(lienminhbng.org) -
Từ lâu, dòng Thu Bồn đã chảy trong tâm thức những người con xứ Quảng - Đà, tạo cảm hứng cho thơ ca của Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Quế Sơn và thậm chí nhà thơ Hà Đức Trọng đã đặt bút danh là Thu Bồn và thương hiệu Thu Bồn đã là niềm tự hào của người dân xứ Quảng- Đà. Chẳng phải thế mà nhạc sỹ Trần Quế Sơn đã “tỏ tình” với cô gái nào đó bằng lời mời gọi “Nếu em yêu cái bềnh bồng thì dạo thuyền trên sông Thu” (Yêu cái mặn mà).Nhưng bấy lâu, nhiều người chỉ biết đến dòng Thu Bồn như thế trong thơ ca mà chưa được tận mắt thấy vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Vừa qua, tại Hội An, tour khảo sát Du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Thu Bồn và trải nghiệm văn hóa sông nước, văn hóa cộng đồng tại làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu đã được tổ chức.
Hội An đã rất sáng tạo khi tìm cách khai thác các vẻ đẹp của địa phương, xung quanh di sản phố cổ vốn có. Không những tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương trong vùng, mà cách làm này của Hội An còn là gợi ý cho nhiều nơi khác về việc khai thác du lịch chứ không chỉ là tận thu trên nền di sản.
Mời độc giả cùng thưởng thức vẻ đẹp kỳ ảo của buổi chiều trên sông Thu Bồn và nét sinh hoạt truyền thống của người dân xứ Quảng.
Văn hóa sông nước lâu đời trên dòng Thu Bồn là vẻ đẹp khác của xứ Quảng.
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ núi Ngọc Linh và đổ ra biển Cửa Đại.
Công nhân đang ngày đêm làm việc để kịp tiến độ công trình cầu Cửa Đại.
Sau những ngày đi biển, thuyền của ngư dân về neo đậu chốn bình yên này.
Hiện, người dân hai bên bờ Thu Bồn vẫn “sang sông” bằng thuyền.
Hi vọng với cách khai thác du lịch sáng tạo này, làng mạc sẽ giàu đẹp hơn.
Việc buôn bán trên sông Thu Bồn diễn ra khá sôi động
Khi những tia nắng cuối cùng buông xuống, dòng Thu Bồn hiện ra như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.
Việc lưu giữ nghề truyền thống như đan lưới, dệt chiếu,…từ thế hệ này qua thế hệ khác, là một tài sản có giá trị văn hóa mà du khách rất thích thú
Hồng Thúy