19/04/2011 07:30 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Đám cưới của Hoàng tử nước Anh William và hôn thê Kate Middleton sẽ được tổ chức vào ngày 29/4 tới tại nhà thờ Westminster Abbey, nơi nghi lễ kết hôn của cha mẹ Hoàng tử là Thái tử Charles và Công nương Diana cũng được tổ chức trang trọng ở đó. Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ niềm vui và khẳng định ngày 29/4 sẽ là một ngày hội của nước Anh. Nhân sự kiện trọng đại này, xin được điểm lại một số “chuyện tình cảm” trong Hoàng gia Anh, vốn luôn thu hút giới truyền thông vì sự nổi tiếng và cả tai tiếng…
Đám cưới của Edward VIII với bà Wallis Simpson
Trải qua nhiều thế kỷ, các đám cưới Hoàng gia Anh luôn không tránh khỏi những sắp xếp để có được sự “môn đăng hộ đối”, nhằm tăng vị thế và kéo dài triều đại. Trong những sự sắp đặt đó cũng có những cặp gặp được đúng “một nửa” của mình. Điển hình là tình yêu của Vua Edward I (1239 - 1307) dành cho người vợ là Eleanor (1241 - 1290). Sau khi vợ qua đời, quá đau khổ Vua Edward I đã dựng 12 công trình được gọi là Eleanor Crosses nhằm tưởng nhớ vợ yêu của mình. Nhưng không phải cặp nào được “ghép đôi” trong gia đình Hoàng gia Anh cũng có may mắn như vậy. Vua Henry VIII vì muốn có con trai nối dõi tông đường nên đã lấy rất nhiều vợ và động cơ đó đã dẫn đến cái chết của hai người vợ. Một trong những cô dâu của vị vua này là Anne of Cleves. Bà được chọn qua một bức chân dung trước khi Vua Henry VIII trực tiếp nhìn thấy bà. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó chỉ kéo dài 6 tháng.
Elizabeth I (1533 - 1603) thì nhanh chóng nhận ra những mối nguy mà đất nước của bà đã phải đối diện và để “tận dụng” được mọi nhân lực, bà đã tài tình lôi kéo những đối tượng tới cầu hôn mình tham gia vào việc quốc gia, tuy nhiên bà lại không bao giờ kết hôn với họ. Đáng nói nữa là cuộc hôn nhân của Vua George IV với Caroline. Đám cưới của họ được tổ chức linh đình tại Chapel Royal ở St.James’s Palace vào năm 1785, song đây là một “cặp đũa lệch” và có lẽ vì quá buồn chán vì điều đó nên vị vua này đã say xỉn trong ngày cưới của mình.
Trong thế kỷ 20, đám cưới của Edward VIII đã trở thành sự kiện hoàng gia gây tranh cãi nhất. Năm 1936 Vua George V qua đời và nối ngôi ông là con trai Edward VIII. Edward VIII lên ngôi năm 41 tuổi nhưng không lâu sau đó rắc rối xảy ra khi vị vua này phải lòng bà Wallis Simpson - một phụ nữ Mỹ và không thuộc gia đình quý tộc - và muốn cưới bà làm vợ. Hoàng gia không bao giờ đồng thuận với đám cưới đó bởi bà Simpson là một phụ nữ đã ly hôn (2 cuộc hôn nhân trước của bà đều được giải quyết ở tòa). Còn công chúng thì không chấp nhận một người phụ nữ đã ly hôn làm Hoàng hậu. Thế nhưng Edward VIII muốn được sống chết trong tình yêu còn hơn ngồi trên ngai vàng mà không thấy hạnh phúc. Ông từ bỏ ngai vàng và tổ chức đám cưới với người phụ nữ Mỹ không môn đăng hộ đối này tại Chateau de Conde ở Pháp năm 1937. Đây vẫn được xem là mối tình lãng mạn nhất trong Hoàng gia Anh, song đã gây ảnh hưởng rất lớn tới thanh thế của Hoàng tộc.
Tuy nhiên, không phải đám cưới nào của các thành viên trong Hoàng gia Anh cũng được tổ chức một cách đình đám. Chịu “thiệt thòi” nhất có lẽ là hôn lễ của Công chúa Elizabeth với Công tước Edinburgh tại Westminster Abbey hồi năm 1947. Do đám cưới được tổ chức trong thời kỳ ác nghiệt của thời hậu chiến nên thậm chí người thân cũng không được mời tham dự. Ngay cả ba người chị em của Công tước Edinburgh, đều kết hôn với các quý tộc Đức, cũng không được tận mắt chứng kiến sự kiện này. May mắn là sau đó cuộc sống của Hoàng gia Anh chuyển sang một giai đoạn khác với đám cưới của Công chúa Margaret với nhiếp ảnh gia tài năng Antony Armstrong Jones tại Westminster Abbey năm 1960. Thời điểm ấy, đây được xem là một cặp đôi khác thường và rất ít gia đình hoàng tộc nước ngoài tham dự, trong khi lại có sự hiện diện của các nhân vật xuất chúng trong làng nghệ thuật như Margot Fonteyn, Noel Coward và Leslie Caron.
Đám cưới của Thái tử Charles với Công nương Diana đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người nhưng đã nhanh chóng trở thành cơn ác mộng và kết thúc một cách bi kịch
Sang thập kỷ 1980, câu chuyện tình lãng mạn và đám cưới thế kỷ của Thái tử Charles và Công nương Diana đã mê hoặc hàng triệu trái tim dân chúng trong nhiều năm. Cô dâu là người có sắc đẹp đầy lôi cuốn. Còn chú rể là người thừa kế ngai vàng của nước Anh, là con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Từ thời trẻ Thái tử Anh luôn để mắt tới những cô gái đẹp và đã trải qua nhiều mối quan hệ lãng mạn, trong đó còn có cả chị gái của người vợ đầu (Diana) là Lady Sarah Spencer. Thế giới đã và luôn say mê vẻ hấp dẫn và sắc đẹp của Công nương Diana. Bà xuất thân từ một gia đình có dòng máu (tuy không chính thống) của Vua Charles II và Vua James II. Thực ra Diana đã biết chút ít về người chồng tương lai của mình trong thời gian Charles có quan hệ với chị gái. Gia đình bà luôn gắn bó với Hoàng gia. Bà ngoại của Diana là bạn của Hoàng thái hậu. Khi Thái tử Charles đã ngoài 30 tuổi, ông phải chịu sức ép hôn nhân rất lớn. Đám cưới của Thái tử Charles với Diana dường như là một việc đã được trù định từ trước. Lễ đính hôn của họ diễn ra vào tháng Hai và tổ chức đám cưới vào tháng 7/1981. Hôn lễ của cặp đôi này được hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi khi nó được phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, đám cưới của họ đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng. Hai người ly thân vào năm 1992 và năm 1996 quyết định ly hôn. Đây không phải là vụ ly hôn duy nhất trong Hoàng gia Anh. Em gái của Thái tử Charles là Công chúa Anne cũng chia tay người chồng đầu tiên - Mark Phillips. Trong khi Hoàng tử Andrew cũng trải qua một cuộc ly hôn chẳng hề giấu giếm với vợ là Sarah - nữ Công tước vùng York.
Năm 1997, Công nương xứ Wales Diana đã qua đời một cách đầy bi kịch sau vụ tai nạn xe hơi ở Paris. Sau đó, Thái tử Charles đã quyết định kết hôn với người tình lâu năm của mình là Camilla Parker Bowles. Nhiều người cho rằng người phụ nữ này chính là nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của Thái tử Charles với Công nương Diana tan vỡ. Sự “phục hồi” danh vị cho bà Bowles diễn ra trong nhiều năm, nhưng đỉnh điểm là đám cưới được tổ chức vào năm 2005. Tuy thế, bà Bowles không thể trở thành Hoàng hậu mà thay vào đó, bà được nhận tước vị Công nương Consort. Thái tử Charles là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàng gia tổ chức kết hôn ở Anh không theo nghi lễ tôn giáo bởi nữ Công tước Bowles là người đã ly hôn. Điều này bị coi là vi phạm pháp luật và đã trở thành đề tài tranh cãi. Đám cưới của họ không có sự chứng kiến của nữ hoàng. Chưa hết, đám cưới tiếp tục gặp trục trặc do bị trì hoãn vì Giáo hoàng John Paul II qua đời.
Cuộc hôn nhân của Hoàng tử William và Kate Middleton sẽ có nhiều yếu tố phá vỡ truyền thống.
Trong thời nào thì đám cưới hoàng gia cũng luôn thu hút sự quan tâm của mọi người. Đám cưới của Hoàng tử William và Middleton là kết thúc có hậu của một câu chuyện tình lãng mạn, của một chàng hoàng tử với nàng Lọ lem thời hiện đại. Câu chuyện tình của họ đưa người ta trở về với nhiều chuyện của quá khứ và tượng trưng cho những niềm hy vọng của tương lai.
Phạm Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất