáng tạo tác phẩm, mà sau này chất liệu ấy sẽ mất đi nên các nghệ sĩ nên tận dụng nó. Và đó có thể là món quà quý cho những người làm nghệ thuật, cho cộng đồng, cho xã hội”. Chia sẻ của họa sĩ Trần Trọng Vũ cho thấy phần nào góc nhìn sáng tác, cũng như quan điểm tích cực của ông trong cuộc sống.

Trần Trọng Vũ - cá tính lạ của mỹ thuật đương đại

Trần Trọng Vũ - cá tính lạ của mỹ thuật đương đại

Vừa khai mạc đầu tuần này, triển lãm "Đã từng thấy như chưa hề thấy" của Trần Trọng Vũ sẽ kéo dài hơn 3 tháng, đến ngày 6/12/2019, tại Vin Gallery (6 Lê Văn Miến, Q.2, TP.HCM).

Giữa đại dịch, họa sĩ Trần Trọng Vũ vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm của mình. Thậm chí, vài tuần trước, từ Paris, ông cũng đã có buổi trò chuyện trực tuyến với khán giả Việt Nam.

Chọn “đau thương” làm chất liệu

Như quan điểm của Trần Trọng Vũ, dịch bệnh đang đặt câu hỏi cho những người yêu nghệ thuật nhiều câu hỏi: Đại dịch toàn cầu liệu có ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và quá trình sáng tác của nghệ sĩ - những người sáng tạo và làm văn hóa nghệ thuật. Nghệ thuật có ý nghĩa và giá trị gì vào thời điểm này? Phải thay đổi như thế nào để thích nghi với trạng thái bình thường mới trên toàn cầu?

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trần Trọng Vũ

Và ở góc nhìn của mình, họa sĩ nhìn vấn đề một cách khá tích cực, rằng khi xã hội phải sống trong hoàn cảnh giãn cách, tại sao không sử dụng hoàn cảnh ấy làm điều kiện sáng tác - cũng như đề tài - cho công việc?

Với Trần Trọng Vũ, “nghệ thuật là phần không thể thiếu trong cuộc đời. Nó giúp cho tình yêu cuộc sống quay trở lại”. “Nếu bạn mất mát vì Covid-19, hãy tìm đến với nghệ thuật, như một sự giải phóng và nâng đỡ! Nhất là các bạn nghệ sĩ, tôi cho nghĩ rằng các bạn sẽ có nhiều điều để nói qua thời gian này” - họa sĩ đưa ra lời chia sẻ.

Chú thích ảnh
Một tác phẩm hội họa Trần Trọng Vũ sáng tác tại Pháp năm 2020, trong thời gian giãn cách

Về kinh nghiệm làm việc, Trần Trọng Vũ cho biết ông hay sử dụng chính áp lực của cuộc sống để biến thành ý tưởng thực hiện tác phẩm của mình. Chẳng hạn, ở những tác phẩm về chiến tranh, nhà văn hay họa sĩ thường phát triển cảm xúc trước những đau thương khốc liệt và mất mát để tạo nên những tác phẩm lớn. “Những đau thương, mất mát đó nhiều khi nó là chất liệu rất quý giá để nghệ sĩ biểu hiện bản thân mình. Nghệ thuật thực ra là sự biểu hiện, bộc lộ bản thân qua tác phẩm” - họa sĩ nói.

Như lời Vũ, tại Pháp, có một thực tế hài hước: Các nhà xuất bản văn học lớn đang đưa ra thông báo đề nghị giới nhà văn ngừng bản thảo đến trong thời gian này, khi mà họ đã nhận... quá nhiều bản thảo trong những đợt giãn cách vì Covid-19 trước đó. Và theo ông, để viết về giai đoạn này, nghệ sĩ không nhất thiết phải chọn Covid-19 làm một đề tài cụ thể. Thay vào đó, họ có thể phát triển cảm hứng sáng tạo để viết về giãn cách, về nỗi đau, hay những thử thách khắc nghiệt mà dịch bệnh đặt ra.

Chú thích ảnh

Nghệ sĩ đôi khi phải “cách ly xã hội”

"Làm việc trong những điều kiện tối thiểu đôi khi đòi hỏi người làm nghệ thuật phải huy động tối đa những gì anh ta có. Tôi luôn bị thu hút bởi những thách thức theo kiểu như vậy” - họa sĩ Trần Trọng Vũ nói tiếp về cách làm việc của mình.

Họa sĩ cho biết, ông thường xuyên đặt mình vào tình trạng khó khăn bằng cách “bỏ bớt đi những điều kiện mà tôi có thể dễ dàng có được, như chất liệu, như đề tài, như số lượng màu sắc cho một bức tranh, như số lần nhắc lại những hình khối trong một tác phẩm thị giác...”. Những quy định tự đặt ra có vẻ rất ngặt nghèo ấy buộc ông phải “bổ sung” vào tác phẩm những yếu tố khác, bằng sự sáng tạo của mình.

Chú thích ảnh

Trần Trọng Vũ cũng chia sẻ thói quen đối thoại “gây mâu thuẫn” trong tác phẩm. Ví dụ, khi làm triển lãm tại một thành phố nào đó, ông tìm cách đối thoại với vấn đề của nó thông qua tác phẩm. Tại một thành phố đang đau thương, ông sẽ tìm những hình ảnh đẹp đẽ trong lịch sử thành phố để đối thoại với đau thương đó. Hoặc, tại một nơi gồm toàn công trình bê tông thô cứng, Trần Trọng Vũ sẽ tìm cách đưa vào triển lãm đó một điều gì “dịu dàng hơn” để làm mềm mại sự bê tông hóa.

“Thực ra, trước thời Covid-19, tôi là người tự nguyện cách ly trong xưởng vẽ để hoàn thành tác phẩm của mình. Tất nhiên cách ly bây giờ hoàn toàn khác, bạn không biết bao giờ nó kết thúc, mọi thứ chúng ta không thể chủ động được” - Trần Trọng Vũ nói.

Đã sống ở Hà Nội trong thời kỳ khó khăn, không gian sống còn chật chội, Trần Trọng Vũ từng thèm khát một không gian riêng tư để được “cách ly” tạm thời với xã hội mà tập trung sáng tác nhưng không thể. Bởi thế, những ám ảnh đó trở thành chủ đề sáng tác trở đi trở lại của Trần Trọng Vũ, ngay cả khi ông đã đến sống và làm việc ở Pháp 35 năm qua.

Cách ly không chỉ là chủ đề sáng tác, trong đời họa sĩ, ông từng nhiều lần tự cách ly mình để làm việc. Ông chia sẻ, mình thường ngồi ngồi làm việc trong không gian khép kín, để tự mình nhìn những bức tường trống rỗng, từ đó những ý tưởng sẽ đến thông qua trí nhớ và sự tưởng tượng. “Sự cách ly của cá nhân rất quan trọng. Khi ngồi một mình và không có ai, không có cả điện thoại gọi tới, bạn có thể tập trung làm việc tốt hơn. Nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã tự giãn cách mình với xã hội để làm việc như thế” - ông nói.

Vài nét về Trần Trọng Vũ

Họa sĩ Trần Trọng Vũ (sinh năm 1964) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, theo học trường Đại học Mỹ thuật và tham gia giảng dạy tại đây từ năm 1982 tới 1989. Ông nhận học bổng từ trường Ecole Nationale des Beaux-Arts tại Paris (1989), và từ đó đến nay, vẫn sinh sống và làm việc tại Pháp. Năm 2011 - 2012, Trần Trọng Vũ được trao giải thưởng danh giá Pollock-Krasner bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock - Lee Krasner tại New York (Mỹ). Ông có triển lãm cá nhân Ký ức màu xanh tại Bảo tàng nghệ thuật trường đại học bang Arizona (Mỹ), và nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Singapore cũng như Bảo tàng quốc gia Việt Nam.

Nhớ về Hà Nội trong thời giãn cách

Trong số những tác phẩm mà Trần Trọng Vũ chia sẻ gần đây nhất trên trang cá nhân, có series tác phẩm thị giác, trộn lẫn nhiếp ảnh và hội họa được làm trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 tại Paris (năm 2020 - PV). Đó là những tác phẩm với không gian, tường, sàn nhà một màu trắng đơn giản. Trong sự tối giản đó, giống như các nhà văn, ông cũng “cho mượn” cái tôi chính là gương mặt, dáng người của mình trong loạt tác phẩm thị giác. Cùng “nhốt chung” với ông là những hồi tưởng, nỗi nhớ trong ký ức về Hà Nội, qua hình ảnh “đông đúc biểu trưng” là đám đông xe máy….

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm