Họa sĩ Văn Thơ – người nặng lòng với sông Hồng

22/05/2010 18:23 GMT+7 | Người Hà Nội

Chưa nói đến mức độ khả thi của đề án, nhưng qua đó có thể thấy tình yêu của người họa sĩ này với Hà Nội là điều đáng trân trọng.

Họa sĩ của nhiều "bức tranh đặc biệt”
Dù không phải là dân Hà Nội “gốc” nhưng Văn Thơ yêu Hà Nội, gắn bó với dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Ông sinh năm 1938 tại vùng quê chiêm trũng Thanh Liêm, Hà Nam. Học hết Phổ thông ở trường Trung học Kháng chiến Liên Khu 3, Văn Thơ lên Hà Nội với hành trang là hai bàn tay trắng và khát vọng hội họa. Ông vừa làm đủ nghề kiếm sống vừa theo học lớp dạy vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song, được vài tháng không có tiền đóng học nên ông phải nghỉ học để tiếp tục làm. Ông xin vào làm việc tại trường múa Việt Nam, vẽ sân khấu, phác họa các động tác múa để phục vụ việc giảng dạy và vẽ các vở diễn cho trường múa, sau đó ông lại chuyển về làm họa sĩ cho đoàn kịch nói Trung ương. Năm 1961 Văn Thơ về Nhà xuất bản Giáo dục vẽ SGK, ở đây ban ngày làm việc cơ quan, ban tối ông vẽ sáng tác.


                        Họa sĩ Văn Thơ bên một số tác phẩm của mình

Năm 1962 tại Đại hội Toàn quốc Văn Nghệ sĩ Việt Nam lần thứ 3, Văn Thơ là đại biểu trẻ nhất của giới họa sĩ, lúc này ông vẫn hoàn toàn chưa được đào tạo bài bản về hội họa. Tác phẩm đầu tay của Văn Thơ "Bác Hồ với công nhân" được Văn Thơ lấy cảm hứng từ Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 vào tháng 5/1962. Bức tranh được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962, khi ngắm bức tranh "Bác Hồ với công nhân", người xem nhận ra ngay những công nhân đang quây quần bên cạnh Bác đều là những anh hùng ngành công nghiệp, những người tiêu biểu nhất của giai cấp công nhân. Buổi khai mạc triển lãm có mặt nhiều vị lãnh đạo cao cấp, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn sau khi xem tranh "Bác Hồ với công nhân" đã quay sang nói với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên: "nên cho Văn Thơ đi đào tạo, bồi dưỡng".  Văn Thơ được NXB Giáo dục cử đi học trường Mỹ thuật Việt Nam, khi đó sơ tán tại Hiệp Hòa. Sau khi tốt nghiệp năm 1970, Văn Thơ quay về làm việc tại NXB Giáo dục, rồi về công tác tại Vụ Mỹ thuật Bộ Văn hóa. Từ đây, ông là người chuyên vẽ các bức tranh lớn trưng bày tại phòng khách các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có thể kể ra đây những bức tiêu biểu như Cây đa Tân Trào đặt tại phòng họp Bộ Chính trị ở phố Nguyễn Cảnh Chân, bức Non sông gấm vóc vẽ cùng họa sĩ Trần Tuy đặt tại trụ sở BCH TƯ Đảng, bức sơn mài Hồ Hoàn Kiếm đặt tại trụ sở Quốc hội, bức Trẩy hội Chùa Hương đặt tại phòng khách Thủ tướng Chính phủ, bức sơn mài Huế đặt tại Hội trường Ba Đình, bức phù điêu Bác cùng chúng cháu hành quân đặt tại trụ sở Bộ Quốc Phòng, bức Tuyên ngôn độc lập bày trong phòng họp chính của Bộ Văn Hóa ở Ngô Quyền và phiên bản đặt tại Bảo tàng Lịch sử.
Những bức tranh đặt tại nơi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp khách nên chúng thể hiện những phong cảnh mang tính biểu tượng cho lịch sử văn hóa Việt Nam, đó đều là tranh khổ lớn, chủ yếu dựa trên chất liệu hội họa dân tộc là sơn mài.
Nhiều bức tranh lớn đặt tại trụ sở Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội là tác phẩm tâm huyết của Văn Thơ. Đó là bức Văn Miếu đặt tại UBND TP Hà Nội, bức Hồ Hoàn Kiếm đặt tại Thành ủy Hà Nội. Riêng bức Văn Miếu ở UBND TP Hà Nội, Văn Thơ vẽ từ thời kì 1989 – 1994 khi đồng chí Lê Ất Hợi là Chủ tịch thành phố. Lúc ấy, UBND TP mở cuộc thi để các họa sĩ cả nước gửi bản vẽ phác thảo, sau khi xem xét, hội đồng của Hội Mỹ thuật VN và lãnh đạo thành phố đã quyết định chọn phác thảo của Văn Thơ. Đề tài của Văn Thơ chính là Văn Miếu, nơi hội tụ bề dày văn hóa không chỉ của Hà Nội mà của cả dân tộc, điều ông tâm huyết ở Văn Miếu là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài. Ông chọn là góc nhìn từ trong đại bái đường của Văn Miếu ra Khuê Văn Các để thể hiện tầm vóc lịch sử của biểu tượng này.

Xem lại đề án táo bạo của "kẻ ngoại đạo"

Có thể tác giả nhiều “bức tranh nền” trong những cuộc tiếp kiến cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và Thủ đô xuất hiện đều đặn trong các chương trình thời sự là điều ít người biết. Nhưng đề án "Thành phố sông Hồng" của ông đã nhận được sự chú ý lớn của dư luận.
Nguyên nhân sâu xa của dự án táo bạo này là những suy tư nặng lòng trăn trở của một người họa sĩ với bộ mặt của đất nước, của Thủ đô. Ông thấy "tiếc" cho sông Hồng, cho Hà Nội. Đi ngược với nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội mở rộng thì thiếu gì đất mà phải xây dựng ở sông Hồng, họa sĩ Văn Thơ cho rằng, bất cứ một thành phố thủ đô nào trên thế giới nếu có một con sông chảy qua thì người ta đều tận dụng vẻ đẹp của con sông để làm đẹp cho đô thị xung quanh, tạo ra hình ảnh các tòa nhà soi bóng xuống dòng sông. Không như ở Hà Nội hiện nay, con sông thành bãi rác, nhà ở bãi sông đều là nhà tạm bợ không có quy hoạch và… ngoảnh lưng lại với sông Hồng.
Năm 1995, ông bắt đầu chuyển nhà từ nội thành sang bên kia sông Hồng, gần cầu Chương Dương. Khi đó, khu đất rất hoang sơ chỉ vài túp lều lúp xúp, với những khu vườn và cánh đồng bãi giữa trải dài. Hàng ngày, hàng giờ ông ngắm con sông Hồng. Qua bao mùa nước cạn, nước lên, chứng kiến những thay đổi của con sông, ông mới nghiệm ra rằng, vị trí của sông Hồng đẹp như thế, đất ở bãi giữa và bãi hai bên nhiều như thế, nếu cứ để người dân xây dựng lộn xộn, không quy hoạch thì quá ư lãng phí. Đề án xây dựng “Thành phố bên Sông Hồng” của ông bắt đầu ra đời từ đó.


                        Phối cảnh đề án “Thành phố bên sông Hồng” do họa sĩ thiết kế

Vốn chỉ là một họa sĩ, ông là người hoàn toàn ngoại đạo đối với những vấn đề chuyên môn về kiến trúc, quy hoạch, trị thủy dòng sông Hồng. Ông lao vào đọc sách, tìm hiểu những kiến thức làm cơ sở khoa học cho ý tưởng của mình. Đề án tạo ra 8.000 ha đất cho thành phố sông Hồng, từ ý tưởng được cụ thể hóa thành các vấn đề như kinh phí thực hiện, phương pháp trị thủy sông Hồng bằng cách mở rộng lòng sông, xây kè bê tông kiêm đại lộ thay cho đê đất... Những vấn đề này đã được báo chí, các cơ quan chuyên môn mổ xẻ nhiều lần, có người đồng tình, có người chưa ủng hộ, đây là điều dễ hiểu đối với một đề án “táo bạo” liên quan đến đại sự của Thủ đô.
Họa sĩ Văn Thơ luôn trăn trở “Hà Nội đang thực hiện những bước đi của một thành phố thủ đô đang phát triển từng ngày, với những ý tưởng quy hoạch mới, mang tính đột phá. Quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội từ trước đến nay đã rất nhiều cơ quan trong và ngoài nước đưa ra các phương án. Đề án của ông chào đời cũng đã 5 năm, và còn nhiều đề án của các đơn vị khác trong và ngoài nước. Thời gian cũng đủ để Hà Nội lựa chọn hay kết hợp các phương án để thực hiện”. Ông mong muốn Hà Nội bắt tay vào thực hiện quy hoạch sông Hồng ngay, nếu để lâu người dân tiếp tục xây dựng lấn chiếm, thì vấn đề càng khó khăn phức tạp và chi phí gia tăng.
Họa sĩ Văn Thơ phải rất nặng lòng với Hà Nội mới có thể suy nghĩ và kiên trì trong hành động như vậy.

Thảo Vy – Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm