Cấp phép xuất bản, biểu diễn & chuyện phép vua, lệ làng

04/08/2014 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hai chuyện nóng trong giới văn nghệ thời gian gần đây: Cuộc thi “hoa hậu vứt giải thưởng vào sọt rác” và Bộ phim Căn hộ 69, đều liên quan tới vấn đề cấp phép.

Một bên tổ chức rầm rộ, nhưng khi bị thí sinh và dư luận tố chuyện lùm xùm trong giải thưởng thì lộ ra là “chui” không phép. Còn một phát hành trên mạng không qua thẩm định và cấp phép, khiến cơ quan quản lý (Cục Điện ảnh) lúng túng không biết xác định nó là phim (sẽ bị phạt) hay không phải là phim (không có quy định để xử phạt). Xung quanh việc cấp phép xuất bản, biểu diễn ở Việt Nam hiện nay còn lắm chuyện “nghĩ cả ngày không hiểu” như vậy.

Em ơi, Hà Nội thoáng!

Hai vụ việc nói trên đều xuất phát từ Hà Nội. Nếu xem đây là cách quản lý “thoáng” thì việc quản lý các hoạt động văn hóa ở Hà Nội quả là “thoáng” hơi nhiều so với các địa phương khác. Đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh đương đại, hai “thế giới” có ngôn ngữ thể hiện và đề tài dễ “nhạy cảm”.

Năm 2007, Nguyễn Mỹ Lê xin phép triển lãm Những góc lặng cùng nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng và nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn ở TP Đà Nẵng thì không được chấp thuận, nhưng ngay sau đó Hà Nội lại cấp phép toàn quốc. Chính vì vậy, sau khi kết thúc triển lãm tại Viet Art Centre (Hà Nội) vào cuối tháng 3/2007, Nguyễn Mỹ Lê lại cùng nhiếp ảnh gia Mỹ Dũng và nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn tái diễn triển lãm này tại Đại học Đà Nẵng (91A Nguyễn Thị Minh Khai), từ 3/4 đến 10/4/2007. Với ba chủ đề: Nhìn (ảnh và sắp đặt của Nguyễn Mỹ Dũng), Sinh tồn (tranh đồ họa của nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn) và Cha mẹ tôi (video, ảnh của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Mỹ Lê), triển lãm “mở ra từ tâm sự của cô gái trẻ đến những suy ngẫm về triết lý sống của người nghệ sĩ tóc đã pha sương, đưa người xem đến với những khoảnh khắc thân thương: đám cưới một người khiếm thị, một em bé chào đời, một góc phố nhuộm nắng vàng ươm trong ký ức người xa quê” (báo Tuổi Trẻ 24/3/2009).


Tác phẩm của nhà thơ Nhật Tấn trong triển lãm Những góc lặng năm 2007. Triển lãm này xin phép tổ chức tại Đà Nẵng không được, nhưng lại được cấp phép toàn quốc tại Hà Nội và sau đó quay về triển lãm tại Đà Nẵng

Họa sĩ Ngô Lực từng đề nghị TP.HCM cho phép triển lãm “chợ nghệ thuật” vào năm 2007, nhưng không được chấp thuận vì họ cho rằng chưa có tiền lệ cấp phép dạng này - nơi nghệ sĩ và khán giả cùng làm nghệ thuật như... đi chợ. Sau đó Ngô Lực ra Hà Nội thì được chấp thuận, triển lãm Vào chợ diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu) từ ngày 1 đến 5/11/2007. Ngay cuối năm này, dự án Ra đường của Ngô Lực và các cộng sự như Lê Nguyên Mạnh, Lê Minh Tú, Võ Hoài Nam… dự kiến thực hiện ở ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng cũng chỉ khởi đầu được ở Hà Nội.

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên đã mấy lần đề nghị được cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân tại TP.HCM nhưng bất thành. Cuối năm 2007, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội là Trần Quốc Chiêm gần như sắp xác lập tiền lệ thoáng mở khi ký giấy phép ngày 2/10/2007 cho Thái Phiên được triển lãm. Kèm theo giấy phép là yêu cầu cụ thể: “Đồng ý cho triển lãm nhưng ở địa điểm và thời điểm thích hợp, đồng thời đề nghị tác giả hoàn thiện hồ sơ tác phẩm chặt chẽ hơn nữa về thẩm mỹ nếu đưa triển lãm ra công chúng”. Hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã đánh giá cao chất lượng của triển lãm ảnh Xuân thì, nên đứng ra bảo trợ về nghệ thuật. Thế nhưng sau đó, ngày 18/12/2007, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã gửi công văn đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên để thông báo rút lại giấy phép, dù mọi việc đã chuẩn bị hoàn tất cho Xuân thì ra mắt tại 29 Hàng Bài, Hà Nội từ ngày 1 đến 6/1/2008. Từ trước đến nay chưa có một triển lãm khỏa thân nào được chính thức cấp phép, dù thực tế thì mỗi năm có hàng chục triển lãm chủ đề này đã âm thầm diễn ra.


Tiểu thuyết hoạt kê của Lê Minh Quốc sau khi đổi tên thì được tái bản

Trong quy định về giấy phép tổ chức hội chợ triển lãm, có một điều khoản như sau:

Việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại) phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trước ngày 01 tháng 10 của năm trước năm tổ chức.

Trường hợp đăng ký sau thời hạn vừa nêu, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại phải đăng ký trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm thương mại chậm nhất 30 (ba mươi) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam hoặc 45 (bốn mươi lăm) ngày đối với hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.

Vì điều khoản này, TP.HCM đã “bỏ qua” nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm tại địa bàn, do phía xin phép không đáp ứng được yêu cầu. gửi thông tin triển lãm kèm VISA của người nước ngoài trước 30 ngày hoặc 45 ngày. Họa sĩ Đinh Cường cho biết có lần ông về nước, muốn sáng tác và triển lãm, nhưng triển lãm chỉ thực hiện được tại Đà Lạt và Huế, hai nơi này gần như cấp phép tức thì, những nơi khác thì không.

Không được cửa này thì qua cửa khác

Trong quá khứ, nghe nói từng có thời kỳ bộ phim Ngày lễ Thánh không công chiếu tại khu vực Hải Hậu, nơi sinh sống của một bộ phận đông đảo bà con Công giáo do “nhạy cảm tôn giáo”. Nhưng nếu là thời nay, với hệ thống internet toàn cầu, thì việc phát hành ở đâu không còn quá quan trọng nữa. Đặc biệt với những loại hình dễ lan truyền, dễ vận chuyển như sách, phim, băng đĩa nhạc thì việc địa phương này, cơ quan quản lý này không cấp phép thì vẫn còn cửa địa phương khác, cơ quan quản lý khác.

Đầu năm 2007, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mới cấp phép phổ biến cho 33 bài hát, trong đó có những ca khúc quen thuộc, như Tình đầu tình cuối (Trần Thiện Thanh Toàn), Ai ra xứ Huế (Duy Khánh)... nhưng ngay từ tháng 11/2004, trong album vol.6 Em sẽ cố quên của ca sĩ Thanh Thảo, những bài này đã được TP.HCM cho phép phát hành.


Album bolero của ca sĩ Vi Thảo bị thu hồi vì lý do có bài chưa được cấp phép

Tháng 6/2012, album mới nhất của ca sĩ Vi Thảo, Tàu đêm năm cũ, bị thu hồi sau nửa tháng phát hành vì “có một số bài hát chưa được phép phổ biến tại Việt Nam”. Đáng nói là trong văn bản Bến Thành Audio (đơn vị sản xuất, Nhà xuất bản (NXB) Âm nhạc cấp phép, Phương Nam Phim là đơn vị phát hành) gửi từ tháng 9/2011 để xin phép Cục NTBD cho phép Vi Thảo thể hiện 5 ca khúc gồm: Tàu đêm năm cũ, Hoa nở về đêm, Nếu hai đứa mình, Con đường xưa em đi, Chuyến tàu hoàng hôn thì 3 tháng sau Cục NTBD đã có văn bản đồng ý cho Vi Thảo hát 3 ca khúc là Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương), Hoa nở về đêm (Trần Thiện Thanh) và Nếu hai đứa mình (Anh Bằng - Lê Dinh). Nhưng cuối cùng, trong động thái bất ngờ, đĩa bị thu hồi vì lý do “chưa được phép phổ biến”. Và ngay trong đơn xin bài hát cho album Vi Thảo của Bến Thành Audio có bài Chuyến tàu hoàng hôn (Minh Kỳ -  Hoài Linh) nhưng bị từ chối vì chưa được cấp phép thì đến cuối năm 2012, trong album Duyên kiếp của nữ ca sĩ Ánh Tuyết lại có bài hát này.

Tháng 11/2005, 2.000 bản của album Khi em ra đi của ca sĩ Lam Trường (Công ty Dịch vụ văn hóa Phú Nhuận phát hành) bị thu hồi vì ca khúc Anh sẽ nhớ mãi ghi đồng sáng tác Đức Trí - Bằng Kiều (lúc ấy Bằng Kiều đang bị cấm biểu diễn trong nước) nhưng nếu chỉ ghi là sáng tác của Đức Trí thì được cấp phép.

Những cách lách luật thường thấy là nhờ bên thứ ba có chức năng xin giấy phép. Chẳng hạn NXB Âm nhạc hoạt động dựa trên Luật Xuất bản nên được phép xuất bản các sản phẩm âm nhạc, album mà không cần thông qua Cục NTBD. Và nhiều người dựa vào đây để “lách”. Hoặc như TP.HCM, khi làm đĩa nhạc chủ đề Noel có trường hợp ca sĩ hải ngoại đã mất, nhà sản xuất “lách” bằng cách thông qua NXB Tôn giáo, là “OK”.

Sách cũng lách tùm lum

Khi ca sĩ Lê Kiều Như in cuốn Sợi xích (NXB Hội Nhà văn) bị dư luận “ném đá”. Cơ quan chức năng tại TP.HCM không cho phát hành cuốn sách này trên địa bàn của mình. Thế nhưng, Sợi xích lại được phát hiện bày bán công khai ở các nhà sách tại… tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc phát hành sách hiện nay cũng giống như việc đi xin giấy phép cho cuốn sách ra đời: không xin được nơi này thì xin nơi khác, không bán được ở thành phố thì mang về tỉnh.

Năm 1993, nhà thơ Lê Minh Quốc được NXB Trẻ ấn hành tiểu thuyết hoạt kê Xin lỗi ông là ai. Sau khi sách phát hành, chính NXB Trẻ thu hồi về. Lê Minh Quốc cho biết: “Khi đó tôi viết hơi bốc, chẳng hạn như chuyện các nhạc sĩ chuyên đi phổ thơ của mấy người giàu để kiếm tiền, kiếm danh. Thời điểm đó, chuyện này nghe rất sốc”. Sau hơn 10 năm… chỉnh sửa, tiểu thuyết hoạt kê Xin lỗi ông là ai của Lê Minh Quốc vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ in lại với tên mới Đời thế mà vui.

Việc đổi tên sách không chỉ để tái bản, đổi tên sách cũng là một “cách lách” để dễ tiêu thụ.

Văn Bảy - Việt Cường - Thanh Kiểu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm