31/12/2015 11:46 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - "Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đắp đê biển, thay đổi tập quán canh tác" là những đề xuất của đề án “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long” do PGS.TS Trần Hồng Thái làm chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì là Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm phần đất thuộc 13 tỉnh thành phố gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Diện tích đất tự nhiên khoảng 3.96 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người.
Nguy cơ từ thiếu hụt nguồn nước và ngập lụt
Theo Quy hoạch phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2050 đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng, xâm nhập mặn.
Hình ảnh quen thuộc ở ĐBSCL
ĐBSCL luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế trong điều kiện dòng chảy và các tài nguyên sinh vật, phù sa vào đồng bằng phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác nguồn nước thượng lưu. Do vậy ĐBSCL phải chịu những tác động, thách thức không nhỏ và khôn lường từ các hoạt động ở thượng lưu, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Những thách thức đó sẽ là những rào cản lớn cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội ở vùng ĐBSCL, đặc biệt đối với sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân và cộng đồng dân cư. Những hạn chế chính của điều kiện tự nhiên, đó là ảnh hưởng của lũ trên diện tích từ 1,4-1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn; Nguồn nước suy giảm dẫn đến: mặn xâm nhập trên diện tích khoảng 1,2-1,6 triệu ha ở vùng ven biển; đất phèn và sự lan truyền nước chua trên diện tích khoảng 1,2-1,4 triệu ha ở những vùng thấp trũng; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trên diện tích khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển; và sự xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng.
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét và diễn biến phức tạp đó là dòng chảy từ thượng lưu và nước biển dâng. Tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nguy cơ Thiếu hụt nguồn nước.
Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Riêng đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiếu nguồn nước sẽ gây ra những khó khăn tổn thất lớn. Theo dự báo trong những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa.
Thứ hai là nguy cơ ngập lụt. Dòng chảy trung bình mùa lũ tổng cộng vào Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng tới 40 tỷ m3 nước. Ngập lụt sẽ gia tăng tại các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, đặc biệt vùng kẹp giữa 2 sông Tiền và sông Hậu nghiêm trọng hơn.Ngoài các thành phố/thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 0,5 m, trong đó nghiêm trọng nhất là Châu Đốc,Cân Thơ và Vĩnh Long. Bán đảo Cà Mau tuy là vùng trũng thấp nhưng chỉ gần 50% diện tích ngập <0,5 m. Nước biển dâng làm cho tiêu thoát nước các thành phô/thị xã Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau khó khăn hơn.
Những giải pháp lâu dài
Từ những thách thức và diễn biến dòng chảy, ngập lụt có thể đưa ra những đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ phát triển bền vững ở ĐBSCL, trong đó có vấn đề xây dựng đê biển.
Nguồn nước thiếu hụt trong thời kỳ khô hạn sẽ dẫn đến gia tăng khoảng cách xâm nhập mặn. Do vậy cần phải quy hoạch và từng bước xây dựng các tuyến đê biển dọc bờ biển Đông và biển Tây nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển trong điều kiện nước biển dâng cao. Nghiên cứu các biện pháp ngăn mặn xâm nhập sâu vào trong mùa cạn, trong đó có biện pháp xây dựng các cống ngăn mặn ở những nơi được chứng tỏ là có hiệu quả.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải thay đổi tập quán canh tác
Bên cạnh đó chuyển đổi sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Diện ngập tăng, sử dụng đất của các ngành bị ảnh hưởng lớn bởi ngập lụt, lượng nước thiếu hụt cùng với nước biển dâng sẽ dẫn đến gia tăng xâm nhập mặn. Khu vực hoàn toàn không bị ảnh hưởng triều mặn đưa vào cơ cấu cây trồng vật nuôi những loài không cần nhu cầu nước cao. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Khu vực mới bị ảnh hưởng triều - mặn: Phân bố hợp lý phạm vi dành cho cây trồng trọt và thủy sản, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với nước lợ và nước mặn, chú ý bảo vệ và phát triển các khu rừng ngập mặn ở vùng cửa sông ven biển (Bến Tre, Hậu Giang, Cà Mau).
Cần đa dạng hoá cây trồng vùng đặc biệt là vùng ven biển và đệm ven biển. Bên cạnh biện pháp tích cực ngăn mặn, tiếp ngọt để duy trì sản xuất nông nghiệp, thì việc bố trí cây trồng phù hợp và cập nhật kỹ thuật canh tác cũng là một biện pháp rất hữu hiệu, linh hoạt có thể áp dụng nhanh, ít tốn kém và mọi người dân có thể tham gia làm được. Các biện pháp có thể bao gồm:
Bố trí lại mùa vụ để né mặn: Thu hoạch sớm hơn để tránh mặn cuối vụ hoặc xuống giống muộn hơn để tránh mặn đầu vụ có thể được thực hiện bằng cách chọn giống cây trồng hoặc vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn phù hợp với điều kiện mùa vụ mới.
Nghiên cứu chọn giống kháng mặn: Chọn canh tác những loại cây trồng hoặc vật nuôi có khả năng kháng mặn để khi mặn có tăng cao ít bị thiệt hại.
Thay đổi hệ thống canh tác: Cây trồng được canh tác trong thời điểm có nước ngọt được luân canh với cá, tôm nuôi trong mùa có nước mặn hay lợ. Hiện nay, nông dân cũng đã thực hiện hệ thống canh tác này như mô hình lúa – tôm sú, lúa - cá nước lợ...
Trồng loại cây có nhu cầu nước ít: Khi mặn xâm nhập thì nước ngọt phục vụ cho sản xuất trở nên khan hiếm, nên chọn trồng những loại cây có nhu cầu nước ít. Chẳng hạn như trồng lúa cần cung cấp nước nhiều gấp hai lần so với trồng sorghum hay bắp.
Tăng cường khả năng kháng mặn cho cây. Trong trường hợp cây bị nhiễm mặn, bằng biện pháp kỹ thuật canh tác có thể gia tăng khả năng kháng mặn cho cây như phun một số hóa chất lên lá, bón dưỡng chất đối kháng mặn, cung cấp phân bón qua lá, sử dụng màng phủ nông nghiệp và gia tăng ẩm độ trong vùng sản xuất.
Cuối cùng là các biện pháp tích trữ nước ngọt và bảo vệ môi trường. Dùng các biện pháp tích trữ nước mưa trong mùa mưa theo quy mô gia đình dưới hình thức các bể chứa hoặc các loại chung vại… phục vụ cho mùa khô Biện pháp này đặc biệt hiệu quả đối với vùng ven biển (Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) chịu ảnh hưởng của thủy triều, nơi mà nguồn nước sông trong mùa mùa khô - cạn đặc biệt hạn chế do bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn
Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường chống ô nhiễm nguồn nước, trong đó phải thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra hoạt động xử lý và xả nước thải sản xuất của các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất vào nguồn nước; thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở xả thải ô nhiễm nguồn nước.
M.Châu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất