24/02/2011 13:32 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Ngày mai 25/2, UBND TP Hà Nội sẽ chốt phương án cứu cụ rùa Hồ Gươm. Cho đến thời điểm đó, Sở KHCN Hà Nội tiếp tục làm việc với một số nhà khoa học để tìm ra phương án hữu hiệu nhất.
TT&VH tiếp tục ghi nhận ý kiến của một số nhà khoa học về vấn đề này. Có thể thấy, đa phần các chuyên gia thiên về phương án đưa cụ rùa lên bờ chữa trị.
Xin phép tổ tiên trước khi đưa cụ lên
GS-TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học VN cho rằng, qua ảnh có thể nhận thấy cụ rùa bị thương ở cổ và xây sát ở viền mai. Cụ bơi lội chậm chạp, rùa tai đỏ bò cả lên lưng mà không có phản ứng. Tuy cụ rùa gắn với tâm linh, nhưng để chữa trị cho cụ thì phải đối xử như bất cứ một “bệnh nhân” động vật nào khác.
Theo GS Mai Đình Yên, để bắt cụ, có thể dùng lưới vây dài, cao, mắt to, nên sử dụng cáng làm dụng cụ vận chuyển cụ rùa. Địa điểm chữa trị nên đặt ở gần hồ.
Khi thực hiện việc này cần đồng thời gắn chip theo dõi, lấy máu để xác định AND, giải đáp thắc mắc hiện nay là cụ thuộc loài nào và xác định cụ là “cụ ông” hay “cụ bà”.
Theo GS Mai Đình Yên, do cụ gắn với truyền thuyết linh thiêng, những người cứu chữa cụ có thể làm một cái lễ nhỏ xin phép tổ tiên trước khi làm việc này.
Cần dũng cảm đương đầu với rủi ro
TS Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho rằng, hiện nay chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra vết thương và tình trạng sức khỏe cụ thể của cụ. Tất cả chỉ dựa trên suy luận, phỏng đoán qua ảnh đăng tải trên báo chí.
TS Phan Thị Vân bày tỏ, nếu là các loài động vật quen thuộc Việt Nam đã từng chữa trị thì đơn giản hơn. Vấn đề là chúng ta chưa có kinh nghiệm chẩn đoán và chữa trị cho loài rùa này, bởi ngay cả cụ thuộc loài nào thì vẫn còn tranh cãi. Hơn nữa, kích thước của cụ lớn nên khó thao tác trong quá trình chữa trị. Trong khi đó rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị, từ cách ly, vận chuyển đến tiếp xúc với cụ.
Theo TS Phan Thị Vân để chữa trị cho cụ, cần phải có bể lớn với nguồn nước sạch để cách ly và ao có nguồn sạch dùng để thả rùa sau khi chữa trị nhằm theo dõi sau điều trị trong thời gian nhất định. Cần có một số ba ba để thử thuốc trước khi dùng cho cụ.
Đưa cụ lên cạn. Lấy mẫu vết thương chẩn đoán các tác nhân vi khuẩn, nấm. Cũng trong quá trình này cần thử mẫu AND của cụ để nghiên cứu tiếp. Đưa cụ vào bể tránh gây sốc do thay đổi môi trường sống.
TS Phan Thị Vân cho rằng, an toàn nhất là phương án bôi thuốc. Trước khi bôi thuốc cần làm sạch vết thương. Sau khi quyết định loại thuốc cần thử thuốc trên loài ba ba, nếu an toàn mới dùng, tránh rủi ro.
Sau khi kết thúc quá trình dùng thuốc, cho cụ ra ao sạch để tiếp tục theo dõi, trong thời gian đó xử lý môi trường và dọn sạch Hồ Gươm.
TS Phan Thị Vân cũng cho rằng, phương án tắm thuốc, ngâm thuốc có thể nguy hiểm cho hệ hô hấp của cụ, vì cụ thuộc loài mai mềm, toàn bộ da là cơ quan hô hấp quan trọng. Khi tắm thuốc sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của da. Nếu tiêm thuốc cho cụ thì khó khăn trong việc tính toán liều lượng cho phù hợp, dễ dẫn đến sốc thuốc.
Phương án để cụ tại hồ và đưa thuốc vào cơ thể cụ bằng cách trộn với thức ăn sẽ rất khó thực hiện. Khi đó, không thể biết cụ có ăn không hay cụ lại “lang thang” ở hồ rộng, ăn “món” khác, hoặc rùa tai đỏ “xơi” hết thức ăn của cụ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất