Hội nghị Diên hồng và chuyện đội hình phát triển của AFC

23/10/2015 13:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - 10 năm qua đi, kể từ lần đầu tiên Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đưa về Việt Nam "Chương trình Tầm nhìn châu Á" với các thí điểm đầu tiên ở Long An và Nghệ An (sau đó lần lượt là TP.HCM, Huế…), cho đến thời điểm này, các dự án gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Bản chất các dự án thuộc "Tầm nhìn châu Á" chủ yếu tập trung phát triển bóng đá trẻ, bóng đá cộng đồng và học đường; trong đó, khán giả (CĐV) và truyền thông sắm vai các tiền đạo, trong sơ đồ 4-4-2 cổ điển - vốn được xem là đội hình chuẩn nhằm tạo đà phát triển của nền bóng đá bất cứ quốc gia nào.

Và nếu nhìn vào cái đội hình mà AFC từng muốn áp dụng, thì cũng 10 năm qua đi, bóng đá Việt Nam chơi mà... không có tiền đạo!

Cho đi rồi hãy mong nhận lại

Sau bao cuộc bể dâu, bao thất bại và sợi dây kinh nghiệm dài đến độ rút mãi không hết, từ những hối thúc của truyền thông (lại là truyền thông), Tổng cục TDTT - cơ quan quản lý nhà nước cao nhất với bóng đá phải hành động bằng việc kêu gọi một cuộc hội nghị kiểu "Diên Hồng", hòng chấn hưng nền bóng đá. Tổng cục chủ trì Hội nghị, nhưng những ai sẽ được mời đến đưa cao kiến, tranh luận và đội ngũ truyền thông đứng ở đâu trong sơ đồ 4-4-2 mà AFC từng rao giảng?

Tương lai của bóng đá Việt Nam là thuộc về lớp trẻ

Người làm truyền thông nói về vai trò của họ trong sự phát triển đồng bộ của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, kể cũng khó khách quan, dù bộ phận này là một trong 2 "tiền đạo" trong đội hình xuất phát, tức là thực hiện chức năng ghi bàn, đem về chiến thắng. Và để cụ thể hoá bằng hình ảnh, chúng tôi sẽ lấy những ví dụ cụ thể, những so sánh cụ thể từ những giải đấu – trận đấu có và chỉ có rất ít sự tiếp sức của truyền thông.

Hà Nội Premier League (HPL), một giải bóng đá phong trào đúng nghĩa của từ "phủi" đã qua mùa thứ 3 và rất thành công là nhờ đâu? Nhờ khán giả và những hiệu ứng mà truyền thông đem lại. Trung bình một trận đấu ở sân thu hút khoảng trên dưới 10 ngàn khán giả, đông hơn nhiều các trận đấu ở VCK U19, U21, thậm chí cả giải hạng Nhất, Cúp quốc gia và V-League.

Một đội bóng tham dự HPL, dù là từ Nghệ An (FC Văn Minh) hoặc Thanh Hoá (Moon Quang Trung) thậm chí từ Lào Cai (FC Du Lịch)…, thuộc về cộng đồng người địa phương. Đấy là điều đương nhiên. Nhưng họ vẫn được chào đón ở thị trường vốn dĩ khắt khe đến bảo thủ như Hà Nội là vì đâu? Bởi nét đẹp của một sân chơi có ý thức, chơi để cảm nhận, để chia sẻ. Tuy nhiên, HPL sẽ khó thể gây được tiếng vang đến tận miền Nam, miền Trung Tây Nguyên…, nếu không có công nghệ truyền hình YouTube và các bài báo tử tế.

HPL tạo ra được một sân chơi bổ ích, dù ở mùa thứ 3, BTC giải vẫn chưa có lãi. “Khán giả là động lực để chúng tôi cố gắng duy trì sân chơi này, chứ không phải các giá trị kim tiền. Vì sức chứa có hạn của các sân bóng, nên nguy cơ “vỡ sân” là rất cao, khiến đôi khi chúng tôi phải thốt lên rằng, đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không”, anh Nguyễn Hoài Nam, thành viên BTC giải nửa đùa nửa thật. Phải, BTC luôn phải "chạy có cờ" để chiều lòng các "thượng đế" và người chơi.

Hiệu ứng tốt từ HPL khiến những nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (VPF) nhiều phen phải vò đầu bứt tai, rằng tại sao VFF và VPF với đầy đủ các ban bệ, cơ sở hạ tầng, cũng không thiếu kinh tài, nhưng lại không thể giúp V-League, hạng Nhất hay Cúp quốc gia hút khách, chứ đừng nói các giải bóng đá trẻ?! Thế thì phải xem lại cung cách đối xử với khán giả, truyền thông và với chính người chơi.

Một sản phẩm làm ra lại khó bán, nếu không phải chất lượng có vấn đề thì đấy là cung cách phục vụ "thượng đế". Từ nhiều năm qua, kể từ ngày bóng đá Việt Nam bước lên chuyên, một bộ phận những nhà tổ chức – điều hành, cứ đương nhiên rằng truyền thông báo chí nếu không đưa tin về giải đấu, thì lấy gì lấp đầy các trang báo hoặc sóng truyền hình?! Còn khán giả, nếu không đến sân thì xem gì và ở đâu vào cuối tuần?!

Đấy là một quan điểm sai lầm và càng sai lầm hơn khi họ luôn chực chờ ở thế đối đầu một cách manh mún, thay vì hợp tác và minh bạch hoá một cuộc chơi. Bóng đá, suy cho cùng chỉ là một trò chơi và nếu cứ lăm lăm quyền lợi (cho tổ chức hoặc cá nhân), thì đừng mong sẽ nhận lại thứ gì đó tử tế.

Hội nghị "Diên Hồng" cho bóng đá Việt

Trở lại với vấn đề mà chúng ta cùng đề cập ở bài báo này, rằng thời cơ lịch sử có bắt buộc phải tổ chức một hội nghị kiểu "Diên Hồng" hay chưa? Và nếu tổ chức, liệu nó có giải quyết được ngọn ngành những tồn tại của nền bóng đá hay lại “xong xuôi tất cả lại về”? Ở vế đầu, khi thực thể nền bóng đá đã gần như chạm đáy của thất vọng, những người có trách nhiệm với sự tồn vong nhất thiết phải hành động. Còn vế thứ hai, thì cần phải chờ.

Cách đây 4 năm, Báo Pháp Luật TP.HCM từng đứng ra tổ chức Hội nghị các ông bầu và hướng đi mới cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhận được rất nhiều sự hưởng ứng, ủng hộ, đặc biệt là từ các ông chủ doanh nghiệp, những nhân vật có thể nói là chóp bu của nền bóng đá đương đại. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời từ đó, với những tiêu chí hướng tới rất văn minh, cho một sân chơi công bằng…

Nhưng, kể từ khi người "phất cờ" là bầu Kiên vướng vòng lao lý, VPF có thể nói là như "rắn mất đầu". Các tiêu chí hướng tới ban đầu cũng không được đảm bảo nữa, ví như 10 doanh nghiệp bảo trợ cho nền bóng đá, hiện chẳng còn lại mấy mống. VPF tuy là đã có những nỗ lực cải thiện chất lượng các giải đấu, nhưng hiện đang có biểu hiện bị đồng hoá trở lại, với sự can thiệp ngày một lớn từ VFF (đơn vị chiến 33,33% cổ phần, tức là cổ đông chính).

Và khán giả, và truyền thông, bộ đôi tiền đạo trong sơ đồ phát triển kiểu mẫu của AFC, ngày một chán nản. Khi truyền thông đưa ra những phản biện về chất lượng giải đấu và các trận đấu, VPF không cho rằng mình cần phải tiếp thu hay ít nhất đấy là một kênh tham khảo hữu ích, ngược lại họ nhìn nhận đó như “những hoạt động chống phá”, đi ngược với lợi ích chung. Lợi ích chung, trên thực tế là lợi ích nhóm.

Bóng đá Việt Nam đã và đang xây nhà từ nóc, nhưng tệ hơn, những người làm bóng đá đang chơi với các “tiền đạo ảo”, hỏi có thể có bàn thắng và chiến thắng không?! Trăm phần nghìn là không. Đứng chủ trì Hội nghị lần này, Tổng cục TDTT chắc chắn phải đưa ra được những hoạch định cụ thể, chứ không thể mông lung như nhiều hoạch định khác.


Hội nghị "Diên Hồng" sẽ lấy ý kiến của đại diện các tầng lớp xã hội, để tìm hướng đi đúng đắn nhất cho nền bóng đá nước nhà. và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: “Hội thảo tổ chức không phải để phê phán, mà với mục đích lắng nghe ý kiến từ nhiều chiều. Theo dự kiến của chúng tôi, hội thảo sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày tại Hà Nội vào tháng. Trước đó, nội dung chính của hội thảo sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông để các đại biểu chuẩn bị trước ý kiến”


Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm