26/11/2019 08:26 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Số lượng ngày càng tăng những người sống xa lánh xã hội, hay Hikikomori trong tiếng Nhật – là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất mà đất nước Mặt trời mọc đang phải đối mặt.
Đã gần 20 năm kể từ khi Nhật Bản lần đầu tiên chứng kiến trường hợp Hikikomori đầu tiên, khi một thiếu niên 17 tuổi bước ra khỏi nhà sau nhiều năm. Sau 40 phút ngồi trên xe buýt, cậu ta bất ngờ rút ra một con dao thái thịt, khống chế lái xe, cuối cùng giết chết một hành khách và đâm ba người khác vào cổ.
Năm nay, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã xác định Hikikomori là một tình trạng mà các cá nhân ngừng tương tác với xã hội, không đi học hoặc không làm việc; họ giao tiếp rất hạn chế với người thân trong gia đình, thường ở lì trong nhà hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Theo một nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật tiến hành vào tháng 3/2019, khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15-39 đã tự khép mình trong nhà, xa lánh xã hội. Nhưng điều gây ngạc nhiên lớn là xu hướng này thậm chí còn mạnh hơn ở độ tuổi 40-64, với 613.000 người. Trong số này, 7/10 nam giới và trên một nửa nữ giới đã ở trong tình trạng xa lánh xã hội tới trên 7 năm.
Những người mắc hội chứng Hikikomori tuổi trung và cao niên cho biết họ cảm thấy như bị mắc kẹt ở nhà và bị cách ly khỏi xã hội so với thế hệ trẻ, sau khi mất việc hoặc không thể tìm được một công việc mới.
Con số ngày càng tăng những người “xa lánh xã hội”, lên tới trên 1 triệu người – là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất mà Nhật Bản đang đối mặt.
Những bi kịch
Vấn đề Hikikomori đã gây chú ý mạnh mẽ trên truyền thông trong năm nay sau một loạt vụ việc gây chấn động cả nước Nhật. Một người đàn ông 51 tuổi, sống với người họ hàng 80 tuổi, đã tấn công nhóm học sinh tiểu học đang chờ xe buýt hồi tháng 5 tại Kanagawa, khiến ít nhất 2 người chết và 18 người khác bị thương. Cùng tháng đó, cậu con trai của một Hikikomori 40 tuổi đâm chết mẹ và em gái mình sau khi cãi nhau rồi tự sát.
Chỉ vài ngày sau, một cựu thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản ở độ tuổi 70 đã sát hại con trai 44 tuổi sống "xa lánh xã hội” vì ông sợ rằng con trai ông có thể đi lang thang và làm hại người khác như vụ án ở Kanagawa.
Tính chất quá đơn giản của tình trạng "xa lánh xã hội" ở các đối tượng trên cũng như những gì thúc đẩy họ thực hiện những hành động đáng sợ đó đã làm gia tăng sự kỳ thị của xã hội đối với hiện tượng Hikikomori.
Thay đổi trong xã hội
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 36,2% chắc chắn là nguyên nhân chính của hiện tượng Hikikomori, mà đối tượng chủ yếu là những người bị sa thải, nhân viên hợp đồng không được gia hạn và không thể tìm được việc làm.
Trong cuộc vật lộn để tìm việc làm, nhiều thanh niên Nhật Bản bắt đầu sợ gặp gỡ những người khác. Họ thấy rằng đối mặt với cô đơn trong thế giới của riêng mình còn dễ dàng hơn, và dần dần rút khỏi xã hội.
Tình trạng này đã trở nên trầm trọng hơn khi xu hướng việc làm trong xã hội đã chuyển từ việc làm ổn định, trọn đời trong những năm tháng huy hoàng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Nhật Bản trước đây, sang xu hướng thuê lao động ngoài hoặc lao động hợp đồng thời hạn ngày nay.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, mọi người rất nhạy cảm với những gì họ cảm nhận và không ngừng so sánh bản thân với người khác.
Một người sống kiểu Hikikomori bị coi là một kẻ thất bại trong xã hội và là một nỗi xấu hổ cho gia đình họ. Vì thế, các thành viên trong gia đình thường tìm cách che giấu tình trạng này cũng như từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ, khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề 8050
Trong suốt một thời gian dài, Hikikomori được coi là một vấn đề xã hội chủ yếu gặp phải ở những thanh niên thiếu nhiệt huyết, thường dựa vào các các chương trình việc làm của chính phủ dành cho công dân từ 35 tuổi trở xuống. Vì vậy những đối tượng khác thường không được chú ý.
Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một hiện tượng mới – đó là ngày càng nhiều người lớn tuổi Nhật Bản mắc chứng xa lánh xã hội và không thể tìm ra cách tiếp nhận sự giúp đỡ. Theo một nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành, chỉ có 1/3 số người thuộc đối tượng này sống lệ thuộc rất lớn vào cha mẹ già của họ.
Trong một số vụ việc nổi bật được truyền thông nhắc đến, có nhiều trường hợp bố mẹ 80 tuổi phải chăm sóc cho những người con mắc hội chứng Hikikomori đã 50 tuổi của họ - một hiện tượng được gọi là “vấn đề 8050”.
Khi cha mẹ quá già yếu, những người con Hikikomori của họ đối mặt với tình trạng bất lực khi phải vật lộn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, và hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền cha mẹ để lại cũng như những lợi ích an sinh xã hội của họ để duy trì cuộc sống.
Vào tháng 1/2018, một cụ bà 82 tuổi và con gái mắc hội chứng Hikikomori 52 tuổi của bà được tìm thấy đã chết trong căn hộ của họ ở Sapporo vì lạnh và đói. Cảnh sát báo cáo rằng người mẹ qua đời từ khá lâu trước khi cô con gái dần kiệt sức đến chết. Người ta tìm thấy 90.000 yen được cất trong căn hộ của hai mẹ con, nhưng có lẽ người mẹ đã không có cách nào để sử dụng số tiền đó (khi người con mắc chứng xa lánh xã hội).
Trong một số vụ việc kỳ lạ khác, sau khi cha mẹ qua đời, những người mắc chứng Hikikomori thậm chí bị bắt giữ vì để xác người thân quá cố tại nhà mà không mang đi chôn cất.
Xã hội Nhật Bản cần phải nhận ra rằng Hikikomori không chỉ còn là cuộc đấu tranh cá nhân với chứng rối loạn tâm thần, hay một vấn đề gia đình mà là một vấn đề xã hội cần phải được giải quyết một cách toàn diện hơn.
Chính phủ Nhật Bản không chỉ cần giúp những người mất việc tìm được việc làm, mà còn nên giúp họ kết nối với xã hội và sống với lòng tự trọng. Xã hội Nhật Bản cũng không nên xem Hikikomori là một hiện tượng nguy hiểm hoặc đáng xấu hổ, mà nên tiếp cận nó với sự cảm thông và hỗ trợ.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Channelnewsasia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất