23/06/2015 05:55 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chó sói hút heroin, cáo hút á phiện, cọp chích chất kích thích, thỏ say thuốc lắc... là những chi tiết được kể trong mục “Kể chuyện” của chiếc điện thoại đồ chơi trẻ em. Sản phẩm này có ghi trên vỏ “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) đang trôi nổi trên thị trường khiến các bậc phụ huynh hoang mang.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ giáo dục, câu chuyện “độc hại” này rất nguy hiểm trong việc tác động vào nhận thức, hành vi của trẻ.
Lan tràn thị trường
Chiếc điện thoại đồ chơi giả cảm ứng tên CMTOYS gồm các mục: Nhạc thịnh hành, nhạc trẻ em; Tiếng nhạc khí, vũ khúc; Tiếng bàn phím, tiếng chuông; Kể chuyện; Thơ cổ; Nhạc ru; Ghi âm...
Đặc biệt, trong mục “Kể chuyện” có câu chuyện Con thỏ và con cọp với nội dung: “Con thỏ đang chạy trong rừng nhìn thấy chó sói đang hút heroin, thỏ nói: Anh sói ơi, hãy nghe em từ bỏ chất độc hại đó đi với em quanh rừng, sẽ thấy nhiều cảnh đẹp lắm.
Cả hai đang chạy thì gặp con cáo đang hút á phiện. Thỏ lại nói: anh cáo ơi, hãy từ bỏ chất độc hại và theo em chạy quanh rừng. Đi một lúc, gặp con cọp đang chích chất kích thích, thỏ nói, anh cọp ơi, hãy theo em từ bỏ. Cọp gầm lên: Cmm thỏ, lần nào mày say thuốc lắc cũng rủ tao chạy quanh rừng, cút xéo!”.
Theo tìm hiểu của PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN), mẫu điện thoại này khá phổ biến ở các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can, Hàng Mã (Hà Nội)... Chiếc điện thoại đồ chơi này có giá bán dao động khoảng từ 50.000 đồng tới 80.000 đồng.
Trước đó, Cục Quản lý Thị trường đã nhiều lần thu hồi các mẫu đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc hại. Nhiều mẫu đồ chơi Trung Quốc chứa hàm lượng chất độc hại có thể gây ung thư, gây rối loạn sự phát triển của trẻ bằng nhiều con đường đã lan tràn thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các mẫu đồ chơi trẻ em mang tính chất bạo lực như súng, kiếm... cũng có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán ở nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, đồ chơi trẻ em mang nội dung văn hóa độc hại như truyện “thỏ say thuốc lắc” vẫn chưa được phát hiện nhiều.
Về nguồn gốc chiếc điện thoại thì theo chị N. – một người bán hàng trực tuyến – chị cũng lấy qua trung gian nên không rõ xuất xứ.
Ẩn họa lớn trong món đồ chơi nhỏ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục đánh giá: Câu chuyện trong chiếc điện thoại nhỏ nhưng là vấn đề lớn. Bởi trẻ em “nghe truyện” thường là những bé chưa biết đọc (khoảng từ 3-5 tuổi). Lứa tuổi này, các em sẽ tiếp nhận rất nhanh và nhớ rất sâu những thông tin mới. Và việc các em nghe truyện “thỏ say thuốc lắc” sẽ khiến các em hình dung chuyện hút chích là chuyện bình thường. Những nhận thức lệch lạc này sẽ nằm trong ẩn ức của trẻ. Khi các em lớn, gặp điều kiện thích hợp, nhận thức đó sẽ chuyển hóa thành hành vi nguy hại tới bản thân các em và xã hội.
Ngoài truyện “thỏ say thuốc lắc” xuất hiện trong đồ chơi có ghi xuất xứ từ Trung Quốc, thời gian qua, các sách truyện cổ tích cho trẻ có chi tiết phản cảm cũng xuất hiện nhiều trên thị trường như truyện: “thỏ bóp d. hổ”; chằn tinh bị Thạch Sanh “đánh phọt óc”, truyện cổ tích khiêu dâm...
Các cuốn sách trên đều đã bị xử phạt tùy từng mức độ: chỉnh sửa, thu hồi, đình bản, xử phạt hành chính... Những hình thức răn đe trên của ngành xuất bản với mục đích đảm bảo không để cho trẻ tiếp cận văn hóa độc hại.
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cũng cho biết: So với những câu chuyện trên, truyện “thỏ say thuốc lắc” nguy hiểm hơn nhiều lần trong việc tác động nhận thức, hành vi của trẻ em. Nên bên cạnh việc quản lý chặt hàm lượng chất độc trong đồ chơi Trung Quốc, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp mạnh tay với những cơ sở kinh doanh “tiếp tay” để những món đồ chơi chứa nội dung văn hóa độc hại như trên lưu hành trên thị trường.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất