Triển lãm Fabergé tại Nga: Bị tố có 'ít nhất 20 món đồ giả'

03/02/2021 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một bảo tàng của Nga đã tổ chức cuộc triển lãm Fabergé, nơi trưng bày các món đồ được cho mượn từ bộ sưu tập cá nhân của tỷ phú Alexander Ivanov. Tuy nhiên, cuộc triển lãm này đang bị yêu cầu tạm dừng và đóng cửa ngay lập tức sau khi một chuyên gia nổi tiếng cho biết nó “chứa đầy đồ giả”.

Triển lãm cổ vật “hàng khủng” ở Hà Nội

Triển lãm cổ vật “hàng khủng” ở Hà Nội

Từ nay tới hết ngày 25/10, những ai yêu thích cổ vật sẽ được thỏa mãn phần nào khi tới triển lãm Thú chơi cổ vật của người Hà Nội, đang trưng bày tại Nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội).

1. Tuyên bố hùng hồn được đưa ra trong một bức thư ngỏ mà nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng Andre Ruzhnikov gửi tới Giám đốc Bảo tàng Hermitage, với những lời cáo buộc rằng ông Mikhail Piotrovsky đã “xúc phạm danh dự tốt đẹp của Fabergé, phản bội lòng tin của du khách, hoạt động giả danh và phá hủy quyền lực của bảo tàng mà bạn đã được chỉ định lãnh đạo” khi tổ chức buổi trình diễn Fabergé: Jeweller To The Imperial Court, diễn ra từ ngày 25/11/2020 và kéo dài đến ngày 14/3/2021.

Tiết lộ với The Guardian, nhà buôn nghệ thuật Ruzhnikov nói rằng cuộc triển lãm ít nhất có 20 món đồ giả, và ông nghĩ rằng cuộc triển lãm được mệnh danh là sự kiện Fabergé lớn đầu tiên tại viện St Petersburg kể từ năm 1993, nên bị đóng cửa ngay lập tức. Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn sự xấu hổ này kết thúc. Tôi muốn buổi trình diễn này khép lại và bị lãng quên, thế là tốt nhất. Không ai có thể khiến bảo tàng Hermitage phải xấu hổ như vậy”.

Bảo tàng Hermitage và tỷ phú Alexander Ivanov đã phủ nhận các tuyên bố của chuyên gia, vị tỷ phú thậm chí còn đưa ra các tài liệu chứng minh tính xác thực của từng món đồ được cho mượn từ Bảo tàng Fabergé ở Baden-Baden mà ông thành lập năm 2009. Vậy nhưng Giám đốc bảo tàng lại không đưa ra bất cứ bình luận nào về cáo buộc “hàng giả” này.

Chú thích ảnh
Bộ sưu tập 50 quả trứng Fabergé được đánh giá là “báu vật thế giới”

Trước đó, ông Mikhail Piotrovsky đã tuyên bố chung với truyền thông về lời tựa cho danh mục của buổi triển lãm, trong đó có nói: “Tính xác thực của mỗi mặt hàng xuất hiện trên thị trường luôn có thể bị thách thức và tranh chấp… sự đồng thuận đến từ cộng đồng các chuyên gia là điều không dễ đạt được”.

Một trong những món đồ được đặt ở trung tâm “cuộc tranh chấp và cáo buộc” của bảo tàng Hermitage là tác phẩm Wedding Anniversary Egg (Quả trứng kỷ niệm đám cưới) được Sa hoàng Nicholas II tặng cho Hoàng hậu Alexandra vào Lễ Phục sinh năm 1904 để đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày cưới của họ.

Từ mùa Xuân năm ngoái, một nhà nghiên cứu Fabergé độc lập từ Oregon, chuyên gia DeeAnn Hoff, đã nêu ra những sự khác biệt dẫn tới tranh cãi, bao gồm tuyên bố cho rằng một số bức chân dung trên quả trứng đã dựa trên những bức ảnh được tô màu gần đây, và được chụp sau năm 1904.

DeeAnn Hoff cũng cho biết bức chân dung của Sa hoàng dường như đến từ một “bức ảnh đã lỗi thời” từ năm 1894 khi chụp ông với 4 chứ không phải 5 huy chương mà vị Sa hoàng thường mặc trên quân phục từ năm 1896 trở đi.

Chú thích ảnh
Quả trứng kỷ niệm đám cưới gây tranh cãi

2. Peter Carl Fabergé từng sống và làm việc tại St Petersburg, ông sở hữu một xưởng chính thức chuyên cung cấp cho triều đình Nga từ năm 1885 cho đến cuộc cách mạng năm 1917. Những tác phẩm của ông luôn được săn lùng và sưu tầm, thúc đẩy một phần bởi lòng yêu nước với khoảng 80% người mua trên thị trường ước tính là người nói tiếng Nga.

Khi sự quan tâm về các món đồ kim hoàn của Peter Carl Fabergé tăng lên, tỷ phú Alexander Ivanov đã trở thành người trung gian hàng đầu, đảm nhiệm việc kết nối các nhà sưu tập với các món đồ của Fabergé. Vị tỷ phú từng nói với tờ Independent vào năm 2010: “Luôn có một hàng dài những người muốn mua đồ cho tôi. Và nếu tôi đã mua nó, mọi người đều biết rằng nó đáng giá".

Alexander Ivanov trở nên nổi tiếng ở châu Âu vào năm 2007 sau khi thực hiện một số vụ mua lại các tác phẩm Fabergé nổi tiếng, bao gồm cả việc mua một quả trứng trị giá 9 triệu bảng Anh - quả trứng Rothschild Fabergé. Ông Ivanov cũng tuyên bố Wedding Anniversary Egg của mình đã được Maurice Rheims bán đấu giá ở Paris vào ngày 19/3/1951. Tuy nhiên, bản sao của mục lục các danh mục mà Ivanov cung cấp làm bằng chứng lại là bằng tiếng Anh, không phải tiếng Pháp. Và không có vụ mua bán nào như vậy được ghi lại trên tờ Gazette de l'Hôtel Drouot của tuần đó, đây là tạp chí hàng tuần cung cấp hồ sơ chính thức bắt buộc về mọi cuộc đấu giá được tổ chức ở thủ đô nước Pháp. (Hôtel Drouot là địa điểm đấu giá trung tâm của Paris, cho đến năm 2000, hầu như tất cả các cuộc đấu giá ở Paris đều được yêu cầu tổ chức một cách hợp pháp).

Khi những thông về vụ mua bán “sai lệch” này được đưa ra, vị tỷ phú Nga lại gây bất ngờ khi tuyên bố Wedding Anniversary Egg đã được bán đấu giá tại một địa điểm khác ở Paris. Vậy nhưng ông lại không nói ở đâu, cũng như không cung cấp được bất kỳ bản sao bìa hay nội dung của cuốn catalogue mà địa điểm đấu giá đó đưa ra.

Alexander Ivanov từng phục vụ tại Hải quân Liên Xô trước khi bắt đầu kinh doanh liên doanh bao gồm bán máy tính Amstrad với giá thành khá cao cho các nhà máy Liên Xô. Ông đã trở thành một trong những người mua Fabergé nổi tiếng nhất của Nga cùng với tỷ phú dầu mỏ Viktor Vekselberg.

Quỳnh Trang (Tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm