10/05/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tháng 11/1965, chính trị gia người Italia La Pira có cuộc gặp gỡ với chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thảo luận về con đường đàm phán hoà bình cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Toàn bộ những ngày giáo sư La Pira ở Hà Nội, và những ấn tượng đặc biệt về vị lãnh tụ của Việt Nam được người trợ lý của ông là Mario Primicerio kể lại thông qua cuốn hồi ký La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam.
Cuốn hồi ý của ông Mario Primicerio từng được giới thiệu tại Italia vào năm 2015, nhân kỉ niệm 40 năm chuyến thăm của La Pira đến Việt Nam. Trong khuôn khổ “Hội sách châu Âu lần thứ 8” đồng thời kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia, đại sứ quán Italy tại Việt Nam mới đây đã tổ chức sự kiện giới thiệu về cuốn sách này.
Buổi giới thiệu có sự tham gia của bà Cecilia Piccioni - Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Italy tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Italy và anh Trần Thanh Quyết, trưởng khoa tiếng Italia trường Đại học Hà Nội đồng thời là dịch giả cuốn sách.
Nhà chính trị chuộng hoà bình
Giáo sư Giorgo La Pira (1904 – 1977) là một chính khách người Ý. Ông từng là thị trưởng thành phố Florence và đã tham gia soạn thảo Hiến pháp Italy năm 1948.
La Pira được biết đến là nhà chính trị có tư tưởng yêu hoà bình và nhân quyền. Kể từ Thế chiến thứ II, ông đã đến rất nhiều nơi, thực hiện các buổi nói chuyện về hoà bình, về dỡ bỏ vũ khí. Ông từng lập tạp chí Principles nhằm ủng hộ nhân quyền và chống Phát xít.
“Điều quan trọng nhất của La Pira là tầm nhìn chính trị thế giới. Xuất thân là giáo sư về luật La Mã, ông đã nhìn thấy và đúc kết được những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo mối quan hệ giữa các dân tộc. Đó là hoà bình, tôn trọng độc lập dân tộc và tìm giải pháp hoà bình cho các xung đột”, ông Nguyễn Văn Nam nhận định.
Tháng 5/1965, ông La Pira tổ chức một hội nghị kêu gọi hoà bình tại Việt Nam, với sự tham gia của cộng đồng yêu hoà bình thế giới. Sau đó, nhờ có mối quan hệ thân thiết với Amintore Fanfani, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, La Pira được đề nghị đến Việt Nam để tìm giải pháp đàm phán hoà bình.
Và đến tháng 11/1965, La Pira đã có mặt tại Hà Nội cùng với trợ lý Mario Primicerio trong cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó ông đã gặp Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ngoại giao của nước ta.
Ấn tượng về lãnh tụ Việt Nam và 4 điều kiện hoà bình
Dịch giả Trần Thanh Quyết cho biết, cuốn hồi ký nhắc đến ấn tượng của La Pira về chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu khi nghe Bác sử dụng câu chào bằng tiếng Italia.
Theo lời dịch giả Trần Thanh Quyết: “Đến khi nghe giáo sư La Pira đặt vấn đề muốn tìm một con đường đến hoà bình thông qua đàm phán cho Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi cho La Pira rằng: “Nếu tôi và ngài đổi vai cho nhau. Ngài là Hồ Chí Minh còn tôi là La Pira, ngài sẽ làm gì?”
Giáo sư La Pira trả lời: “Nếu là tôi, tôi sẽ mời tổng thống Johnson đến dùng trà”. Đáp lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi sẵn sàng mời tổng thống Johnson uống trà. Nhưng tôi chỉ lo, khi ông Johnson đến thì trà đã nguội mất rồi”.
Trong nội dung trao đổi với giáo sư La Pira, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam muốn đi đến đàm phán hoà bình, nhưng phải dựa trên 4 điều kiện tiên quyết. Đó là: đầu tiên, Mỹ phải ngừng ngay việc ném bom miền Bắc; thứ hai, Mỹ ngừng cung cấp vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam; thứ ba, tất cả các bên trở lại với tinh thần của Hiệp định Geneve 1954 để thống nhất đất nước qua tổng tuyển cử; thứ tư, chính phủ Mỹ phải công nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Giáo sư La Pira tiếp nhận nội dung từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyển đến cho phía Mỹ thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Italy. Và cũng thông qua con đường tương tự, Mỹ bày tỏ thái độ không đồng tình.
Sứ mệnh hoà bình của La Pira đã không đạt được kết quả như mong đợi. Những điều kiện chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với La Pira như nêu trên, về sau trở thành nội dung quan trọng trong Hiệp định Paris 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Dù không thành công nhưng chuyến thăm Hà Nội của giáo sư La Pira vẫn mang một ý nghĩa quan trọng, giúp Việt Nam truyền tải được quan điểm vững chắc về nền độc lập dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Italy.
Cuốn hồi ký La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam gồm 6 phần, kể lại tuần tự cuộc hành trình thực hiện sứ mệnh hoà bình của giáo sư La Pira tại Việt Nam. Cuốn sách hiện đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ chính thức ra mắt độc giả Việt Nam trong tháng tới. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất