25/02/2017 12:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Hàng xóm lắc đầu dè bỉu, gia đình muốn tư vấn bác sĩ tâm thần. Thợ nguội Frantisek Hadrava không phiền lòng, mà bền bỉ tự chế ra một chiếc phi cơ để ngày nào cũng bay tới chỗ làm việc.
Thợ nguội Frantisek Hadrava đứng bần thần trong xưởng, trong tay anh là một bản vẽ nguệch ngoạc, có chút thiện chí sẽ nhận ra đó là hình vẽ thiết kế một chiếc máy bay.
Xưởng của anh là một túp lều thô sơ bằng ván gỗ ở Zdíkov, một làng nhỏ trên triền núi Sumawa chạy dọc tam giác biên giới Séc-Đức-Áo. Chỉ có một đường duy nhất vào ngôi làng với vài ngôi nhà quét màu vàng hoặc xám, để rồi sau vài trăm mét lại ra khỏi làng. Ít ai đi qua mà nhớ đến địa chỉ này, nếu ở đó không có một thợ nguội lừng danh là Frantisek Hadrava, con người kỳ quặc nhất địa phương.
Ca làm việc của anh bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Bình thường Hadrava đi ô tô và cần chừng 15 phút cho quãng đường 15 cây số đến nhà máy. Nhưng hôm nay trời đẹp. Mấy phút trước 6 giờ, Hadrava đi ra bãi cỏ dốc thoai thoải đầu làng mà anh thuê để làm đường băng. Việc đầu tiên là anh xua lũ cừu đang thảnh thơi gặm cỏ ở đó. Rồi anh đeo kính phi công lên, ấn nút khởi động máy.
Chiếc phi cơ mini chạy lộc cộc trên nền cỏ gập ghềnh, ngày càng nhanh, rời khỏi mặt đất và tung cánh lên không trung. 10 phút sau Hadrava đến nơi, tiết kiệm được 5 phút đi đường, tuy đó không phải là mục đích chính.
Anh thích bay. Và anh đã tự làm ra máy bay, kệ cho thiên hạ chê cười hay ngán ngẩm.
Lập dị chẳng giống ai
Frantisek Hadrava năm nay 45 tuổi, mớ tóc đen nuôi dài và chỏm râu dê cùng hình xăm giọt lệ dưới mắt phải khiến anh hao hao giống một hippie của thế kỷ trước, hoặc một ngôi sao nhạc rock. Và độ nổi tiếng của anh trong xóm cũng tương tự như thế.
Giờ thì tên tuổi của anh đã lan xa hơn, đài báo thi nhau đổ về Zdíkov, xếp hàng xin phỏng vấn anh. Hadrava đứng trong túp lều gỗ của cô em gái, nơi anh lắp ráp và chế tạo mọi thứ vật dụng kỳ quái, ung dung kể chuyện mình cho các phóng viên từ Praha, từ Anh hay tận Pakistan qua.
Dĩ nhiên, Hadrava là một nhân vật lập dị, và thợ cơ khí này quen sử dụng kìm búa hơn câu chữ. Nhà máy nơi anh làm việc là một cơ sở sản xuất máy móc cho ngành lâm nghiệp. Lương tháng của anh chừng 650 euro, giật gấu vừa đủ vá vai, nói gì đến một cuộc sống dư giả.
Từ bé Hadrava đã khác với lũ trẻ đồng niên trong xóm. Trong lúc tụi bạn đá bóng thì anh ngồi lắp mô hình máy bay bằng bìa cứng hoặc nhựa, có bao nhiêu tiền túi là anh mua sách về máy bay tiêm kích Đức thời Thế chiến II hoặc phi cơ siêu nhẹ của Mỹ.
Mỗi lần ra thành phố, Hadrava chọn các phim về máy bay để xem không biết mệt, và thần tượng của anh có một cái tên dài ngoằng khó nhớ: Freiherr Manfred Albrecht von Richthofen, nổi danh là “Nam tước Đỏ” trong không lực Đức, phi công số 1 của Thế chiến I, từng bắn rơi 80 máy bay đối phương. Từ đó trở đi Hadrava nung nấu ước mơ được bay trên mây như người hùng của mình.
Đa số trẻ con đến lúc nào đó sẽ quên đi mơ ước viển vông của mình, khi chúng thành người lớn, kết hôn và đẻ con, xây cái nhà và mua chiếc ô tô cho cuộc sống bình lặng và nhàm chán của mình. Hadrava sống độc thân, dùng mãi một chiếc xe Skoda Felicia xanh lục cũ kỹ, trong lòng hậm hực vì bị giam trong cái làng quê nhỏ bé này.
Lấy đà…
Tuổi 20
Đó là lần đầu tiên Hadrava được lên không trung. Anh bám vào một khung thang treo dưới tàu lượn và lần đầu tiên ngắm quê hương mình từ trên xuống. Chưa bao giờ anh cảm nhận được tự do như thế. 10 năm sau anh đủ tiền để đặt mua một bộ phụ tùng để tự lắp thành chiếc mô hình phi cơ tỉ lệ 1:1. Sau giờ làm việc là Hadrava biến mất trong xưởng thủ công tí xíu của mình.
Hàng xóm thương hại “ẩn sĩ” với bộ dạng và thú vui kỳ quặc. Cô em gái lo anh mình rối loạn tâm thần. Nhưng Hadrava không để ai làm lung lạc ý chí. Ngày nào anh cũng hì hục lắp ráp trong túp lều gỗ, trước mặt treo chân dung của Nam tước Đỏ.
Bộ phụ tùng mới chỉ là đồ chơi, Hadrava phải sắm thêm động cơ từ một nhà sản xuất trong nước, máy đo độ cao từ Nga, đồng hồ chỉ vòng quay từ Ba Lan v.v... Anh sơn máy bay màu bạc, lắp thêm mái mica cho buồng lái và chế cặp cánh rời, vì nếu không sẽ chẳng đủ chỗ trong xưởng.
Rốt cục, một chiếc phi cơ đầy đủ tính năng hoạt động đúng như Hadrava hình dung đã hoàn thành, chủ yếu bằng gỗ, cân nặng 175 kg và ngốn chừng 2 năm rưỡi cộng với 100.000 curon (gần 4.000 USD) trong ngân quỹ hạn hẹp của chủ nhân. Anh đặt tên nó là Vampira (ma cà rồng).
Tổ chức phi công nghiệp dư Séc thẩm định kỹ càng, hai lần liền, rồi cấp phép bay. Người lái chưa có bằng phi công, nhưng anh biết hết mọi kỹ thuật bay vì chính anh đã siết từng đinh ốc của Vampira!
Chuyến bay đầu tiên của Vampira là một sự kiện của cả xóm. Chiếc phi cơ nổ to như máy bơm và bốc khói mù mịt như một chiếc xe tải đời cổ. Nhưng nó bay. Hôm sau các đồng nghiệp đùa với Hadrava, thách anh bay đến nhà máy. Tại sao không? Anh nghĩ bụng.
“Không ai thọc mũi vào chuyện của tôi, không ai có thể ép tôi làm gì”
Đó là triết lý sống của Hadrava. Vì vậy anh không gõ cửa Airbus mà tự tìm một đồng minh chuyên làm mô-tơ ở tỉnh bên cạnh. Anh đã làm xong máy bay như mình muốn, tại sao không bay đi làm?
Để cất cánh về nhà từ bãi cỏ đối diện nhà máy, Hadrava phải lắp một động cơ khỏe hơn, lần này là quà tặng của hãng sản xuất động cơ máy bay loại nhỏ. Giờ thì anh chỉ cần lấy đà cất cánh 40 mét thay vì 70 mét như trước. Nhà máy cho phép anh đưa máy bay vào bãi đỗ ô tô của nhân viên, và từ đồng cỏ Hadrava lôi phi cơ bằng sợi dây thừng như người ta xỏ mũi con bò kéo đi vậy.
Hadrava thi được bằng lái máy bay và từ giờ anh sẽ tiết kiệm 5 phút đi đường, không đáng kể, nhưng anh còn tiết kiệm cả nhiên liệu. Chiếc Vampira chỉ cần 6 lít xăng cho mỗi giờ bay, rẻ hơn đi chiếc Skoda Felicia đồ cổ. Nói cho cùng việc anh chế ra chiếc phi cơ chỉ nhằm chứng minh rằng một con người yêu tự do với cái đầu kỹ sư, bàn tay thợ mộc và tâm hồn lãng mạn thì có thể làm được tất cả!
Ước mơ thì ai cũng có, những Hadrava không mơ hão, ước muốn của anh quan trọng đến nỗi anh phải thực hiện nó. Và anh không dừng chân ở câu hỏi “tại sao”, mà còn nghĩ tiếp: “Tại sao không?” Được hỏi sẽ nói gì với những người tỉ mẩn so sánh hai năm trời lao động với 5 phút tiết kiệm trên đường, Frantisek Hadrava mỉm cười độ lượng: “Tôi sẽ khuyên họ nên mơ mộng nhiều hơn.”
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất